Huế luôn luôn mới
"Những nhà thơ Huế thế hệ tôi"
15:31 | 30/09/2008
Câu chuyện của ông bắt đầu đã không chỉ đề cập đến các nhà thơ Huế cùng thế hệ, mà còn những tên tuổi thơ Huế trước đó như các nhà thơ tiền chiến còn sót lại: Ưng Bình Thúc Dạ Thị và nhóm thơ “Hương Bình Thi Xã”, Bửu Kế, Phan Văn Dật; các nhà thơ “đàn anh” như Đỗ Tấn, Hải Nguyên, Minh Đức Hoài Trinh, Phong Sơn, Quách Thoại, Tạ Ký, Tốn Thất Quán, Trụ Vũ, Vũ Hân, Vũ Ngọc Trác.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đang thuyết trình

Đó là chủ đề buổi thuyết trình tại Tạp chí Sông Hương diễn ra hôm 28.9.2008 do diễn giả Nguyễn Đắc Xuân thực hiện. Các nhà văn, nhà nghiên cứu Huế và đông đảo sinh viên đại học ở Huế đã đến tham dự.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sinh năm 1937, gần 20 tuổi mới làm thơ với bút danh Tâm Hằng và một số bài thơ của ông đã được nhạc sỹ Pham Duy phổ nhạc. Ông xuất bản tập thơ đầu tiên vào năm 1959 cùng với Hà Ly Hải (Bướm lạc rừng xuân).
Câu chuyện của ông bắt đầu đã không chỉ đề cập đến các nhà thơ Huế cùng thế hệ, mà còn những tên tuổi thơ Huế trước đó như các nhà thơ tiền chiến còn sót lại: Ưng Bình Thúc Dạ Thị và nhóm thơ “Hương Bình Thi Xã”, Bửu Kế, Phan Văn Dật; các nhà thơ “đàn anh” như Đỗ Tấn, Hải Nguyên, Minh Đức Hoài Trinh, Phong Sơn, Quách Thoại, Tạ Ký, Tốn Thất Quán, Trụ Vũ, Vũ Hân, Vũ Ngọc Trác. 
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, các nhà thơ Huế thế hệ ông có thể phân ra 3 giai đoạn. Giai đoạn Một tiếp nối dòng thơ tình, cô đơn, đi tìm đường với các xu hướng viết về tình yêu đôi lứa ( Diên Nghị với Chuyện của nàng), Huế (Thanh Thanh-Lá thư về Huế, Khang Lang-Áo trắng), xã hội (Nhất Lê-Em bán hàng rong), thân phận cô đơn (Tâm Hằng-Hành Trang). Các tác giả thơ người Huế lúc bấy giờ có thể nhắc đến là Ái Phương Liên, Diên Nghị, Đinh Cường, Hoàng Hương Trang, Hương Thu, Khang Lang, Kiều Trung Phương, Kim Tuấn, Ngô Kha (thơ-để phân biệt với Ngô Kha làm báo ở rừng), Nguyễn Thị Hoàng, Nhất Lê, Phan Duy Nhân, Tâm Hằng, Thái Luân, Thanh Nhung, Thanh Thanh, Thanh Thuyền, Tuyết Lộc, Tôn Nữ Hoàng Hoa, Tôn Nữ Hỷ Khương, Trần Nhất Hoan, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Tường Phong...Các tác giả từ phương xa đến Huế có thể nhắc đến Cao Hoành Nhân, Hà Nguyên Thạch, Trịnh Cung...Giai đoạn Hai, thơ nghiêng về ý thức dân tộc, đấu tranh yêu nước, kêu gọi hoà bình. Thơ đấu trânh cách mạng tiêu biểu có Phan Chanh Dinh (Vẻ mệt mỏi mới ở Phương Đông), Trần Vàng Sao (Khởi hành). Thơ tố cáo chiến tranh, kêu gọi hoà bình có Nguyễn Văn Phụng, Nhất Hạnh (Hoà bình, Kẻ thù ta), Tường Phong (Lá thư đầu xuân), Tâm Hằng (Để lại cho em, Nhân danh), Thái Luận (Bi hài kịch), Trần Quang Long (Hồi kết cuộc). Điểm son của giai đoạn này là phong trào âm nhạc, thơ văn vận động hoà bình những năm 1964-1966 xuất phát từ Huế, thơ nhạc kết hợp quảng bá ở các quảng trường. Thơ tự do của Ngô Kha lúc này ghi dấu ấn về cách tân hình thức. Giai đoạn Ba, kháng chiến chống Mỹ. Thơ động viên chiến đấu có Trường Xuân (Cái bếp lửa bập bùng), chống giặc có Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ta xây mộ mày ở Bản Đôn), tình cảm đồng bào có Nguyễn Đắc Xuân (Hoa chè), tình cảm gia đình có Ngô Kha (báo-Đọc thư con), nỗi nhớ quê hương có Quế Lâm (Tết xa nhà)...Giai đoạn này, thơ Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao được dư luận đánh giá rất cao.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cần sưu tập thêm để phục hồi một giai đoạn thơ Huế bị quên lãng và ông sẽ viết tiếp tập 2 “Chuyện tình và thơ tình xứ Huế” nếu còn thời gian. Bây giờ ông đã vào tuổi đông, đang chạy đua với thời gian và sức khỏe để làm nhiều việc.

Một điều đáng nói là trong buổi sáng đó, Tạp chí Sông Hương bất ngờ bị cúp điện. Ấy vậy mà đông đảo cử tọa vẫn rung động thoe dõi câu chuyện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nghe những bài thơ nổi tiếng một thời. Thơ ca có sức sống mãnh liệt của nó, và trong sáng đó, nó hiện diện rõ nét ở Sông Hương.
Thời gian đến, hàng tháng, Tạp chí Sông Hương sẽ tổ chức đều đặn các buổi thuyết trình, toạ đàm với các chủ đề văn hoá nghệ thuật như thế.

PV

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thư Sông Hương (18/03/2008)