VÀNG SON THẠCH THỦY KHÍ (truyện ngắn), tác giả Võ Thị Xuân Hà. Nxb Hội Nhà văn, 2012. Đọc văn của Võ Thị Xuân Hà chúng ta bắt gặp những nỗi buồn, những nỗi đau của thân phận con người qua cái nhìn đầy tính nhân văn của chị.
Mười ba truyện ngắn như mười ba mảnh ghép xoáy sâu vào tâm can người đọc. Một không gian hiện thực phũ phàng, một sự trôi chảy buồn tẻ chán ngắt của thời gian. Con người bị quẳng ném vào dòng hiện sinh trần trụi và tự chất vấn về sự hiện hữu của mình. Đọc Vàng son thạch thủy khí chúng ta thức nhận rằng con người luôn vươn tới những mộng tưởng nhưng cuối cùng chính con người lại mắc kẹt giữa hiện thực tàn khốc, giữa thực tại thấp hèn. Dự phóng tới cái đẹp vẫn mãi chỉ là những thứ khiến chúng ta hoài nghi và trăn trở.
CHƯA PHẢI NGÀY BUỒN NHẤT (truyện ngắn), tác giả Dạ Ngân, Phương Nam Book & Nxb Phụ nữ, 2012. Hẳn người đọc sẽ nhận ra trong mười một truyện ngắn này có những truyện như Chuyện người bay, Chưa phải ngày buồn nhất, Xuân nữ... đã được đăng tải trên Tạp chí Sông Hương. Sáng tạo luôn bị chi phối bởi nhãn quan của người sáng tạo khi va đập với đời sống xung quanh. Sự lưu trú của nhà văn ở một nơi chốn nào đó sẽ in hằn lên tác phẩm của mình những dấu vết của một vùng đất, của tâm thức văn hóa mà đôi khi chính người sáng tạo cũng không thể ý thức nó một cách trọn vẹn. Chưa phải ngày buồn nhất là một minh chứng cho điều đó. Nếu như trước đây sáng tác của Dạ Ngân chủ yếu miêu tả về cuộc sống Hà Nội thì trong tác phẩm này, Sài Gòn lại chính là nơi hoài thai nên những ý tưởng của chị. Như một sự tri ân người đọc, Dạ Ngân viết” “Trong khi chờ đợi cuộc sống đô thị ngấm vào, tôi nghe thấy ký ức mỗi ngày, như tiếng thở của sông dài, như tiếng gió của vườn khuya”. Sự va đập với một không gian sống mới, với nhịp sống khác trước chắc chắn sẽ đem người đọc tới những trang văn mang một lối viết và một phong cách khác của nữ nhà văn này.
THƠ BẠN THƠ (tuyển tập thơ), nhiều tác giả, Nxb Văn học, 2012. Tuyển tập này như một dòng hợp lưu chứa đựng tiếng lòng của những thi nhân đã trở về với đất mẹ vĩnh cửu và những thi nhân vẫn còn bám víu vào dòng trần gian phồn tạp, vào dòng đời thị phi. Chúng ta sẽ được gặp lại một thi quái lẫy lừng, một người khiến chúng ta đam mê nhưng lại hoàn toàn cảm thấy xa lạ bởi bút pháp, tư tưởng cũng như ý thức luôn luôn tự hủy trong sáng tạo của ông. Đó là Trung niên thi sỹ Bùi Giáng. Chúng ta lại được quay về sống trong những điều huyễn mộng, vừa hư vừa thực từ thơ của Lưu Trọng Lư... Bên cạnh đó là sự góp mặt của nhiều nhà thơ đã làm nên diện mạo của thơ ca đương đại như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Quần Phương, Phạm Tấn Hầu...
VĂN MỚI 2011 - 2012, Tuyển văn xuôi của tác giả mới và tác giả đang được mến mộ, Đông A & Nxb Hội Nhà văn, 2012. Ngày nay dựa vào những phát hiện của khoa học hiện đại, chúng ta thấy các nhà văn hiện thực đã bị giới hạn như thế nào. Sự khát khao mô phỏng hiện thực trong tính khả tri toàn vẹn của chúng ở các nhà văn hiện thực luôn là điều bất khả. Đọc Văn Mới 2011 - 2012, chúng ta thấy rằng, các nhà văn đương đại đã khôn ngoan hơn khi họ tự truy tìm cho mình một thế giới khác ngoài thế giới hiện thực. Điều này minh chứng rằng cần đến lúc các nhà sáng tạo phải viết trong khi nhắm mắt để tìm đến những vùng mờ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Đó là thế giới bên trong, thế giới hiện hữu ở một chiều logic khác nằm trong một kiểu dạng lý tính khác. Thế giới đó sẽ xui khiến nhà văn tìm đến và chạm được vào những tầng sâu trong vô thức của mỗi cá thể. Và tất nhiên, trong thế giới đó ngôn ngữ sẽ trình ra những hạn chế của nó, bởi có thể ngôn ngữ không thể miêu tả một cách tường minh về những vùng mờ.
TỪ XÁC ĐỊNH ĐẾN BẤT ĐỊNH (chuyên luận), tác giả F. David Peat, người dịch Phạm Việt Hưng, Nxb Tri thức, 2011. Cuốn sách là những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ XX. Nó là những diễn giải kinh điển về sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của nhân loại. Qua đây chúng ta thấy rằng sự tin tưởng về một thế giới hoàn toàn xác định là một sai lầm ngớ ngẩn của con người trong thế kỷ XX. Ngày nay, khoa học, triết học và nghệ thuật đã cho thấy thế giới dần trở nên bất định, mơ hồ và hoài nghi. F. David Peat là nhà vật lý nghiên cứu về chất rắn và lý thuyết lượng tử. Hiện ông là giáo sư tại Viện nghiên cứu tích hợp California, Ủy viên Viện Hàn lâm nghệ thuật và khoa học. Ông là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách tiêu biểu như Những lối mòn của sự thay đổi (Pari Books, 2005), Tiềm năng vô hạn: Cuộc đời và thời đại của David Bohm (Perseus Books, 1996)... Không phải ngẫu nhiên mà trên Tạp chí Physical Review Focus người ta đã dành những mỹ từ như thế này để ngợi ca F. David Peat: F. David Peat một trong những nhà viết lịch sử khoa học hết sức sinh động... vẽ ra những đường song song giữa vật lý lượng tử, nghệ thuật và triết học làm cho nhiều đọc giả sẽ phải thích thú ngạc nhiên. Thật hữu ích để nhìn thấy một tương lai - theo nghĩa đen - hoàn toàn khác biệt.
TRÊN BẾN SÔNG THƠ (thơ), tác giả Hà Văn Sĩ, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Thơ của Hà Văn Sĩ là những ký ức. Ký ức về nỗi buồn của chiến tranh, về sự khát sống, ký ức về những người đã chết, ký ức về tình yêu, ký ức về những nơi anh đã đi qua, về những hình ảnh bình dị đã từng neo đậu trong tâm hồn nhà thơ. Ngôn từ của Hà Văn Sĩ nhẹ nhàng, thanh thoát, cổ điển, đôi khi nó như một hơi thở nhẹ, một giấc Thiền không hình dạng len vào những cảm xúc tinh tế nhất của chúng ta...
(SH284/10-12)