Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới Số Đặc Biệt tháng 12/2012
10:10 | 03/01/2013

THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (chuyên luận), tác giả Đỗ Lai Thúy, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Vẫn lấy Thơ làm trung tâm của mọi diễn giải, nhưng khác với các công trình trước, ở đây, Thơ được tiếp cận từ cái khác (Otherness), như một phạm trù của triết học và mỹ học.

Tác phẩm mới Số Đặc Biệt tháng 12/2012

Hẳn giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam đương đại, cũng như những người luôn chờ đợi sự kiến giải mang tính chiều sâu học thuật về văn học từ lâu đã quen thuộc với cái tên Đỗ Lai Thúy. Từ Mắt thơ; Từ cái nhìn văn hóa; Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực; Chân trời có người bay; Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa; Bút pháp của ham muốn; Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy đến Thơ như là mỹ học của cái khác, Đỗ Lai Thúy đã tự xác lập cho mình một vị trí xứng tầm trong những nhà phê bình có kiến văn sâu rộng nhất hiện nay. Chuyên luận này gồm ba phần, Phần một: Thơ như là mỹ học của cái khác, Phần hai: Chân trần đến cái khác, Phần ba: Những nẻo đường của cái khác. Trong Phần một, phần lý thuyết nền tảng, Đỗ Lai Thúy đã trình bày logic và uyển chuyển quan niệm triết mỹ về cái Khác của thơ thông sự thay đổi một cách đồng bộ của nhận thức luận thế giới hiện đại về cái Khác từ vật lý, triết học, mỹ học, nhân học… và nghệ thuật. Những phần còn lại diễn giả từng bước trả lại khuôn mặt đích thực cho những giá trị thơ thông qua những cái nhìn khác biệt.


TUYỂN TẬP VĂN XUÔI (truyện ngắn, giai thoại và ký), tác giả Hoàng Hương Trang, Nxb Thanh niên, 2012. Tuyển tập này là một thế giới đa màu sắc về cuộc sống và con người. Truyện ngắn, giai thoại và ký của Hoàng Hương Trang là những nỗ lực mô tả về những điều mà nhà văn đã sống và trải nghiệm, có khi đó là thế giới nhà văn lôi ra từ chính tiềm thức cũng có khi đó là thế giới đương đại đang trôi lăn trước nhãn quan của người sáng tạo. Số phận của con người sau chiến tranh, những ước mơ, những dự phóng tới thiện mỹ trong đáy sâu tâm hồn của mỗi con người... là những điều thường gặp trong lối viết của nữ nhà văn này. Cái làm nền thành công của văn chương Hoàng Hương Trang không phải là ở cấu trúc mà chính là ở hành ngôn. Một giọng văn nhẹ nhàng, tâm tình qua lớp ngôn ngữ tự thuật đã giúp nhà văn chạm được vào tầng sâu của những cảm giác, lột tả được chiều sâu trong văn hóa Huế mà tác giả đã lựa chọn để làm đối tượng trung tâm cho văn chương của mình.


LI TI VÀNG (thơ), tác giả Yên Trang, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Có những nhà thơ luôn lấy tâm hồn mình phóng chiếu ra ngoại cảnh để vơi bớt đi những nỗi niềm, nhưng lại có những nhà thơ luôn để những nỗi niềm trong những góc khuất sâu kín của tâm hồn và thơ chính là những lời đọc thoại. Thơ của Yên Trang chính là những lời độc thoại mang âm hưởng của tính nữ. Tính nữ nên luôn giữ lại những điều sâu kín cho riêng mình, những yếu tố sâu kín chứa ẩn những bung vỡ ngay trong nội tại của câu chữ. Trong sự ồn ào cách tân thơ hiện nay thì Li ti vàng không phải là sự khước từ những yếu tố của thơ ca truyền thống mà ở đó là sự kết hợp của những yếu tố truyền thống và những yếu tố thuộc về lối viết hiện đại. Trong cái nhìn của Nguyễn Quang Thiều thì: “Tôi luôn nhìn thấy và cảm thấy những ngón tay run rẩy của chị trong những bài thơ. Những ngón tay run rẩy không làm cho đám đông ngoài quảng trường bị kích động nhưng làm cho tâm hồn chúng ta chợt náo động. Và đấy là thi ca, đấy là con đường chị chọn lựa để sống”.


ĐỐI THOẠI SOCRATIC 1 (Euthypho, Socrates tự biện, Crito, Pheado), tác giả Plato, Nguyễn Văn Khoa dịch, chú giải và dẫn nhập, Nxb Tri thức, 2011. Platon là một nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại. Điểm nổi bật trong hệ thống triết học duy tâm của Platon là học thuyết về ý niệm. Trong học thuyết này ông đưa ra hai quan niệm về thế giới các sự vật cảm biết và thế giới các ý niệm. Trong đó thế giới các sự vật cảm biết là không chân thực, không đúng đắn vì các sự vật không ngừng sinh ra và mất đi, thay đổi và vận động, không ổn định, bền vững, hoàn thiện; còn thế giới ý niệm là thế giới phi cảm tính phi vật thể, là thế giới đúng đắn, chân thực, các sự vật cảm biết chỉ là cái bóng của ý niệm. Đối thoại Socratic 1 tập hợp những tác phẩm tiêu biểu nhất của Plato, bao gồm Euthyphro, Socrates tự biện, Crito, Pheado. Ngoài ra, cuốn sách còn có những chú giải và phần dẫn nhập của dịch giả Nguyễn Văn Khoa, tập trung vào những vấn đề lí luận trong Hi Lạp học nói chung và Socrates học nói riêng để từ đó góp phần định hướng cho tư duy tiếp nhận.


ĐI, ĐỨNG VÀ CHẠY... VỚI THỜI GIAN (thơ), tác giả Từ Hoài Tấn, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Qua thơ, người đọc biết Từ Hoài Tấn luôn nỗ lực trong việc trình hiện thế giới nội tâm. Ngoại cảnh vẫn là nơi bấu víu của thi ca nhưng ở Từ Hoài Tấn ngoại cảnh đôi khi chỉ là cái cớ để từ đó tác giả lặn lội đi vào miền vô thức. Những dấu vết của thi pháp truyền thống cộng hưởng với những tìm tòi cách tân trong lối viết đã làm nên bản sắc riêng của tác giả. Những tai ương, bất hạnh, những băn khoăn về tình người, những đỗ vỡ của niềm tin... là những điều mà tác giả không ngừng truy vấn. Đối với Vương Từ thì: “Như một giọt sương thao thức nhớ nguồn khi tìm về biển, như mỗi khói hương xa đất gần trời - như Từ Hoài Tấn làm thơ, làm mãi để dâng đời, thêm sức cho cuộc sống”.


MIỀN ĐẤT LẠNH (truyện ngắn và ký), tác giả Lê Công, Nxb Văn học, 2011. Thế giới văn xuôi của Lê Công là thế giới hoài thai từ những nỗi đau của chiến tranh đang in hằn trong ký ức của người trong cuộc. Những kỷ niệm, những buồn vui thời cuộc, những con người lý tưởng là thứ trở thành chất liệu sáng tác và cảm hứng của tác giả. Không chỉ dừng lại ở hồi ức, tác giả còn hướng văn chương của mình tới những trăn trở trong tương lai, trăn trở về những giá trị được hun đúc từ chính trong bom đạn đang va đập với lối sống hiện đại. Nhân vật trong truyện của Lê Công là những con người bình dị, chân trần đi ra từ sự thật không mang nhiều dấu vết của hư cấu. Miền đất lạnh là những tâm tình, những suy ngẫm của tác giả về giá trị ở đời mà trong cuộc sống phồn tạp hôm nay chúng ta dường như có đôi phần quên lãng.


TỪ BỜ BÊN KIA (chuyên luận), tác giả Alexander Herzen, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nxb Tri thức 2012. Theo cách nhìn của Berlin thì Alexander Herzen được xem là nhà văn chính trị Nga hấp dẫn nhất trong thế kỷ XIX. Là một trong ba người thuyết giảng đạo đức thiên tài của nước Nga. Là chủ nhân của những tác phẩm kinh điển về chủ đề tự do. Từ bờ bên kia là những suy tưởng xung quanh biến cố lịch sử quan trọng ở châu Âu năm 1848. Những biến cố đó đã tác động sâu sắc đến nhận thức của tác giả, dẫn đến những khát vọng tìm ra con đường riêng cho nước Nga. Những con đường hướng tới tự do, bình đẳng, những con đường đưa lại lợi ích thiết thực cho quần chúng nhân dân lao khổ. Trong Gửi con trai tôi Alexander (in trong chuyên luận) tác giả viết: “Chúng ta không xây dựng, chúng ta đang đập vỡ, chúng ta không tuyên cáo mạc khải mới mà chỉ xóa bỏ sự dối trá xưa cũ. Con  người đương đại, người xây dựng cây cầu vĩ đại buồn bã – chỉ dựng nên cây cầu – một người khác, người còn chưa ai biết, người thuộc tương lai sẽ đi trên cây cầu ấy… Có thể con sẽ được nhìn thấy… Con dừng lại ở nơi bến bờ cũ… Thà chết cùng nó còn hơn là được cứu thoát trong sự che chở của phản động.

(SĐB 7/12-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng