THÁP KỀN KỀN (Tập truyện cực ngắn), tác giả Hoàng Long, Nxb. Văn học & Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2014.
Hoàng Long được xem là một nhà văn có nhiều cách tân trong thể loại truyện cực ngắn hiện nay ở Việt Nam. Sự xuyên thấu giữa diễn ngôn thơ với văn xuôi là một trong những yếu tố làm nên cái khác biệt trong truyện cực ngắn của nhà văn này. Truyện cực ngắn của Hoàng Long thường là những truyện ngắn mang tính ý niệm pha lẫn với màu sắc thiền họa và văn hóa phương Đông. Không chú trọng vào xung đột ở ngoại giới mà Hoàng Long thường dẫn dụ người đọc vào những va chấn trong tâm thức với sự làm chủ ngôn ngữ và tinh giảm ngôn từ đến mức tối đa. Trong cái nhìn của Mai Sơn thì Tháp kền kền mang “Một tâm thức và một thế giới huyễn mộng”.
ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT, bên phía nhà Swann (Tiểu thuyết), tác giả Marcel Proust, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Anh Đào dịch, Nhã Nam & Nxb. Văn học, 2013. Đây là tập một trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, tác phẩm làm kinh ngạc và dấy lên một cuộc cách mạng trong văn chương Pháp nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng. Kiệt tác này được xem là “một khởi thủy cho nền tiểu thuyết hiện đại, với bút pháp mới lạ, với những chủ đề được bàn luận sâu rộng và đầy chất thơ về nghệ thuật và triết học, về hồi ức và thời gian… Tác phẩm từ lâu đã là niềm kiêu hãnh của văn chương Pháp, là một cuốn Kinh thánh văn chương cho mọi tác gia cũng như người đọc văn học”.
NỮ SINH (Tập truyện ngắn), tác giả Dazai Osamu, Hoàng Long dịch, Phương Nam & Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Có thể xem tập truyện này như là một lối đi sâu vào tâm hồn người phụ nữ. Hầu như trong tập truyện này các nhân vật chính đều là nữ, họ được tác giả lột tả bởi một búp pháp vững vàng, sự thăm dò tâm lý tinh tế và khả năng gợi hình từ lối văn phong đẹp. Cũng bởi vì thế mà tác phẩm được yêu mến xuyên suốt hai thế kỷ, đạt mức số lượng đọc giả đột phá và đã chuyển thể thành anime. Trong Dazai Osamu, một đường bay tự hủy, dịch giả viết: “Có người đọc Dazai chỉ thấy đau buồn mà không thấy sự hài hước của Dazai. Đó là một nhầm lẫn. Ai cũng có thể chìm sâu vào nỗi đau buồn nhưng cũng có thể lấy chính nỗi đau buồn và cả sinh mệnh của mình ra mà đùa cợt thì thế gian có được mấy ai”.
PLATON VÀ CON THÚ MỎ VỊT BƯỚC VÀO QUÁN BAR… (Lĩnh hội triết học thông qua truyện cười), tác giả Thomas Cathcart & Daniel Klein, Tiết Hùng Thái dịch, Nhã Nam & Nxb. Thế giới, 2013. Chúng ta thường quen đi vào triết học với những khái niệm khô khan, đòi hỏi sự chính xác của lý tính nhưng với ấn phẩm này người đọc lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với những gì khô khan, khó hiểu mà người ta thường gán cho triết học. Một khái niệm mới được hình thành từ hai nhà triết học hóm hỉnh này là khái niệm Triết tiếu. Với tính chất hài hước, bông đùa, những vấn đề vốn khó lĩnh hội của triết học lại hiện ra một cách sáng rõ và tươi vui. Theo Orlando Stinel thì “Không dễ tìm được món quà hoàn hảo cho những người mà chúng ta yêu mến… Thật tình cờ vì tôi có trên tay Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… Sẽ xảy điều gì, nếu pha trộn truyện cười, những châm biếm sâu sắc và hài hước vào các bài học lớn của đời sống? Bạn được đọc một cuốn sách thật hay và bạn muốn chia sẻ nó với càng nhiều người càng tốt. Khi nó không thuần túy là truyện cười!”
LỜI CA HUẾ, nhà thơ Võ Quê sưu tầm và biên soạn, Nxb. Thuận Hóa, 2013. Trong sự biến chuyển không ngừng của nhịp sống đương đại thì như một quy luật, người ta lại thường tìm về với những cái đẹp lẫn khuất trong quá khứ để được nhìn thấy những mê hoặc của văn hóa tiền nhân. Ấn phẩm này minh chứng Võ Quê là một người luôn nhiệt tâm trong việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống của văn hóa Huế. Thông qua những tác phẩm được sưu tầm người đọc biết rằng không đơn giản để Huế có được một bản sắc văn hóa như thế. Để có được một nền văn hóa riêng biệt, tất yếu vùng đất này phải dựa trên căn nền của một bề dày lịch sử nghệ thuật. Mà căn nền đó chính là sự giao hòa lẫn nhau giữa nhạc và thơ, giữa lòng người và thiên nhiên, đất trời.
(SH302/04-14)