MƯA GIÓ THÔI MIÊN (thơ), tác giả Phan Hồng Khánh, Nxb. Hội Nhà văn, 2014.
Trong cái xu hướng cách tân thơ hôm này thì Phan Hồng Khánh lại chọn cho mình một lối đi khác, nhà thơ quay về lục tìm cái hồn Việt cho thơ, lưu giữ những hương xưa, ngày cũ. Đó là những nét đẹp của chân quê, của dân gian bay bổng. Đọc Mưa gió thôi miên, chúng ta được quay về với nơi mà chính mình đã ra đi, trở về sau những chuyến đi biền biệt với mưa gió đường đời. Trở về để cảm nhận sự ấm áp của lòng đất mẹ, quê hương. Không dừng lại ở đó, Mưa gió thôi miên còn chứa đựng tính chất phiêu lãng của một hồn thơ lãng mạn, bay bổng: Men bờ thành gió ta đi/ Ta thì say tỉnh, gió thì tỉnh say/ Mai qua đêm, mốt rạng ngày/ Mười hai cái chén lăn quay trước… thềm.
NHÀ VĂN NHƯ THỊ NỞ (phê bình), tác giả Phạm Xuân Nguyên, Nhã Nam & Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Đây là tập sách phê bình đầu tiên của Phạm Xuân Nguyên nhưng Nhà văn như thị nở đã có một lối phê bình hoàn toàn khác biệt. Với cái nhìn vừa nghiêm túc vừa hài hước, Phạm Xuân Nguyên đã đi sâu khắc họa được năm mươi mốt gương mặt văn chương của ngày hôm qua và của ngày hôm nay. Có thể nhìn thấy sợi dây xuyên suốt công trình này đó chính là sứ mệnh của nhà văn. Tuy tham dự vào cuộc sống với những hoàn cảnh khác nhau nhưng mỗi nhà văn đều gánh trên vai mình sứ mệnh của sự thức tỉnh. Thức tỉnh lương tri, thức tỉnh sự u mê của con người, của xã hội như chính Thị Nở thức tỉnh khát vọng làm người ở Chí Phèo. Hầu như các gương mặt mà Phạm Xuân Nguyên chọn để đưa vào công trình này đều là những nhà văn, nhà thơ có nhiều trăn trở về sự hiện hữu của mình trước cuộc đời, đó cũng là những người phải gánh chịu những vết thương của thời cuộc, của cái nợ văn chương.
MÙI (thơ), tác giả Hoàng Vũ Thuật, Nxb. Hội Nhà văn. 2014. Hoàng Vũ Thuật là một nhà thơ không ngừng nỗ lực làm mới thơ mình. Cái mới trong thơ ông là cái mới của hình thức khởi đi từ những nỗi đau của chính cuộc đời ông và của chính thời cuộc. Mùi lại một lần nữa tìm đến những nỗi đau, xoáy sâu vào từng nỗi đau và khát vọng xoa dịu nỗi đau. Thơ của Hoàng Vũ Thuật chạm đến những chiều sâu bản thể đó cũng chính vì nhà thơ có khả năng làm chủ trong trò chơi biểu tượng. Bằng sự lục tìm những biểu tượng, trộn lẫn và lồng ghép những biểu tượng, để những biểu tượng va đập với nhau từ đó tạo sinh những ý niệm, thơ Hoàng Vũ Thuật luôn mang tính phổ quát về cuộc sống, về tình yêu và về thân phận.
(SH305/07-14)