LƯU BẢN CỦA GIÓ VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ NGỒI THIỀN (thơ), tác giả Đức Sơn, Nxb. Thuận Hóa, 2016.
Thơ Đức Sơn ám ảnh người đọc bởi khả năng nắm bắt hình ảnh tinh tế. Hình ảnh trong thơ của Đức Sơn không dừng lại ở việc hiện lên như một minh chứng về sự tồn tại của sự vật mà hơn thế đó là những hình ảnh chuyển chở ý nghĩa, khiến thơ trở nên sâu kín. Ví dụ như hình ảnh Người đàn bà ngồi thiền được tác giả xây dựng trong không khí của sự tĩnh tại. Nhưng ở đây cái tĩnh có sự xen lấn bởi cái động. Sự đối lập giữa tĩnh và động khiến không gian trở nên đa dạng hơn, người đọc đứng trước nhiều chiều hướng diễn giải hơn. Rồi những hình ảnh như: Em đi qua mưa, Cao nguyên đá, Trăng, Mưa... cũng đi vào thơ với những ngầm ẩn thú vị.
BUÔNG (thơ) tác giả Ngàn Thương, Nxb. Thuận Hóa, 2016. Ngàn Thương là nhà thơ viết nhiều và in ở nhiều các báo và tạp chí văn học nghệ thuật. Dường như làm thơ với anh như một nhu cầu tự thân. Thơ Ngàn Thương giản dị, sâu lắng nên dễ đi vào lòng người đọc. Con người, cảnh vật, và những huyền thoại của Huế luôn là nơi khởi đi cho những cảm nghiệm của nhà thơ. Văn hóa Phật giáo đi vào thơ Ngàn Thương như một lẽ tự nhiên của người con xứ Huế: “Tiếng chuông Thiên Mụ/ Rơi rơi giọt Thiền/ Quyện vào cổ tích/ Thanh thoát vô biên...”.
ĐI QUA ĐỒNG CÓI (truyện ngắn), tác giả Vũ Thanh Lịch, Nxb. Quân đội nhân dân, 2015. Tập truyện được cấu nên bởi những ý tưởng xung quanh đời thường. Những xung đột, những vướng mắc trong cuộc sống thường ngày của con người được tác giả nắm bắt và vận dụng một cách khéo léo trong truyện ngắn của mình. Từ đó mở ra cho người đọc thấy được quan niệm về nghệ thuật của nhà văn. Tuy khai thác từ những câu chuyện giản dị nhưng ngầm ẩn dưới cấu trúc chiều sâu của tập truyện ngắn “Đi qua đồng cói” là những suy nghiệm có sức nặng về tình người, tính nhân văn, về những khát vọng của tha nhân và của chính chủ thể trên con đường đấu tranh tồn tại với chính bi kịch của họ.
NẮNG THIÊN ĐƯỜNG (thơ) Trần Hương Giang, Nxb. Hội Nhà văn, 2015. Trần Hương Giang là tác giả giàu bút lực. Thơ Trần Hương Giang nhẹ nhàng và sâu lắng trong cái bao chứa của thiên tính nữ. Nhà thơ Hương Giang viết nhiều về tình yêu, và tình yêu bao giờ cũng thế, có chia ly có đau khổ, có trái đắng và có vị ngọt thơm... Với nhà văn Trần Thùy Mai thì: “Mỗi bài thơ trong tập này là một giọt mật chắt lọc từ tâm hồn của một người đàn bà đã sống, đã cảm nhận đến tận cùng những nụ cười và nước mắt, hội ngộ và chia ly, để viết...”.
(SH324/02-16)