SỐNG ĐỂ CHẾT (tự truyện), tác giả Nhất Lâm, Nxb. Hội Nhà văn, 2016.
Nhất Lâm là nhà văn viết ở nhiều thể loại và dường như không mệt mỏi. Sức viết của nhà văn này thể hiện ở những tác phẩm dày dặn và chứa đựng nhiều thông tin về văn hóa, lịch sử, con người... ở những nơi mà ông đã từng trải qua. Những trang văn của Nhất Lâm trong Sống để chết là những trang văn chân thật, dường như đây thuộc về thể loại phi hư cấu được chuyển chở dưới một lớp ngôn ngữ giản dị, chân chất chứa đựng một hàm lượng thông tin giàu có về sự từng trải của một đời người. Những hồi ức trong Sống để chết giàu tính trữ tình bên cạnh nỗ lực miêu tả những thăng trầm của lịch sử.
MẶT TRỜI MÙ (tiểu thuyết), tác giả Curzio Malaparte, Bửu Ý dịch, Nxb. Văn học và Nhã Nam ấn hành 2015. Với bút pháp lãng mạn hóa, thực tế khốc liệt của chiến tranh qua con mắt của Curzio Malaparte hiện lên vừa trần trụi vừa thơ mộng và hùng vĩ. Đọc Mặt trời mù để thấy sự nhỏ bé và cả sự vĩ đại của con người trước những cuộc chiến tranh vô nghĩa lý đã cướp đi biết bao nhiêu những điều tốt đẹp của con người. Ở nơi trận mạc máu tuôn lệ đổ, nơi chỉ có vầng mặt trời mù soi chiếu, sự điên loạn hay mất trí đôi khi chính là những tiếng kêu thét không thành tiếng của lương tri con người...
TÁC PHẨM TRONG NĂM 2015 của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa, 2016. Ấn phẩm gồm những sáng tác, những bài viết của hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế trong năm 2015. Cuốn sách bao gồm nhiều thể loại như truyện ngắn, thơ, phê bình lý luận, bút ký... của các tác giả như Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Vĩnh Thái, Đông Hà, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vũ Trường Giang, Phan Tuấn Anh, Ngàn Thương... Những bút ký là những góc nhìn khác nhau về văn hóa xã hội cũng như về những khía cạnh gai góc của cuộc sống hiện đại. Các bài phê bình văn học lại thể hiện cách nhìn riêng của người viết về những vấn đề xoay quanh các trào lưu lý thuyết, các hiện tượng văn học tiêu biểu cũng như những vấn nạn đang tồn tại trong nền văn học. Bên canh đó, thơ vẫn là địa hạt thể hiện cái tôi lãng mạn của thi nhân xứ Huế.
THUYẾT HIỆN SINH LÀ MỘT THUYẾT NHÂN BẢN (chuyên luận), tác giả Jean-Paul Sartre, Đinh Hồng Phúc dịch, Nxb. Tri Thức, 2015. Theo thông tin của Nhà xuất bản thì Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản là văn bản tốc kí, được Sartre sửa lại, buổi thuyết trình được tổ chức ở Paris vào thứ Hai ngày 29 tháng 10 năm 1945 theo yêu cầu của Câu lạc bộ Maintenant, do Jacques Calmy và Marc Beigbeder lập ra trong thời kì Giải phóng, với mục đích “thúc đẩy hoạt động văn học và trí tuệ”. Thông qua công trình này, nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre đã nỗ lực đưa ra những chứng minh về sự tiến bộ trong tư tưởng và những đóng góp của thuyết hiện sinh vào sự hiện hữu, sự nhận thức về thực tại của con người. Cũng qua đây nhà triết học hiện sinh này phản bác lại những luồng dư luận không đúng với tinh thần tiến bộ của thuyết hiện sinh. Trả lại vị thế của triết học hiện sinh trong lịch sử triết học nhân loại.
(TCSH325/03-2016)