Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 12/2016
09:05 | 15/12/2016

KỂ CHUYỆN, tác giả Hà Khánh Linh, Nxb. Văn học, 2016.

Tác phẩm mới tháng 12/2016

Nhà văn Hà Khánh Linh cho rằng: “Tôi không coi công việc sáng tác văn học là “nghề” mà là một cách sống, một thái độ ứng xử, cũng như tôi đã từng nói đấy chỉ là cuộc chơi.” Với quan niệm đó nên nữ nhà văn này đã có một sức viết mạnh mẽ, viết trên nhiều thể loại và thành công ở những cuốn tiểu thuyết. Nhìn chung, văn của Hà Khánh Linh khởi từ chính đời sống của chị, từ những chiêm nghiệm trong cuộc hành trình chị đến với cuộc đời. Chính tác giả cũng cho rằng: Khi đau khổ - một số người tìm tới chất gây nghiện, cuộc đỏ đen. Còn nhà văn thì tìm tới cây bút và trang viết.


BIA KÝ ĐỀN HUYỀN TRÂN VÀ NHỮNG BÀI VĂN TẾ (Bia ký, văn tế), tác giả Dương Phước Thu phụng soạn, Nxb. Thuận Hóa, 2016. Với thể loại bia ký quen thuộc ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tác giả Dương Phước Thu đã cho bạn đọc thấy được những đặc trưng cơ bản của thể loại văn học này. Bia ký thường là những bài viết ghi chép công đức, hành trạng được khắc lên đồng, đá, gỗ… được đọc trong các lễ mừng tạ, lễ tôn vinh… Sách gồm sáu bài văn bia, văn tế mà tác giả đã dụng cộng phụng soạn.


THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT (Thơ), nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa, 2016. Ấn phẩm với sự góp mặt của các nhà thơ tiêu biểu của thơ Tân hình thức Việt Nam như Khế Iêm, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Hạnh Ngộ, Đinh Thị Như Thúy, Biển Bắc, Nguyên Quân, Hường Thanh… Tuyển tập thể hiện tinh thần thơ Tân hình thức qua sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, cùng với những nhà thơ mang ý hướng cách tân thi pháp. Nhà phê bình Văn Giá cho rằng: “Thơ tân hình thức đã tham dự sâu vào công cuộc sáng tạo thơ Việt và là thành viên chính thức của nền thơ Việt đương đại.”


CON NGƯỜI VÀ TỰ NHIÊN TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU NĂM 1975 TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI (Chuyên luận), tác giả Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh, Nxb. Giáo dục, 2016. Đây là chuyên luận trình bày một cái nhìn toàn cảnh, bao quát về dòng văn học mang những tín hiệu sinh thái được soi chiếu dưới lý thuyết phê bình sinh thái, một khuynh hướng mới trong phê bình văn học trên thế giới và ở Việt Nam. Đây có lẽ là cuốn sách lần đầu tiên giới thiệu đến lý thuyết phê bình sinh thái và văn học sinh thái ở Việt Nam. Với công trình này, độc giả có thể xác định bước đầu về những đặc trưng cơ bản của Phê bình sinh thái và diện mạo văn học mang khuynh hướng sinh thái ở Việt Nam hiện nay.

(TCSH334/12-2016)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng