40 NĂM EM (Tập thơ), tác giả Ngô Minh, Nxb. Thuận Hóa, 2017.
Bằng những lời thơ đong đầy tình cảm dành tặng cho người bạn đời của mình, một cõi lòng chất chứa với bao nỗi buồn vui giữa cuộc thế trong sự trân quý mà tác giả gửi gắm đến người vợ của mình. Hơn nữa, 40 năm là khoảng thời gian để người phụ nữ trong tập thơ này hiện diện không chỉ như một con người với đầy đủ những đức tính dịu dàng, chăm chỉ, thật thà, mà còn như một điểm tựa thôi thúc cho những sáng tác của nhà thơ, ở đó “nàng thơ” ấy đã thực sự hiện diện như là một nguồn cảm hứng dạt dào để chấp cánh cho những đứa con tinh thần của tác giả.
NGANG QUA NHIẾP ẢNH (Truyện ngắn, du kí), tác giả Nguyễn Hoàng Nhung, Nxb. Hội Nhà văn, 2017. Bên cạnh những con chữ nối dài dường như chỉ để đuổi kịp với mạch cảm xúc đang tuôn trào của tác giả mỗi khi cầm bút viết về những kỷ niệm, những câu chuyện mà bản thân đã trải qua, ở đó, còn có cả những bức hình được chính tác giả thực hiện trong niềm say mê đầy cuốn hút với công việc nhiếp ảnh. Cuộc sống hiện lên qua những cuộc gặp gỡ, và từ những cuộc gặp gỡ ấy ngưng đọng thành những nốt nhạc trầm trong miền tâm tưởng được tác giả tái hiện lại qua những chuyến đi về với núi rừng biển đảo, với đời sống thường nhật gần gũi và bình dị.
DƯỚI TÁN CÂY LONG NÃO (Tuyển tập tác phẩm), Nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa, 2017. Cuốn sách sự góp mặt của nhiều anh em văn nghệ xứ Huế, với sự đa dạng về thể loại cũng như sự phong phú về chủ đề, mỗi người góp vào đó một cái nhìn riêng biệt về niềm tâm cảm của bản thân trước khung cảnh đời thường vẫn dấy lên ở đó những nốt trầm ngân vang hòa điệu cùng cảm thức dưới vòm trời thơ mộng xứ Huế. Hợp tuyển gồm nhiều thể loại khác nhau dường như đã tạo nên được hiệu ứng đa sắc giúp khơi gợi cho người đọc hướng đến những mảng màu lung linh dưới tán cây long não để kết nên một thứ mạch ngầm của thi ca nhạc họa chảy mãi cùng dòng Hương giang thơ mộng và trữ tình.
NHÂN HỌC CHÍNH TRỊ (Nhân học), tác giả Georges Balandier, Thắng Vũ dịch, Nxb. Tri Thức, 2016. Balandier là nhà xã hội học, nhà nhân học, nhà dân tộc học người Pháp. Nhân học chính trị quan tâm đến cấu trúc hay những hình thái của các hệ thống chính trị mà những hệ thống đó được đặt cơ sở từ các thiết chế xã hội. Trong tác phẩm này, Balandier muốn nhắm đến nỗ lực kiến tạo nên một phân nhánh nhân học chính trị, qua đó chỉ ra được ý nghĩa, phương thức xây dựng, các phương pháp và xu hướng của nhân học chính trị. Đối với quyền lực chính trị, tác giả cũng đã làm rõ mối quan hệ giữa nó với quan hệ chính trị, hình thức chính trị, và đặc biệt, tác giả đã tập trung phân tích về thứ quyền lực mang tên “quyền lực phân nhánh”, một kiểu loại quyền lực liên đới với quan hệ thân tộc và dòng họ cũng như không khỏi dính dáng đến sự phân tầng xã hội. Thông qua công trình này, vị thế của những nghi lễ tôn giáo cũng đã được tác giả xem xét như là nền tảng thiêng của quyền lực chính trị. Quyền lực thiêng xuất phát từ các nghi lễ tôn giáo đảm bảo cho các chiến lược quyền lực được thực thi một cách có hiệu quả. Sự định hình của nhân học chính trị được xem xét như là bước tiến xây dựng nên một chuyên ngành nhân học mang tính phê phán, qua đó góp phần vào việc đổi mới tư duy, làm mới lại cái nhìn về con người như thể từ lâu nó đã được kết lắng trong các ngành khoa học xã hội nhân văn.
(TCSH338/04-2017)