TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT ĐỊA PHƯƠNG VÙNG HUẾ, Triều Nguyên, Nxb. Thuận Hóa, 2017.
Cuốn từ điển đáp ứng hai yêu cầu cơ bản của một từ điển địa phương đó là tổng hợp, ghi lại các đơn vị thành ngữ được lưu truyền trong dân gian và hệ thống hóa, giải thích nghĩa của các đơn vị thành ngữ đó. Đóng góp lớn của nhà nghiên cứu VHDG Triều Nguyên là định danh, định tính cho 2.026 mục thành ngữ vùng Huế, theo tên gọi, nghĩa và thí dụ từ những nguồn tư liệu tác giả tích góp, tham khảo từ sách báo, sáng tác văn chương của nhà văn mang đậm phương ngữ Huế và đặc biệt chưa được các từ điển của Viện Ngôn ngữ học lưu ý nhiều. Cuốn từ điển ra đời như một sự thu phóng, bổ sung, hoàn thiện các dữ kiện về một vùng văn hóa Huế riêng biệt, độc đáo ngay trong chính kho tàng tiếng Huế.
GIÁ CÓ THỂ… (Thơ), Trương Nam Chi, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.
Diễn trình của một tâm hồn đầy những điều trắc trở, cật vấn, được tô đậm trong thơ Trương Nam Chi. Nhà thơ vừa là người lục tìm ký ức, vừa là người chứng kiến hiện thực lấp lánh đầy thương thương, nhớ nhớ: “Ta ngồi tạc hồn vào đá/ đá tạc hồn ta trong bóng ta”. Cũng lẽ vì sự ngút ngàn của những con chữ không đo được hết một tâm hồn, nhưng đối diện với một thể khác ngoài mình, Trương Nam Chi lại viết những câu thơ tỉ mẩn của trái tim. “Tựa lưng vào những cơn giông/ Mẹ ngồi gom rét cấy trong tim mình”, gợi nhớ về mẹ, mãi là dung ảnh trong tâm thức của những đứa con chịu ơn dưỡng dục của đấng sinh thành.
NGƯỜI ĐÀN BÀ SINH RA TỪ MƯA (Thơ), Hoàng Thụy Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.
Hoàng Thụy Anh được biết đến là một cây bút phê bình văn học trẻ và bất ngờ xuất hiện qua một hình hài mới “Người đàn bà sinh ra từ mưa”. Tập thơ gồm 58 bài xoay quanh nhiều chủ đề về tình yêu, cuộc sống, phận người, những cảm thức… Ngôn ngữ đa tầng, đa nghĩa, hình ảnh nhuần nhị, ám dụ và đặc biệt là tính tự sự bộc lộ mạnh mẽ: “người đàn bà ngồi vớt đêm/ vớt phận mình/ vớt mãi cũng chẳng thể nào ra ngoài cái nhân vị bão bùng được thắp từ muôn kiếp trước”. Gương mặt đàn bà có tần suất xuất hiện khá dày đặc trong tập thơ, một gương mặt thấu thiết, thổn thức, chực chờ bung vỡ: “đêm qua những giọt nước mắt em lẩn thẩn vắt ngang tờ giấy trắng/ búng vào đó vệt xước như một tiếng thở dài mùa cũ/ nhắc về em hình hài thuở ban đầu”.
KỂ XONG RỒI ĐI (Tiểu thuyết), Nguyễn Bình Phương, Nxb. Hội Nhà văn, Công ty sách Nhã Nam, 2017.
Tác giả của “Thoạt kỳ thủy”, “Ngồi”, “Những đứa trẻ chết già”, “Mình và họ”… từng đem đến cho văn chương Việt một luồng gió tiểu thuyết đầy sáng tạo, và nay sự tiếp tục “Kể xong rồi đi” một lần nữa đưa người đọc vào thế giới mang tên Nguyễn Bình Phương. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời, cơn hấp hối và cái chết của một ông Đại tá về hưu qua lời kể của Phong, một người cháu “thằng hâm hấp, thằng cháu bồ côi bồ cút mắt lác” với đối tượng được nghe kể là con chó Phốc. Hàng trăm câu chuyện, sự kiện, nhân vật được kể, ít nhiều gắn với cuộc đời, sự nghiệp chiến chinh, bè bạn, con cái của vị đại tá. Những sự thật được bóc trần, những gương mặt méo mó, những phận người nổi trôi và những tâm địa trải bày bên trên cơn hấp hối của một con người. Không gian vừa thực, vừa mơ, này của dân gian, này của âm ty… không ngớt rung lên những hồi chuông vô tận của kiếp nhân sinh hiểm nạn.
BÀN VỀ CHÍNH QUYỀN, Marcus Tullius Cicero, Nxb. Hồng Đức, Công ty sách Saigonbook, 2017.
Marcus Tullius Cicero là một biện giả vĩ đại nhất trong lịch sử La Mã, đồng thời là một triết gia, nhà hùng biện, chính khách, nhà lý luận chính trị, ngôn ngữ học La Mã. Chính vì thế, “Bàn về chính quyền” một trước tác có tuổi đời 2000 năm, lần đầu tiên tiếp cận bạn đọc Việt Nam, đã có sự lôi cuốn. Cuốn sách tập hợp 7 bài hùng biện, bài luận của Cicero xoay quanh các hoạt động chính quyền và nghệ thuật cầm quyền. Ông nhấn mạnh: “Dân chúng đều tin tưởng rằng họ sẽ là những người duy hộ và rường cột của toàn thể chính quyền và đất nước chúng ta”.
(TCSH343/09-2017)