Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 10/2017
09:04 | 19/10/2017

BỨC TƯỜNG TRONG CHAI TEQUILA (Truyện ngắn), và KHÓI XUÂN VƯƠNG TÓC MẸ (Tản văn), tác giả Trần Băng Khuê, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.

Tác phẩm mới tháng 10/2017

Với lợi thế về ngôn ngữ, Trần Băng Khuê đã thực sự dẫn dắt một cách khéo léo người đọc kinh qua những đường bay đầy ảo diệu của hình tượng như ở trong truyện hay những vòng tròn đồng tâm đang lan/tan ra của cảm thức như ở trong tản văn. Bên cạnh đó, khả năng hình dung cũng như tưởng tượng được kích hoạt cao độ ở trong những lát cắt của mạch triển khai ý tưởng đã khiến cho truyện của Trần Băng Khuê luôn khiến cho người đọc cảm thấy ở đó dường như luôn luôn tồn tại một cứ địa của sự bất tín đối với khái niệm, một cuộc đào tẩu khỏi tầm kiểm soát của tính hợp lý. Chất lãng đãng trong tản văn của tác giả lại một phần nào đó thể hiện được sự thăng giáng không ngừng bên trong thế giới nội tâm của một cây viết nữ chưa thôi trăn trở về giá trị cũng như ý nghĩa của cuộc hiện hữu cơ hồ có vẻ phi lý này. Dường như không khí trong mỗi phân tử rượu Tequila được hòa tan bởi những niệm suy váng vất của chuỗi đoạn giấc mơ bị hạn định để từ đó luôn khiến cho nhân vật trong mỗi truyện đắm mình với sự phong kín, bế tỏa. Chính vì lẽ ấy, cho nên, khát khao tự do luôn là một ý niệm chủ lưu được tác giả ngầm ấn định vào mỗi cột chất lỏng có trong thứ rượu vàng hăng, đắng chát kia. Riêng đối với những dòng tản văn của Trần Băng Khuê, ở đó, là cả một bầu trời của những cảm tưởng, những hoài niệm để giúp cho chủ thể tôi thăng hoa trong những giấc mơ thảng thốt mưa.
 

ĐI TÌM ẨN NGỮ VĂN CHƯƠNG (Tiểu luận - phê bình) tác giả Trần Hoài Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2017. Cấu trúc của cuốn sách được chia làm bốn phần, hai phần đầu trình bày các vấn đề lý luận - phê bình thời văn học miền Nam (1954 - 1975) và thời kỳ đổi mới, hai phần sau trình bày về một số hiện tượng văn thơ Việt Nam hiện đại và đương đại. Với vốn kiến thức dồi dào về các vấn đề lý luận - phê bình, tác giả đã có được những hướng tiếp cận khá độc đáo trong việc trình bày các khuynh hướng lý luận - phê bình văn học trong giai đoạn văn học miền Nam cũng như vào thời kỳ đổi mới như việc chú ý đến khuynh hướng lý luận phê bình ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam trước 1975 và các thành tựu của lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, hướng áp dụng các vấn đề lý luận - phê bình vào một tác phẩm cụ thể hay một tác giả cụ thể đã được tác giả của Đi tìm ẩn ngữ văn chương thực hiện khá nhuần nhuyễn trên cả đề tài triển khai cũng như thao tác triển khai. Qua đó, người đọc có thể có được những cái nhìn sâu sát hơn về các tên tuổi nhà thơ nổi tiếng một thời như Bích Khê, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm… cũng như các khuôn mặt văn xuôi đang nổi hiện nay như Lê Văn Thảo, Bích Ngân, Kim Quyên, v.v.

 

LỊCH SỬ CỦA TÍNH HIỆN ĐẠI (Chuyên luận) tác giả Jacques Attali, Hiếu Tân dịch, Nxb. Tri Thức, 2017. Cuốn sách đem đến cho người đọc từng chặng đường phát triển của tính hiện đại hay còn được hiểu một cách đơn giản nhất như là niềm khát khao cái mới mẻ. Tác giả tiến hành truy tìm những ý nghĩa khác nhau của tính hiện đại thông qua các nền văn minh khác nhau, các ngôn ngữ khác nhau, các thời đại khác nhau, trong suốt chiều dài lịch đại của đà tiến triển nhân loại. Sự tiến triển ấy cũng chính là diễn trình của tính hiện đại khi mà nó không ngừng kinh qua các cách thức suy nghĩ về những điều có tính sáng tạo cũng như là diễn trình phát triển của các hệ giá trị và tư tưởng. Hiện đại hóa được xem là mục tiêu của những chiến lược phát triển được gán với đặc trưng của sự tiến bộ để từ đó không ngừng xác lập ý niệm về một tính hiện đại ổn định hơn đối với những chặng đường phát triển theo sau. Trong những năm gần đây, tính hiện đại dường như đã được khoác thêm với rất nhiều khuôn mặt mới mẻ và đầy phức tạp, tỉ lệ thuận với quá trình nhân tạo hóa của con người. Thế nhưng, ý niệm tính hiện đại được hiểu như là niềm khát khao cái mới mẻ vẫn là ma- ch ngầm chảy mãi giữa dòng sông văn minh của nhân loại.  

(TCSH344/10-2017)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng