QUỐC HỌC HUẾ - TÌNH YÊU - GIAI PHẨM XUÂN 2018, Nhiều tác giả, Nxb. Thanh Niên, 2018.
Tập sách gồm 42 bài viết, 14 chùm thơ, nhạc họa được chia làm 6 chương: Các hiệu trưởng nhà trường từ năm 1945 - 1975 ghi nhận những người thầy đã dày công xây dựng nền móng cho ngôi trường, những giá trị Việt - Huế - Quốc Học, các nghiên cứu, sáng tác, thơ nhạc và thơ xướng họa thầy trò - bạn bè... Đó là những bài viết chứa chan kỷ niệm về mái trường, thầy cô và bạn bè, như: Quốc Học Huế - nỗi nhớ niềm thương, Cặp đôi Quốc Học - Đồng Khánh, Hấp hôn Tôn Nữ... của các tác giả Thái Kim Lan, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Kiêm Đoàn... Ngoài ra, nhiều bài viết còn mở rộng về các đề tài văn hóa, lịch sử, khoa học thường thức, các vấn đề quốc tế… thể hiện kiến văn sâu rộng của các thế hệ học sinh Quốc Học.
TÁC PHẨM BẢO CƯỜNG: NHẶT NIỀM VUI và VỀ MÁI CHÙA XƯA, (Thơ, Tản văn), Bảo Cường, Nxb. Hội Nhà văn, 2018.
Tác giả Bảo Cường luôn say sưa với sự viết, với một lượng tác phẩm đã xuất bản. Tác phẩm của ông là sự đau đáu về quê hương, lẽ sống, bè bạn và chất liệu ký ức luôn được khai thác triệt để. Trong “Nhặt niềm vui”, ông viết “Tôi ước mơ một chân trời mới, thèm những khoảng trời cao đất rộng để tìm hiểu mọi thay đổi biến thiên của cuộc đời”, như một lời cho niềm vui sống, cho tình yêu thơ ca của chính mình.
KIÊN NGẠNH NHƯ THỦY (Tiểu thuyết), Diêm Liên Khoa, bản dịch Minh Thương, Nxb. Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2014.
Cuốn tiểu thuyết là bức tranh lột tả sự khắc nghiệt, ám ảnh về một thời kỳ lịch sử, của một trong những nhà văn quan trọng của nền văn học đương đại Trung Quốc. Thông qua chuyện tình dan díu của một cặp đôi say mê, ảo tưởng mù quáng với cuộc Cách mạng, gây ra bao hệ lụy cho trấn Trình Cương nói riêng và dấu ấn đại cục của một xã hội Trung Quốc bấn loạn vì các đường lối chính trị. Năm 2014, với tiểu thuyết này, tác giả vinh dự nhận giải thưởng Văn học Kafka - là giải thưởng văn học danh giá do Chính phủ Tiệp Khắc và Hiệp hội Kafka Praha đồng tổ chức. Diêm Liên Khoa cũng là tác giả có tác phẩm được xuất bản trên 20 quốc gia, cùng gần 30 giải thưởng văn học uy tín trong và ngoài nước.
CA TỤNG BÓNG TỐI (Tiểu luận), Junichiro Tanizaki, bản dịch Trịnh Thùy Dương, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.
Người đọc thường nghĩ về Tanizaki như một nhà văn đại diện cho văn học Nhật Bản giai đoạn tiền Chiến tranh Thế giới thứ 2, với tính hiện thực cổ điển, đặc tả đời sống trụy lạc đến không thể chấp nhận của một xã hội cũ. Ít tai biết rằng, Tanizaki còn là một bậc thầy thưởng lãm cái đẹp thuần túy tinh thần văn hóa Nhật Bản, “thám hiểm” vào mê cung của hàng loạt các giá trị vật chất và tinh thần để cốt tìm lại trạng tính tiêu biểu nhất đó chính là sự ca tụng bóng tối trong tiểu luận này. Thông qua cuộc khám phá, khảo tả từ kiến trúc, kịch nghệ, văn học, ẩm thực, hội họa, thời trang, tác giả đã chứng minh được sự yêu chuộng bóng tối trong tương phản với ánh sáng đã duy trì vẻ đẹp lung linh luôn nở trên đống tro tàn.
(TCSH349/03-2018)