THỜI KHÔNG SAO CHÉP BÓNG (Tập thơ), tác giả Nguyễn Thiền Nghi, Nxb. Thuận Hóa, 2018.
Tập thơ là “những lát cắt thời gian” được khắc họa thành những cung bậc cảm xúc của riêng nhà thơ mang một nỗi niềm nơi cuộc lữ, để dấn thân đi tìm lại “vết tích” như “bước ra từ giấc xưa.” Từng lớp sự vật đời thường được tác giả thổi hồn vào để rồi từ đó nhào nặn nên những vọng âm ngõ hầu tìm về với “khoảnh khắc của sự bắt đầu.” Con người nhà thơ, ở đó, cứ tự mình thiên di trong từng nét chạm trổ hoang hoải của thời gian, của “những gì đã mất vá víu cái đang có.”
NGẪM VỀ THƠ (Tiểu luận - Phê bình),tác giả Mai Văn Hoan, Nxb. Thuận Hóa, 2018. Tập sách là dòng hợp tuyển của những bài phê bình tiểu luận xoáy sâu vào mảng thơ, người đọc có thể nhận diện được những cái hay cùng nét đẹp của công việc bình thơ được tác giả phân tích ở những trường hợp cụ thể như thơ thiền của Trần Nhân Tông, Truyện Kiều của Nguyễn Du, cho đến Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Phạm Thiên Thư, v.v. Ngẫm về thơ là kết quả của một quá trình viết và chưng cất những chiêm nghiệm trong lĩnh vực thơ ca thể hiện sức làm việc đều đặn và cần mẫn của tác giả, bởi lẽ nói như Mai Văn Hoan thì niềm hạnh phúc lớn lao của tác giả chính là một khi phát hiện được vẻ đẹp ẩn chứa trong những câu thơ, bài thơ mà mình ưa thích, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của một bài bình thơ.
XANH BÓNG THỜI GIAN (Tập thơ), tác giả Tô Ngọc Thạch, Nxb. Hội Nhà văn, 2018. Những câu thơ lục bát đằm thắm và dung dị nối nhau kết nên một nhịp cầu để cùng khắc họa những tháng năm xanh bóng thời gian như chính cái cách tác giả gọi quãng thời gian mà mình đã trải qua một cách đầy hình tượng như vậy. Thơ của Tô Ngọc Thạch chủ yếu vận dụng thủ pháp so sánh và đặc tả nhằm khơi gợi lên những rung động cảm xúc mộc mạc và gần gũi khiến cho người đọc có được cảm tưởng như nắm bắt được hồn thơ, hồn quê nơi con người này.
VĂN HÓA NƯỚC VÀ HÀNG HẢI THỜI CỔ CỦA VIỆT NAM (Nghiên cứu văn hóa) tác giả Vũ Hữu San, Nxb. Phụ nữ, 2017. Đây là một công trình khảo cứu công phu về phương diện văn hóa nước của dân tộc Việt ở vào thời kỳ cổ đại; là một nét đặc trưng cho tộc người Việt liên quan đến nước, khi mà những sinh hoạt của dân ta ngày xưa ở ngoài biển, trong sông, trên mặt nước, dưới lòng nước, cạnh bờ nước đã cấu thành nên một căn cước văn hóa đặc thù có tên văn hóa nước. Theo tác giả, việc nghiên cứu các khía cạnh sinh hoạt trong môi trường nước cho thấy dân tộc ta là một trong số những dân tộc tiên phong của nhân loại trong các sinh hoạt hàng hải, được biết đến với tên gọi hải sử. Văn hóa nước qua sự khảo tả và khai quật lại những sử liệu ở cuốn sách này hiện lên như là một lát cắt đầy sinh động và phản ánh được bản sắc văn hóa độc đáo trên phương diện xác lập chiều kích văn hóa nước ở thời cổ đại của Việt Nam. Qua đó, yếu tố hàng hải được tác giả nhận định như là thành phần căn bản của văn hóa dân tộc bằng cách hướng sự chú ý đến quá trình phát triển của nền văn minh dân tộc gắn liền với sự lớn mạnh của vận tải thủy - mạch sống của dân ta.
(TCSH351/05-2018)