XEM MƠ (thơ và dư luận), tác giả Hồ Thế Hà, do Phan Tuấn Anh sưu tầm và tổ chức bản thảo, Nxb. Văn Học, 2018.
Tập sách này là nơi lưu trú của những ngõ lối đi vào cõi mơ ấy. Đó là những bài thơ giàu hình tượng, phản ánh một thế giới nội tâm có nhiều xáo động, nhưng luôn nung nấu một tâm hồn vị tha nhân ái. Có thể nói rằng, cõi thơ của Hồ Thế Hà chính là cõi mơ của bản nhân nhà thơ. Ngoài ra, ở tập sách này, người đọc còn có dịp hiểu hơn về cõi thơ của Hồ Thế Hà qua cảm nhận, diễn giải của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Khắc Thạch, Inrasara, Nguyễn Mạnh Tiến,… Qua đó, cõi mơ của Hồ Thế Hà dường như được giải mộng theo rất nhiều đường hướng khác nhau, mà ẩn đằng sau đó, là một bóng hình thi nhân không ngừng thổn thức mỗi khi “những giấc mơ lại hiện về.”
DÀI TRÊN NHỮNG THÁNG NĂM (tập thơ), tác giả Lê Tấn Quỳnh, Nxb. Thuận Hóa, 2018. “Những vết thương cũ” tìm về với “tháng năm vơi” để rồi “trên chuyến xe mùa đông” tan vào trong những “tháng ngày đã khác”, thơ Lê Tấn Quỳnh luôn trên một nền nhịp điệu da diết bắt nguồn từ hiệu ứng tạo từ láy có trong các câu thơ. Sự dụng công ấy có được lợi thế của sự nối nhau về tiết tấu khi đọc vào từ đó giúp cho người đọc không khó để nhận ra cách nhà thơ bày tỏ nỗi niềm trữ tình của bản thân mà còn giúp người đọc thấy được độ “dài” của ngày tháng được tái hiện lại mang chút gì đó tựa hồ bâng khuâng đầy niềm nhớ. “Dài trên những tháng năm” không phải được Lê Tấn Quỳnh đo bằng những bước chân mà bằng những dấu chân, những dấu chân in lên miền mộng tưởng “khi cơ thể anh mơ những giấc mơ dài/ là tháng năm của những mùa người đang thức.”
TIỂU SỬ HỌC - NHỮNG NGUYÊN TẮC THỰC HÀNH (chuyên luận), tác giả Phạm Văn Quang, Nxb. Tri Thức & Viện Social Life, 2018. Theo tác giả Phạm Văn Quang thì “dòng chảy cuộc đời được ví như một cuộc đời con người cá nhân, nó chứa đựng cả một quá trình căn tính cá nhân và cộng đồng… nó tạo ra một chân trời chờ đợi nơi công chúng.” Từ đó, việc nghiên cứu tiểu sử cuộc đời cho phép chúng ta ý thức được hoạt động tự sự, không chỉ dừng lại ở chiều kích cá nhân, mà còn ở phạm vi cộng đồng, xã hội. Phương pháp tiểu sử có ở trong cuốn sách này mang đến một quan sát về tính liên tiếp hay sự ngắt quãng trong hoạt động kể của cộng đồng ở những thời đại khác nhau trong lịch sử, cũng như những cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động tự sự. Bằng tinh thần nhìn nhận tiểu sử hay câu chuyện cuộc đời như là tài liệu khoa học, đây được coi như là cuốn cẩm nang quan trọng cho việc thực hành văn hóa - xã hội.
NHÀ ĐOAN, THUẾ MUỐI, RƯỢU CỒN (tập phóng sự), các tác giả Louis Roubaud, Léon Werth, Roland Dorgelès và Michel Đức Chai- gneau, Lê Trọng Sâm dịch, Nxb. Thế giới & Nhã Nam, 2017. Quyển sách chứa đựng các thiên phóng sự nổi tiếng của bốn nhà văn, nhà báo, nhà sử học người Pháp viết về con người và đời sống xã hội Việt Nam ở giai đoạn đầu thế kỷ XX. Tuy những tác giả này có người chỉ lưu lại một thời gian ngắn, có người lưu lại trong một thời gian khá dài, thế nhưng cuộc sống của người dân Việt Nam vào thời kỳ đó đã được họ mô tả một cách chân thực và giàu cảm xúc. Với tấm lòng yêu mến cảnh vật và con người nơi đây, với những phong tục tập quán vừa xa lạ nhưng lại rất độc đáo, cũng như thán phục trước nghị lực đấu tranh của người dân trước thực dân Pháp đô hộ, các bài viết của bốn tác giả được dịch và trích dịch từ các cuốn sách viết về Việt Nam thuộc giai đoạn này lưu dấu rất nhiều những cái nhìn đầy tinh tế.
(TCSH354/08-2018)