NGƯỜI HÁT GỌI MẶT TRỜI (truyện ngắn), tác giả Vũ Thanh Lịch, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018.
Với 23 truyện ngắn dày dặn, tỉ mẩn, gửi gắm nhiều ý đồ nghệ thuật với chủ đề về thân phận người phụ nữ, vấn đề nữ quyền. Vũ Thanh Lịch đã tạo được dấu ấn riêng, khắc họa đậm nét chân dung những người đàn bà, thiếu nữ bươn chải trong dòng đời nghiệt ngã. Các truyện ngắn như Má đào, Búp bê đất sét, Đi qua đồng cói, Váy em hoa bay… đầy chất liệu hiện thực, ở đó sáng bừng mỹ cảm của đời sống, giản dị mà cao thượng.
CỬA SỔ PHÍA ĐÔNG (truyện dài), tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa, Nxb. Trẻ, 2018. Xuất phát từ khóa Déjà vu, một loại ký ức ảo giác, theo nghĩa đen là “đã từng nhìn thấy” ai đó dù mới chạm mặt lần đầu, Cửa sổ phía đông đã đưa người đọc đi từ không gian này đến không gian khác, hành trình này đến hành trình khác đầy bí ẩn, bất ngờ. Ý tưởng loài người phát minh ra chiếc máy xóa ký ức để thực hiện những mục đích có tính xoa dịu tâm lý như ông chủ trang trại nhờ nhân vật chính Phan, Ali giúp đỡ để xóa đi ký ức về cô con gái ông rất đỗi thương yêu. Cửa sổ phía đông nơi họ phát hiện ra những bí mật của cuốn nhật ký cô con gái, đó cũng là bức ngăn của thực, của hư, cái đã và đang tồn tại. Đây đó những vết thương hậu chiến vẫn nhắc nhớ về những ký ức đau thương, chưa thể xóa nhòa.
DI CẢO LƯU QUANG VŨ (nhật ký, thơ), tác giả Lưu Quang Vũ, Nxb. Trẻ, 2018. Phần đầu cuốn sách là cuốn nhật ký viết trong 3 năm từ 1963 - 1965, lúc nhà thơ sống trong tuổi hoa niên đầy cả nghĩ của mình. “…kẻo sau này lớn lên, quên hết về những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống, vả lại không viết thì không chịu được vì những điều đó để ở tâm hồn mà không viết ra thì rất khó chịu”. Phần II là những bài thơ lấy tên chung “Những bông hoa không chết” tập hợp những sáng tác chưa từng công bố của Lưu Quang Vũ. “Ta kịp biết gì đâu/ vừa hết trẻ con đã là người lính” đã nói lên nỗi niềm của người thanh niên trẻ trước vận nước chìm trong khói lửa. Và cũng trong những năm chiến tranh ác liệt, tác giả cũng gửi gắm một chút tri âm cho bạn bè xứ Huế “Dòng sông tối đen nước mắt/ đã trong xanh chảy đến với con người”.
PHÊ BÌNH VĂN HỌC & Ý THỨC CÁI KHÁC (tiểu luận - phê bình), tác giả Hoàng Thụy Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2018. Đây là tác phẩm tiểu luận - phê bình thứ tư của Hoàng Thụy Anh, cho thấy sự vận động không ngừng nghỉ của một cây bút trẻ nhiều ý tưởng. Tác giả đã nhận diện và giải mã nhiều tác phẩm, tác giả trong công trình mới của mình. Từ những tác phẩm thơ, văn xuôi đến các tác phẩm phê bình đều hiện diện và được mổ xẻ. Ý thức về cái khác, tính đối thoại, những chiều kích sáng tạo… của nền văn chương Việt được tác giả “đưa vào khuôn” phê bình một cách sâu sát, đồng hiện cùng người sáng tạo.
BÀN VỀ VĂN MINH (chuyên khảo), tác giả Fukuzawa Yukichi (Lê Huy Vũ Nam, Nguyễn Anh Phong dịch, Nguyên Ngọc giới thiệu), Nxb. Thế giới & Nhã Nam, 2018. Fukuzawa Yukichi (1834 - 1901) là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với văn hóa - xã hội Nhật Bản cận đại trước thềm duy tân đất nước. “Bàn về văn minh” chính là nền tảng lý luận, một tác phẩm quan trọng nhất của ông đối với Nhật Bản thời kỳ tiếp xúc văn minh phương Tây. Yukichi đã sáng suốt dự báo và khẳng định việc học hỏi mô hình văn minh phương Tây lúc bấy giờ như một con đường cho mọi quốc gia muốn tiến tới văn minh, tiến bộ và cũng dự báo rằng, văn minh Phương Tây không phải là nền văn minh tiến bộ nhất, cao nhất trong tương lai. Ông đưa ra quan điểm “Lý do duy nhất để thúc đẩy dân tộc Nhật Bản tiến bước trên con đường văn minh chính là để giữ gìn độc lập”. Sách của Fukuzawa Yukichi được đưa vào giảng dạy trong trường học, như kim chỉ nam của tri thức định hướng.
(TCSH357/11-2018)