GIẤC MƠ CÂY (Thơ), Trần Vũ Long, Nxb. Hội Nhà văn, 12/2018.
Người thơ lặng lẽ đi trong buổi chiều không có thật, tiếp xúc với những mặt nạ đời, làm bạn với những cung mây, thấy một chút vô thường, rồi độc thoại, câm lặng… Một tập thơ chất chứa nhiều cảm xúc, nhiều nấc tầng thời gian, không gian trải nghiệm và cả những ý đồ nghệ thuật thầm lặng. Trần Vũ Long đã tạo ra “Giấc mơ cây” để lưu lại “Một quãng thời gian nhiều yêu thương, nhiều mất mát, nhiều đau đớn, nhiều cô đơn, nhiều hoang hoải… và cả nhiều sự điên rồ”. Anh đã viết “Những câu thơ như gió/ thiên di/ bạc tháng ngày” để giữ mình cứ thế “với những nỗi buồn phủ mờ hôm sớm”.
NỬA NGÀY CHIẾN TRANH (Truyện ngắn), Dương Đức Khánh, Nxb. Hà Nội, 4/2019.
Dương Đức Khánh là một nhà văn có cuộc sống khá xê dịch. Anh sinh ra ở Huế, lúc trưởng thành vào miền Tây lập nghiệp mấy chục năm trời rồi về Đồng Nai, lên Sài Gòn. Có lẽ vì thế mà tập truyện ngắn với cái tên khá gợi “Nửa ngày chiến tranh” đã trải rộng không gian viết từ Huế vào tận miền Nam. Người đọc thấm tháp được vị Huế trong “Bông mai bảy cánh”, “Hình nhân thế mạng”… với ngôn ngữ mộc mạc, chân quê, rất Huế. Cái tài của Dương Đức Khánh là nắm bắt cá tính văn hóa của từng vùng đất nơi anh từng gắn bó, đưa vào văn chương uyển chuyển từng phương ngữ rất đúng hoàn cảnh, giàu tính chất nghệ thuật và nhân văn. “Nửa ngày chiến tranh” là một dấu mốc lớn trong sáng tác văn xuôi của anh.
NGHỆ THUẬT VÀ TÂM THỨC SÁNG TẠO (Phê bình - lý luận mỹ thuật), Graham Collier, Trịnh Lữ dịch, Nxb. Dân Trí, Công ty sách Đông A, 2019.
Với Graham Collier, gốc rễ của nghệ thuật chỉ có thể tìm thấy trong tầng đất sâu thẳm của tưởng tượng. Dù thế, ngay từ chương đầu của cuốn sách ông đã đặt câu hỏi “Trước hết, sao phải bận tâm?” với một hiện tượng được lý giải như “nghệ thuật tạo hình đang lên ngôi hiện nay là vì chúng đang khắc phục một thiếu hụt trong cuộc sống của chúng ta”. Công việc tìm ra nghệ sĩ đích thực, bắt nhịp với tác phẩm nghệ thuật phát tín hiệu trên hai làn sóng nhục cảm hình thức và tưởng tượng tâm lý. Qua 12 chương sách, độc giả có cơ hội tiếp cận các vấn đề mỹ thuật, quan niệm thẩm mỹ, tư duy mỹ học để hiểu rõ hơn về cái gọi là tâm thức sáng tạo. René Huyghe, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp nhận định: “Graham Collier đã có thể tìm thấy và giải phóng tính nhất quán của nghệ thuật, và của cả con người”, để đánh giá sự cống hiến về lý luận mỹ học của tác giả cuốn sách này.
(TCSH365/07-2019)