ĐƯỜNG BIÊN THƠ (phê bình), Hồ Thế Hà, Nxb Văn học, năm 2020.
“Đường biên thơ” của nhà phê bình Hồ Thế Hà với hơn 30 bài bình tác phẩm thơ của các nhà thơ trên khắp ba miền đất nước. Người đọc có cơ hội gặp lại những bài thơ nổi tiếng qua chất phê bình mộc mạc mà sâu sắc như bài Ngậm ngùi của Huy Cận, Lời chào của Nguyễn Khoa Điềm, Tôi thích mình là một cái cây của Thanh Thảo, Địa chỉ buồn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thơ tình người đứng tuổi của Nguyễn Trọng Tạo, Bài hát đi qua phố của Lê Thị Mây… Một số tác giả trẻ 8X cũng được tập phê bình này chú ý như Hoàng Thụy Anh, Fan Tuấn Anh, Trương Trọng Nghĩa…. Tác giả chia sẻ: “Những bài thơ mà tôi chọn bình trong tập sách này không phải là bài thơ tâm huyết nhất của tác giả, cũng không phải là bài thơ hay mà độc giả yêu thích, nhưng đó là những bài thơ hấp dẫn, gây chú ý đối với tôi, nó đem lại sự đồng cảm, gắn với những vui buồn ân nghĩa quanh đời”. Đó cũng là một cách để “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” như nhà phê bình Hoài Thanh từng bày tỏ.
DỤ NGÔN NGƯỜI CÔ ĐỘC (Trường ca), Vương Huy, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, năm 2019.
Với Vương Huy, người đọc không thể quên được một giọng thơ trầm buồn, lặng lẽ ẩn chứa những bể sâu của cô đơn được bao bọc bởi lớp ngôn ngữ thi ca óng ánh, sầu mị. Trường ca Dụ ngôn người cô độc là sáng tác thứ 3 của tác giả thể nghiệm trên hành trình dấn thân vì thơ của mình. Tiêu đề là một sự decor lại tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Ngô Kha, như một cuộc chạy tiếp sức trên đường trường của thi ca và Vương Huy là người nối tiếp “Chắp lời sương khói/ trong ngôi giáo đường tâm tưởng”. Điểm mạnh của tác giả là gợi được những hình ảnh thơ bay bổng, những thể nghiệm của lối tượng trưng, siêu thực: “Người ẩn tu đứng trên vách đá chiều câm/ Đưa tay phác họa thiên đường siêu hoặc”. Cái cõi thơ của Vương Huy là chiều sâu của thực tại, là nếp gấp của một tiểu tự sự dùng dằng trước sự lướt trôi của thời gian: “Người cô độc vẫn sống trên những vùng đồi/ Nhìn trăng mọc đớn đau”.
NGÔI NHÀ MẶT TIỀN VÀ CÁC TRUYỆN VỪA KHÁC (Truyện vừa), Sơn Nam, Nxb. Trẻ, năm 2020.
“Ông già Nam bộ” Sơn Nam thường được biết đến là người có công khai phá, khảo cứu và sưu tầm văn hóa mảnh đất Nam Bộ và mảng sáng tác cũng là một dấu ấn rất đặc biệt của nhà văn có nhiều đóng góp với đất phương Nam này. Truyện vừa là thể loại chiếm số lượng rất ít trong toàn bộ sáng tác của ông. 4 truyện vừa trong tập truyện này là sự quay trở về cùng tác giả về một thời kỳ lịch sử đã qua với bao biến động mà nhà văn chứng kiến. Chúng ta được đi qua những hồi ức cũ với Chuyện tình một người thường dân, Truyện ngắn của truyện ngắn, Ngôi nhà mặt tiền, Âm dương cách trở qua giọng văn giản dị, mộc mạc, cảm động thể hiện đúng chất văn hóa và con người Nam Bộ. Từ những thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đến những trí thức trong thời kỳ chống Mỹ, những nông dân, thị dân, người yêu nước, giàu đức hy sinh sáng bừng trong trang viết Sơn Nam. Một nhận định đi cùng với đời sống của ông già Nam bộ là: “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt” và có lẽ đúng trong tập truyện vừa nhiều vết cứa này.
GIỮA HUẾ YÊU THƯƠNG (Tùy bút), Trang Thùy, Nxb. Thuận Hóa, năm 2019.
Trang Thùy, một người con gái xứ Huế sống trong không gian trầm lãm của xứ sở đã viết nên những dòng tùy bút nhiều hình ảnh đẹp, giàu trăn trở và chan chứa yêu thương. Đó là những kỷ niệm đẹp, hạnh phúc về giấc mơ hồng, nửa trái sim, nụ cười với gia đình, cha mẹ, con trai, chị em… đậm đà nét Huế. Nhiều trang viết dựng nên những đốm văn hóa lung linh là sinh hoạt trong mùa Phật Đản, tết Trung thu, ăn mùng Năm, mùa xuân, thú chơi chiều, đón Giáng sinh, khoảnh khắc bên Lộc Minh Đình… Tác giả còn dụng công khi miêu tả những món ăn mang đậm phong vị Huế, lưu luyến mãi trong ký ức, trong hiện tại như món bánh canh cơm nguội, bánh bèo, quả thị, trái vả… Tập tùy bút như một giọt mưa nhỏ góp phần làm đầy thêm dòng chảy văn hóa bên bờ Sông Hương.
(TCSH376/06-2020)