MIỀN QUÊ THƠ ẤU (Hồi ký), Thanh Tùng, Nxb. Thuận Hóa, năm 2020.
Cuốn hồi ký gần 200 trang của nhà báo Thanh Tùng đã tái hiện phần nào hiện thực của một đời sống cá nhân giàu kỷ niệm, về gia đình, dòng tộc, xóm làng và đất nước trong những năm tháng gian lao, tưởng chừng đã cũ. Từ điểm nhìn đầy hoài niệm, “Miền quê thơ ấu” đã tạo ấn tượng với độc giả về một người con Huế, quê nội là Quy Lai (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) và miền quê thứ hai là Hà Tĩnh. Sông Hương chảy vào lòng và Ngàn Sâu cũng chảy vào ký ức. Nhiều trang viết góp phần xác minh, khôi phục sự thật, liên quan đến những nhân vật lịch sử và cả những người dân quê nhưng sáng ngời trong lẽ sống. Họ là những con người đầy cá tính như ông Hàn trí sĩ, ông Ngụ, ông Oánh, anh Toại, thầy Quỵ... trên những trang viết mang đậm ký ức, tạo nên sức sống cho tác phẩm. Nhà báo Thanh Tùng tâm niệm: “... tôi ghi chép về những ký ức của miền quê thơ ấu, quê hương thứ hai của tôi, với mong muốn gìn ngày giữ tháng, tái hiện - lưu giữ những kỷ niệm đẹp của một thời quá vãng”.
THƯƠNG NHỮNG NGÀY (Tập truyện), Trần Bảo Định, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2020.
Trần Bảo Định “lặn ngụp” trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ để “trục vớt” những câu chuyện lấp lánh, bất ngờ. Bút lực dồi dào và sự nỗ lực lao động chữ nghĩa không mệt mỏi đã khẳng định tên tuổi của một cây bút “kể chuyện dân gian hiện đại”, “một ông già Nam Bộ” sống trong thế kỷ XXI tưởng chừng quên lãng những bóng hình quá khứ lung linh. Những truyện ngắn “Tình đắp nền”, “Chánh tổng hai đàng”, “Nắng Tây Hòa”, “Thương những ngày”, “Miền đất cũ”, “Cái không thể, có thể!”… dạt dào tình người và đất Nam Bộ. Những hình ảnh, chi tiết lịch sử, văn hóa được tái hiện bằng lớp vỏ ngôn ngữ tinh tế, chứa đựng mạch nguồn chân chất, hồn nhiên nhựa sống của ký ức. Ngòi bút Trần Bảo Định tái dựng lại những hồi ức bỏ quên, trang sử vừa vang bóng vừa lặng lẽ và trên hết là sự trọng tình, trọng nghĩa của một lớp người mở/dựng/gìn giữ cõi phương Nam một thời.
PHÍA BÊN NÀY CỦA MÙA THU (Tập thơ), Nguyễn Trường Thọ, Nxb. Nghệ An, năm 2020.
Những dòng thơ trong vòng tay nắng, trong đêm thu nức nở, đây trăng non, đây tiếng mùa xao động… của Nguyễn Trường Thọ là những cảm thức về miền quê xa thẳm, nhớ mong và về những vùng đất, con người khắp ba miền nhiều lắng đọng. Người thơ đắm chìm trong tự nhiên, phơi hồn mình cùng với sự chuyển dịch của mùa: “Bờ đêm sương tãi đất mềm/ Ngày chan nắng mật neo bền cùng thu”. Những lời chất vấn trước thời gian: “Ngỡ như đá giấu tuổi mình/ Trước nghìn năm cũng vô tình lãng quên”. Có câu thơ như một lời ca dao vàng thắm: “Thời gian kỳ cọ cũ càng/ Niềm quê cất ở cổng làng không bong”. Nguyễn Trường Thọ là một giọng thơ hài hòa chất liệu dân gian, chất hiện đại qua thể lục bát nhiều biến ảo.
KẺ LÃNG DU (Tiểu thuyết), Alain Fournier, Nxb. Văn học & Tao Đàn, 2019.
Một tác phẩm kinh điển của văn chương lãng mạn Pháp thời kỳ cuối, đã để lại dấu ấn lớn trong tâm hồn, thời đại của nước Pháp và cả châu Âu những năm đầu thế kỷ XX và cho tận hôm nay. Qua lời kể của nhân vật “tôi”, tức Francois Seurel, con ông giáo làng, câu chuyện về hành trạng “lãng du” của Augustin Meaulnes, sống nhiệt thành trong tuổi trẻ đầy phiêu lưu được khắc họa. Người đọc bắt gặp tất cả sự hồn nhiên, cuồng đắm, dâng hiến, hào sảng và cả những mối sầu triền miên, vô cớ của một thanh niên lạc lõng vì tâm hồn tràn ngập mộng mơ của mình. Mối tình thơ mộng và hy sinh dành cho nàng de Galais đã chạm vào sự thổn thức của hàng triệu người đọc. Cuốn sách cũng là một chương trong cuộc đời của tiểu thuyết gia trẻ tuổi Alain Fourmier mất năm 27 tuổi và chỉ với một tác phẩm duy nhất, ứng với sự lãng mạn bi thảm và bất diệt như mối tình sầu mị trong tiểu thuyết và ngoài cuộc đời. Tiểu thuyết “Kẻ lãng du” xứng đáng được xếp hạng là một trong 100 cuốn sách giá trị nhất của thế kỷ XX.
(TCSH378/08-2020)