MỘT VÍ DỤ XOÀNG (Tiểu thuyết), Nguyễn Bình Phương, Nxb. Hội Nhà Văn & Công ty sách Tao Đàn, năm 2021.
“Một ví dụ xoàng” bắt đầu là một vụ án hay chính xác hơn là sự tường thuật một vụ án trước, trong và sau khi sự việc xảy ra, theo một trật tự sáng tạo. Đây là tác phẩm sâu sắc về thân phận con người, mà ở đây là ông tiến sĩ một mình nuôi con, túng quá, liều đi buôn lậu chè và gây ra án mạng. Từ một vụ án, người bị án, tác giả muốn chuyển tải những thông điệp về một con người, một số phận và cả bối cảnh, thời đại. Phần đầu kể về tiến sĩ Sang của người kể truyện, nhân vật chính. Phần thứ hai là truyện nghe từ những file ghi âm lời kể của những người liên quan đến Sang sau khi án tử đã được thi hành nhiều năm do một người được gọi bằng đại từ “Khách” ghi lại. Nguyễn Bình Phương tiếp tục tìm tòi, thể hiện một phong cách mới lạ, đầy sự hấp dẫn, cuốn hút. Nhiều trang viết, có sự xuất hiện của các đoạn thơ xen vào các đoạn truyện, giàu hình ảnh và là phần phụ chú đầy liên tưởng, có tính trữ tình diễn tả tâm trạng nhân vật. Với sự ra đời đầy bất ngờ của “Một ví dụ xoàng” một lần nữa cho thấy và chứng minh Nguyễn Bình Phương là cây bút văn xuôi nổi bật và đáng đọc trên văn đàn Việt đương đại.
NHỮNG NGÀY CÁCH LY (Tiểu thuyết), Bùi Quang Thắng, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2020.
Thông qua chuyện về một gia đình ở Hà Nội đi cách ly vì dịch Covid-19, cuốn tiểu thuyết viết về cuộc sống xã hội trong những ngày cách ly và đằng sau đó rất nhiều hệ quả liên quan. Câu chuyện xoay quanh một gia đình doanh nhân thành đạt - ông bà Trương và tiểu thư Hoàng Cúc, họ phải đối mặt với những khó khăn trong thời đại dịch, đi cách ly và đã trải qua một quãng thời gian trải nghiệm tuy ngắn ngủi nhưng để lại nhiều dấu ấn và sự chuyển biến trong suy nghĩ hành động. Người đọc cảm nhận được không khí chống dịch khẩn trương của các ngành các cấp; tâm lý đám đông về đại dịch, đặc biệt là những người sống trong các khu cách ly; những nghĩa cử cao đẹp của những người làm nhiệm vụ trên tuyến đầu… Và cả những người Phúc, ông Trương với sự thờ ơ, chủ quan về sự an toàn, tinh thần chống dịch, đặc biệt hơn cả là sự thay đổi của Hoàng Cúc từ lối sống vô tâm trong nhung lụa đến thái độ biết sẻ chia với bao người trong hoàn cảnh mới. Bùi Quang Thắng đã khái quát được một chặng đường chống dịch bệnh của nước ta, là bản ký sự đầy trách nhiệm của người cầm bút trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, là thông điệp nhân văn gửi đến cộng đồng một tâm thế và thái độ sống lạc quan, tự giác, trách nhiệm trong thời đại dịch.
(TCSH391/09-2021)