Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 11/2022
09:51 | 21/12/2022


VƯỜN HOA CỦA BÉ (Tập thơ), Ngàn Thương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, quý 3/2022.

Tác phẩm mới tháng 11/2022

Tập thơ thiếu nhi đầy ắp những hình ảnh hồn nhiên, giản dị của tuổi thơ. Đi từ những câu hỏi ngộ nghĩnh như “Mặt trời có tự bao giờ/ Nửa vầng trăng khuyết về mô giữa trời”, hay “Đố mẹ, cây cối, núi đồi/ Không ai tưới nước, sao hoài sum xuê”. Thế giới trẻ thơ hiện lên với nhiều sắc màu, là những gì chân chất, gần gũi với đời sống, là cánh đồng, dòng sông, tháng ngày, là chị Hằng, cung trăng, là ca dao, cổ tích. Ngàn Thương đã cho ra những định nghĩa rất thơ như vườn hoa “gom vào tất cả bốn mùa rất thơ”, bà ngoại “lom khom dưới cội đào”, là mẹ “những nếp nhăn/ hằn theo năm tháng/ cho con ôm sách đến trường”. “Vườn hoa của bé” là món quà nhỏ của nhà thơ Ngàn Thương chắt chiu, nhặt nhạnh dành tặng cho tuổi thơ nhiều mộng ước.


TRÊN NHỮNG DẶM SÓNG (Tự truyện),

Vĩnh Nguyên, Nxb. Hội Nhà văn, quý III/2022. 16 khúc tự truyện dài gần 300 trang sách khiến người đọc cảm thấy rất thú vị, bất ngờ về hàng trăm câu chuyện được nhà thơ Vĩnh Nguyên tường thuật chi tiết, cụ thể. Là một chiến sĩ trên tàu tuần tiễu 171 của Hải quân Nhân dân Việt Nam, một cộng tác viên của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà thơ Vĩnh Nguyên đã có một đời sống hiện thực phong phú trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước giữa lênh đênh biển cả, trên chiếc tàu anh hùng giữa biển cả bao la. Sau chiến tranh, ông công tác tại Tạp chí Sông Hương, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, và những câu chuyện về giới văn nghệ sĩ mang lại sự hình dung về một giai đoạn tuy khó khăn về vật chất nhưng đời sống văn nghệ rất sôi động, tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, sự kết nối với thực tiễn, với quần chúng nhân dân rất bền chặt. Trong cuốn tự truyện, nhà thơ Vĩnh Nguyên còn đưa ra những tự sự, những bàn luận của bản thân về lịch sử, thời đại, về những con người giàu đức hy sinh, quả cảm… đã làm nên bản sắc của một thời.


MÙA BIẾN THÁI (Tập thơ), Nguyễn Quang Hưng, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, quý II/ 2022.

Mùa biến thái là một cách nhìn đầy nhân văn của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng về đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của nhân loại, đến nhận thức của con người về lẽ sống, sự tồn tại, những mảnh đời, số phận nổi trôi trong cơn đại dịch kinh hoàng. Những ám ảnh của tiếp xúc, những hoang tưởng ốm, những cơn ho, hội ngộ đen… đã được tác giả thể hiện rõ bằng ngôn từ “sững sờ nhận ra trái đất cầu gai/ Anh phải đi tiếp trên chính nó”. “Mùa biến thái” còn có những mảng đề tài khác về sự tử tế, lòng nhân ái, tình cảm gia đình ấm áp, thiên nhiên đầy bao dung, những giả tưởng về đời sống. Thơ Nguyễn Quang Hưng giàu trăn trở, nghĩ suy, là những dấu hỏi lớn về cuộc sống, thời đại: “Mỗi ai nơi này gửi gì trong hồ/ Mà loang mãi bóng người bóng nước”.


GƯƠNG  MẶT  LOÀI  HOMO SAPIENS

(Tiểu thuyết), Trần Như Luận, Nxb. Hội Nhà văn, quý II/2022.

Một cách tiếp cận mới của nhà văn Trần Như Luận về chủ đề lịch sử, nhân loại, cuộc sinh tồn, sự hưng vong, tính lý tưởng và những phác thảo tâm linh. Tiểu thuyết được xây dựng trên cơ sở kiến thức lịch sử, những phát kiến mới của khoa học, những bằng chứng tâm linh, trải dài trên nhiều phân đoạn thời gian, bối cảnh, nhiều quốc gia, châu lục. “Gương mặt loài Homo Sapiens” chứa đựng những kiến giải của nhà văn về nhân sinh, sự biến đổi, về văn minh Đông - Tây, về ý nghĩa có mặt của nhân loại. Nhân vật Po Martin đã để lại câu bất hủ: “Mọi mối quan hệ nhìn từ bên ngoài tưởng như thân thiết, sâu sắc, bền chặt, thực ra cũng tựa như những chiếc ly thủy tinh mỏng manh dễ vỡ mà thôi”.

(TCSH405/11-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng