Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 10/2011
15:00 | 27/10/2011
* Nhà phê bình Hồ Thế Hà gọi Từ Huế - Chuyện trò lai rai (Nxb Đà Nẵng, 2011) của nhà báo Thanh Tùng là ký văn hóa, bởi anh đã “làm sống lại các sự kiện”, “mở ra đường chân trời gặp gỡ của các mã ký ức văn hóa gần - xa, có khả năng đánh thức những tiềm năng và bài học cho hiện tại”.
Tác phẩm mới tháng 10/2011
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4


Không chỉ viết về Huế và con người Huế, tác giả còn mở biên độ sang những không gian văn hóa nóng ở Mekong, Viên Chăn, quốc đảo Sư Tử, eo biển Lelaca… “Giữa đôi bờ văn hóa Đông Tây” đăng trên Sông Hương 260/10-10 là một trong những bài viết hay trong tập sách trên 30 bài viết dày gần 200 trang này.



* Nguyễn Minh Khiêm, một tác giả ở Thanh Hóa từng gặt hái nhiều giải thưởng, và đã nhận tặng thưởng của Sông Hương dành cho bài thơ “Sông Mã vẫn chảy trên chái nhà ta”. Tập thơ của anh Vết thương đá (Nxb Văn học, 2009) hầu hết viết về những số phận là hệ lụy từ chiến tranh. Đề tài này không dễ làm mới, nên khó. Tuy nhiên Nguyễn Minh Khiêm vẫn có những hình ảnh ám gợi: một người mẹ đến “thăm con” ở khu tượng đài. Giữa “xao xác lá vàng bay”, “bà như nén hương gập xuống bẻ cong chiều”. Hay ở “Khúc bi ca Đồng Lộc”, “Của hồi môn cho các chị là một nhà kho đầy những vỏ bom”, “Của hồi môn cho các chị là tấm ảnh phóng to toàn cảnh chiến tranh”...


* Mót
(Nxb Hội Nhà văn, 2011) là một từ rất thường, Ngọc Tuyết lại lấy làm tên cho tập thơ lục bát của mình, khiến độc giả lừng khừng không thể cẩu thả nhìn nhận cho được. Trong bài “Mót”, Ngọc Tuyết đã nhón tay vén từ miền vô thức câu thơ: “Mót trong biển thức vị lai”. Thức là một khái niệm rộng trong Duy thức học của Phật giáo. Biết thức, tức là biết nhón chân đặt bước đầu tiên ở vị lai. Thêm một câu lục hay nữa: “Mót đầu ngọn suối tâm linh”. Cách thức này chính là mót thơ, như đã từng ở “Rát lòng” dự thi lục bát SH 9-2010: “Nền trời đỏ quạch mười phương/ cõi ta bà chật tôi nhường bóng tôi”. Và như vậy Mót trở thành một từ sang trọng đến mức không dễ dùng.



* Năm kia in xong Đêm phù thủy, nhà văn Nhất Lâm bảo “cuốn tiểu thuyết cuối cùng rồi đấy”. Giữa lúc tim có vấn đề, ông lại hì hục viết tiếp Xa Hà Nội (Nxb Văn học, 2011), còn dày dặn hơn. Xa Hà Nội nghĩa là tác giả (hoặc nhân vật) từng sống ở Hà Nội. Những ai từng gắn bó với Hà Nội, qua sự mô tả của nhà văn Nhất Lâm có thể tìm lại được những địa chỉ bị xô lệch hoặc đã biến mất giữa phồn hoa đô thị.






* Đọc Xuân Đàm, sân khấu, cuộc đời (Nxb Lao động, 2011) chúng ta hiểu về một đạo diễn sân khấu và tiếp cận được những vở kịch ở nhiều thể loại. Xuân Đàm sinh bên dòng Thạch Hãn nhưng có nhiều nỗi lòng với sông Hương. Với anh Quảng Trị hay Huế âu cũng là nhờ công chúa Huyền Trân “mượn màu son phấn đền Ô Lý”. Qua câu ví dặm trường đó anh đưa ra nhận xét khá tinh tế: “Bài Nam Bình là linh hồn của ca kịch Huế, nó có tính tự sự, tính trữ tình, tính kịch, tình hành động, nó cấu trúc như một bản giao hưởng. Gần đây người ta nói: Trường ca Sông Lô là bản giao hưởng đầu tiên do ảnh hưởng của Bet-thoven. Vậy Nam Bình là bản giao hưởng đầu tiên của dân tộc ta chăng?”


* Du Tử Lê bảo “Nguyễn Thanh Văn làm thơ như viết văn”, có phải vậy chăng mà tập thơ mới của anh cũng dày như văn xuôi, đến 170 trang. Dự cảm (Nxb Hội Nhà văn, 2011), cũng theo cách hiểu của Du Tử Lê là “những dự báo trầm thống, hôm nay”. Nguyễn Thanh Văn sinh tại Huế, hiện sống và viết ở Tp Hồ Chí Minh. Huế vẫn nguyên vẹn trong anh dư âm cũ với những con người cũ. Trong số báo này Sông Hương đăng chùm thơ anh tặng Trần Thùy Mai, Trần Vàng Sao qua lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật.




* Sau tập thơ viết cho thiếu nhi xuất bản năm ngoái với sự tài trợ của Quỹ sáng tạo VHNT, năm nay nhà thơ Nguyễn Loan tự bỏ tiền túi in tập lục bát Một nửa tôi tìm (Nxb Thuận hóa, 2011). Thử nhặt ra cặp khá trong một bài thơ bình thường: “Trách mình đi lệch lời yêu/ Xót lây đến những câu Kiều Nguyễn Du”. Nếu có một cuộc bình chọn về những cái nhất trong những đầu sách của anh em văn nghệ sĩ Huế, sau tập Thơ tự chọn của Nguyên Quân có giá rẻ nhất, thì ở đây, một tập thơ dành cho người lớn song bìa “trẻ nít” nhất.

S.H
(272/10-11)






Các bài mới