Câu chuyện hôm nay
Đổi mới hoạt động hội vì sự phát triển
07:55 | 23/11/2012

Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế sắp tiến hành Đại hội Hội Nhà báo lần thứ V, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đây là lúc toàn thể các hội viên nhà báo đang tác nghiệp ở Thừa Thiên Huế nhìn lại một chặng đường đã qua, để cùng xác định những việc cần làm trong thời gian đến.

Đổi mới hoạt động hội vì sự phát triển
Hội viên Chi hội Nhà báo Báo Thừa Thiên Huế trong một buổi sinh hoạt nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng tờ báo. Ảnh: baothuathienhue.vn

Toàn cảnh bức tranh báo chí

Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế trước có 9 chi hội ở 9 cơ quan báo chí: Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT), Trung tâm TH Việt Nam tại Huế (VTV Huế), Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Tạp chí Huế Xưa và Nay, Tạp chí Đại học Huế, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Huế, Đài truyền thanh thành phố Huế. Từ tháng 9/ 2011, VTV Huế chuyển sinh hoạt ra Hà Nội, Hội còn lại 8 chi hội. Bên cạnh đó, Hội còn bảo trợ cho CLB Nhà báo hưu trí và nhiều văn phòng các cơ quan báo chí trung ương cùng sinh hoạt.

Trong thời gian qua, báo chí Thừa Thiên Huế tỏ ra khá sôi động. Những lúc diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa lớn, các nhà báo đã xông xáo nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời. Nhiều nhà báo có trách nhiệm, đi đến những vùng sâu, vùng xa để có những bài viết nóng bỏng, ngồn ngộn chất sống. Vào mùa bão lũ, một bộ phận nhà báo đã không quản ngại nguy hiểm, dấn thân đến những vùng tâm bão, rốn lũ để ghi hình, viết bài, đưa tin kịp thời phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lụt bão. Nhiều hội viên nhà báo dũng cảm phản ánh những vấn đề mà cán bộ, nhân dân đặc biệt quan tâm, có mặt ở những điểm “nóng” để có những tác phẩm chất lượng. Đến nay ở Thừa Thiên Huế có 152 hội viên được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo. Bên cạnh đội ngũ này, còn có đông đảo những nhà báo cao tuổi, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà giáo, những người viết báo không chuyên đã thầm lặng tác nghiệp, tích cực tham gia cộng tác, thực hiện nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt.

Có thể khẳng định nhiệm kỳ IV vừa qua, báo chí Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển và trưởng thành nhiều mặt, vừa làm tốt nhiệm vụ công tác mà Đảng, Nhà nước, và ngành giao, vừa định hướng tuyên truyền, vừa cung cấp một khối lượng lớn những thông tin, những kiến thức bổ ích, góp phần giữ ổn định chính trị, bảo tồn các giá trị văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế không ngừng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy đạt được một số thành tựu, song trước những yêu cầu đổi mới của Thừa Thiên Huế thì báo chí của tỉnh nhà còn những mặt hạn chế đó là:

Vẫn còn một số thông tin trên báo chí thiếu chính xác. Các phóng sự, điều tra, bài phản ánh một số lĩnh vực còn thiếu sinh động. Tin tức mang tính lễ tân, công báo vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Báo viết còn nhiều sai sót trong công tác biên tập, báo hình thì một số phát thanh viên lên hình thiếu nghiêm túc, phong cách thể hiện thiếu thuyết phục. Quảng cáo một số chương trình báo hình chưa thật sự được biên tập chặt chẽ, có khi bị lợi dụng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo đang có chiều hướng suy giảm. Một bộ phận nhà báo tay nghề còn yếu, dễ dãi trong tác nghiệp. Một số nhà báo còn viết báo theo lối salon. Công tác đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ… của các báo, đài có phần còn hạn chế, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của công chúng.

Hội Nhà báo - nơi gặp gỡ

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế và các Chi hội cơ sở đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác báo chí, về hoạt động của Hội Nhà báo và Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam, Nghị quyết Đại hội IV Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ do Đại hội IV Hội Nhà báo tỉnh đề ra, góp phần tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của báo chí Thừa Thiên Huế trong 5 năm qua.

Hội đã quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác báo chí và về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Triển khai dưới nhiều hình thức thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Hoạt động nghiệp vụ được xác định là một trong những trọng tâm của chương trình công tác toàn khóa. Hội đã thực hiện nghiêm túc đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao. Từ năm 2008 đến tháng 9/2012 đã có 171 tác phẩm xuất sắc được hỗ trợ đầu tư với gần 500 triệu đồng cho 200 lượt hội viên nhà báo. Đề án nâng Giải Báo chí của Hội thành Giải Báo chí của tỉnh Thừa Thiên Huế được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (ngày 27/5/2008) và thực hiện có hiệu quả qua 5 lần tổ chức.

Hội đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo. Hội cũng đã chủ động tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo một số ngành kinh tế, văn hóa với những người làm báo trên địa bàn: những vấn đề về phát triển kinh tế du lịch ở Thừa Thiên Huế; về thủy điện, về môi trường; về xây dựng nông thôn mới, về quy hoạch đô thị, đất đai; tổ chức tọa đàm khoa học những vấn đề xã hội và báo chí quan tâm; tổ chức giới thiệu sách, những tác phẩm báo chí hay v.v... Các buổi gặp gỡ đã thực sự bổ ích cho cả các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và nhà báo. Từ năm 2008, tờ Đặc san Nhà báo Huế của Hội được Cục Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, mỗi năm từ 2 kỳ lên 4 kỳ.

Hội đã tích cực tham gia vào công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, chủ động đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các quy định liên quan đến hoạt động báo chí; duy trì các hoạt động của Trung tâm Thông tin báo chí. Từng kỳ Festival văn hóa, Festival chuyên đề, Trung tâm là một địa chỉ luôn diễn ra hoạt động nghiệp vụ sôi nổi của nhà báo các địa phương trong nước, nhà báo nước ngoài đến Huế tác nghiệp.

Hội luôn xác định việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, kiên quyết đấu tranh các hành vi cản trở các nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Trong 5 năm, Ban Kiểm tra của Hội đã can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho 5 trường hợp (trong đó có 2 trường hợp nhà báo ở cơ quan báo chí TW) hội viên nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp. Đồng thời đề nghị cơ quan báo chí xử lý 01 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Trong công tác đối ngoại, Hội đã trao đổi nghiệp vụ với trên 40 đoàn báo chí trong nước, với các đoàn nhà báo đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Bỉ, Đan Mạch, Đại sứ quán Mỹ...

Việc phát triển hội viên được đẩy mạnh một bước, Hội đã làm thủ tục đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam kết nạp thêm 52 hội viên mới. Tính đến tháng 9/2012, Hội Nhà báo tỉnh có 170 hội viên. Câu lạc bộ Nhà báo Hưu trí thành lập đã 10 năm, quy tụ gần 50 nhà báo, nhà văn tên tuổi.

Công tác đền ơn đáp nghĩa được chú trọng. Nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Chi hội Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trao tặng một nhà tình nghĩa (trị giá 30 triệu đồng) cho gia đình liệt sĩ Thái Văn Chái ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền; phối hợp với Hội Nhà báo Hà Nội và Báo An ninh Thủ đô xây tặng một trường mẫu giáo ở xã Phong Xuân cùng nhiều thiết bị học tập khác cho các cháu, trị giá gần 100 triệu đồng. Thông qua Báo An ninh Thủ đô, Tết năm 2010, Hội đã vận động và được tập đoàn Vincom tặng 500 suất quà tết cho 500 hộ nghèo ở hai xã Phong Xuân và Phong Sơn, huyện Phong Điền, trị giá 250 triệu đồng.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu: Hoàn thành 7/8 chỉ tiêu, có 1 chỉ tiêu chưa hoàn thành đó là việc biên soạn “Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế”.

Những điểm còn hạn chế của công tác Hội đó là còn một số Chi hội cơ sở chưa thực sự đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, ý thức xây dựng hội của một số hội viên chưa cao. Vai trò tư vấn, phản biện của Hội đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí còn yếu. Việc đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những biểu hiện yếu kém về nghề nghiệp và giảm sút đạo đức của một số nhà báo còn hạn chế. Những yếu kém trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của báo chí tỉnh Thừa Thiên Huế trong nhiệm kỳ qua.

Từ thực tiễn những thành tựu cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác Hội Nhà báo và hoạt động báo chí nhiệm kỳ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Hội Nhà báo tỉnh là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có tính đặc thù của những người làm báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, vì vậy hoạt động của Hội phải luôn bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, phải quán triệt tinh thần thực hiện “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Quyết định thành công trong hoạt động Hội là sự đoàn kết, nhất trí trong Hội. Điều quan trọng là hội viên phải tự giác, tích cực tham gia, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của hội viên đối với Hội Nhà báo tỉnh và Chi hội cơ sở. Gắn hoạt động Hội, hoạt động báo chí với các hoạt động xã hội.

Tầm nhìn nhiệm kỳ tới

Đại hội nhiệm kỳ V của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra trong không khí cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, toàn tỉnh đang nỗ lực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh, xây dựng và phát triển sự nghiệp báo chí Thừa Thiên Huế ngang tầm của thời kỳ mới. Giới báo chí và Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế phấn đấu tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ nhằm động viên cán bộ, nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng vững mạnh, văn minh, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong mục tiêu chung đó, phương hướng hoạt động của Hội Nhà báo tỉnh nhiệm kỳ V là nâng cao hơn nữa vai trò, chất lượng hoạt động Hội, tập hợp, đoàn kết các hội viên; nâng cao trình độ chính trị và năng lực nghiệp vụ của các nhà báo để đóng góp cùng tỉnh hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đẹp giàu, vững mạnh.

Để làm được điều đó, cần phải kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực công tác của cán bộ Hội Nhà báo tỉnh và các Chi hội cơ sở. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giải Báo chí, Hội đồng tuyển chọn tác phẩm báo chí. Nâng cao và mở rộng Giải Báo chí của tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức các giải báo chí chuyên ngành; tổ chức có hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Nhà báo Hưu trí và tiếp tục thành lập thêm một số câu lạc bộ mới (CLB nhà báo trẻ, ảnh báo chí, nhà báo nữ). Tìm mọi nguồn lực trong tỉnh, trong nước nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo. Nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung, hình thức Đặc san Nhà báo Huế, tổ chức khởi thảo viết cuốn “Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế”.

Đại hội lần thứ V Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế vui mừng với những thành tựu đã thực hiện được trong nhiệm kỳ vừa qua, quyết tâm khắc phục những hạn chế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ V được cụ thể hóa bằng chương trình hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, mới mẻ, sôi động trong đời sống báo chí; nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ người làm báo Thừa Thiên Huế ngang tầm với những yêu cầu của thời kỳ mới.

Nhà Báo Huế
(SH285/11-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng