Câu chuyện hôm nay
Một quyết định khó hiểu
08:28 | 25/01/2013

Vừa qua, ngày 7/1/2013, tại TP. Huế đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về “Dạy học Ngữ văn ở Trường phổ thông Việt Nam”. Sau đấy 3 ngày, 10/1/2013, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết văn bản hợp tác giữa hai cơ quan này về “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020”.

Một quyết định khó hiểu

Thế nhưng, kỳ lạ thay, cũng trong thời gian này, Bộ Giáo dục & Đào tạo lại công bố Quyết định “Phê duyệt đề án Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy vào các trường khối văn hóa, nghệ thuật”. Theo đó, đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật (khối H, N, S) thì môn ngữ văn chỉ “xét tuyển” dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm tổng kết 3 năm ở bậc học này; môn năng khiếu sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định. Cụ thể là có 10 trường thuộc khối ngành này gồm: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Học viện Âm nhạc Huế; Học viện Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh; Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam... không phải thi môn văn mà chỉ cần xét tuyển.

Cần nhớ rằng, văn học là một trong số những môn học cơ bản, có mặt sớm nhất trong hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta từ trước đến nay và nó sẽ theo suốt cuộc đời mỗi người. Bởi một lẽ đơn giản mà cha ông ta đã đúc kết hàng bao đời nay: “Văn là người”, còn đại văn hào M. Goorky thì nói: “Văn học là nhân học”. Vậy mà khối ngành Văn hóa - Nghệ thuật lại loại môn văn ra khỏi chương trình thi tuyển sinh cao đẳng - đại học năm học 2013 - 2014 thì quả là chuyện rất đáng quan ngại. Không biết các ca sĩ, họa sĩ, diễn viên... sau khi học xong một số kỹ năng nghề nghiệp rồi họ sẽ làm gì một khi “Ăn không nên đọi, nói không nên lời”?.

Mọi người không lạ gì những bài thi môn văn “hãi hùng” năm nào cũng có ở các kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH. Cũng không ai còn lạ gì những phát ngôn gây shock của các người mẫu, diễn viên, ca sĩ... trước bàn dân thiên hạ. Và nhiều người đã không ngại gắn cho những người ấy cái mác thật đáng xấu hổ “chân dài, đầu ngắn” để chỉ những hành vi thiếu văn hóa của họ trong phát ngôn. Chỉ có những người hoặc coi thường hoặc không thể học tốt môn văn mới có những hành vi ứng xử về văn hóa như thế. 

Nếu vậy, không rõ ngoài thi môn năng khiếu ra, thí sinh thuộc các khối trên sẽ thi cái gì, trong khi đó, thí sinh ở các khối ngành khác bắt buộc phải thi đủ ba môn? Có lẽ vì xã hội đang thiếu nguồn nhân lực từ các khối ngành Văn hóa - Nghệ thuật nên thí sinh thi vào đây cần được “ưu tiên”? Làm như vậy liệu có công bằng giữa các khối ngành và các em với nhau không? Câu trả lời này dành cho Bộ Giáo dục & Đào tạo, bởi lẽ chỉ có Bộ này mới là người hiểu hơn ai hết. 

Với những “cải cách” táo bạo như thế này, nhiều người cho rằng có thể tới đây, Bộ sẽ đưa ra đề án “miễn thi” môn toán đối với các trường thuộc khối ngành Khoa học - Kỹ thuật chăng?

Theo Bình Tâm (Suckhoedoisong.vn)

Các bài mới
Các bài đã đăng