Câu chuyện hôm nay
Thừa Thiên Huế trên bước đường mùa xuân
15:34 | 30/01/2013

AN ĐÔNG  

Khi những hạt mưa cuối cùng của mùa đông đã ngớt trên mặt sông sóng sánh và những vạt nắng đã bắt đầu tràn đến trên đám lá cỏ tơ non, người ta biết từ đâu đó, mùa xuân đã nhẹ nhàng gõ cửa.

Thừa Thiên Huế trên bước đường mùa xuân
Festival Huế 2012 - Ảnh: Trường Giang

Và những chồi non mới nhú lung linh trong nắng mai mật ngọt như báo hiệu một năm mới đã đến với những mạch nguồn căng tràn sức sống. Huế đã có một năm chuyển mình trong dòng chảy luân phiên của đất trời, của nỗi miên man về một cuộc sống còn đó những lo toan nhưng cũng ngập tràn những niềm vui và nỗi rộn ràng tươi mới.

Năm 2012 đã khép lại nhưng cũng đã mở ra những con đường vẫn đây đó những gập ghềnh thách thức nối tiếp như để thử sức con người. Năm nay cũng là năm mà tình hình kinh tế của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đã có những chỉ tiêu, mục tiêu phấn đấu của tỉnh về quốc kế dân sinh tuy cơ hồ không hoàn thành được, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục hồi và tăng trưởng cao như du lịch, dịch vụ, đầu tư xây dựng, sản xuất công nghiệp,… Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 109,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 21.273,8 tỷ đồng, đạt 99,8% kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 465 triệu USD, tăng 22,23%. Tổng thu ngân sách chỉ trong 11 tháng đầu năm 2012 đã ước đạt 5.104,9 tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm, tăng 62,6% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa 3.050,9 tỷ đồng, bằng 91,74% DT, tăng 12,33%. Tổng chi ngân sách ước đạt 6.721,2 tỷ đồng, bằng 99,2% DT, tăng 46,91 % so cùng kỳ.

Những con số ấy, nếu mới thống kê ra thì trông thật khô khan, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là cả một quá trình, một nỗ lực phấn đấu hết mình từ chính quyền cho đến mỗi người dân. Cuộc sống không ai cho mình cả, và mỗi người có lẽ cũng không thể một mình tạo nên cuộc sống mà đó là cái tâm thức muốn phát triển, muốn được thấy sự đổi thay tràn căng trên mỗi bước thời gian mà mình đi qua trong cuộc đời. Không dễ dàng gì cho một sự đổi thay thần kỳ mà cần có những chặng đường, cần có những mục tiêu và cả những giải pháp cụ thể để thực hiện. Và hơn nữa, mọi việc còn có sự đồng thuận của người dân. Và không gì hơn để có sự đồng thuận của người dân đối với những hoạch định, những chính sách đó là những hoạch định, những chính sách ấy phải hợp với lòng dân. Chẳng hạn việc vừa đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế (Thua Thien Hue General Hospital) gần đây là một ví dụ. Bệnh viện có tổng vốn đầu tư trên 38 triệu USD (gần 800 tỷ đồng Việt Nam), với quy mô dự án 36.000 m2 sàn xây dựng/70.000 m2 mặt bằng toàn Bệnh viện và 500 giường bệnh. Có thể nói đây là một bệnh viện có quy mô lớn, và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân khu vực phía Bắc Thừa Thiên Huế cũng như một số vùng lân cận. Đây chính là niềm mong mỏi lớn của bao người dân nơi đây và sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Trung ương Huế cùng một số bệnh viện khác ở thành phố Huế. Thừa Thiên Huế cũng vừa tổ chức khánh thành cây cầu đường bộ qua sông Hương vào cuối tháng 8/2012 với tổng kinh phí hơn 730 tỉ đồng. Việc đưa cây cầu này vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh, nhất là phát triển hạ tầng du lịch; đồng thời sẽ giảm sức ép lưu lượng phương tiện giao thông qua cầu Phú Xuân đang ngày càng xuống cấp. Cầu đường bộ qua sông Hương là cây cầu đường bộ thứ ba bắc qua con sông này (trước kinh thành Huế) được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu dài 542,5m (gồm cả đường dẫn), rộng 24,5m với 4 làn xe và hai lề đường dành cho người đi bộ. Cầu có 5 nhịp, lan can phù hợp kiến trúc, mỹ quan Cố đô Huế. Đặc biệt, dọc theo thân cầu có sáu vọng lâu để người dân và du khách có thể ngồi hóng mát, ngắm cảnh. Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VI đã quyết định đặt tên cầu là Dã Viên.

Thừa Thiên Huế có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tâm linh, danh lam thắng cảnh phong phú và nổi tiếng là một vùng đất có nếp nhà, nết người với nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc và liên tục được chọn, trao quyền đăng cai, tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa lớn của cả nước và quốc tế. Thừa Thiên Huế tự hào hiện đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội; trong đó, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; Nhã nhạc cung đình Huế - Âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại; Vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp thế giới; Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xem là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á... Ngoài ra, văn hóa là nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú đã và đang từng bước được khai thác có hiệu quả. Văn hóa là nội dung, là bản chất đích thực của du lịch, tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn nhất của các sản phẩm du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh của địa phương trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Và năm 2012 là một năm đặc biệt đối với Thừa Thiên Huế, khi nơi đây vừa là chủ nhà của Festival Huế 2012 cũng là đơn vị đăng cai Năm du lịch Quốc gia. Festival Huế 2012 khai mạc vào tối 7/4 và kéo dài trong suốt 9 ngày đêm. Đây được xem là điểm nhấn mở màn của Năm Du lịch Quốc gia - Duyên hải Bắc Trung bộ do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức, là hoạt động văn hóa đặc biệt được Bộ VH-TT&DL nước ta đề xướng trong khuôn khổ Diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á, Mỹ La tinh (FEALAC) và được đông đảo các quốc gia thành viên hoan nghênh. Festival Huế 2012 đã quy tụ hơn 65 đơn vị nghệ thuật đến từ các vùng miền Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, thu hút hơn 18 vạn lượt khách du lịch đến Huế, trong đó có hơn 8 vạn khách quốc tế. Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch di sản” là sự kiện du lịch có quy mô lớn nhất trong năm 2012, Thừa Thiên Huế đã đón và phục vụ trên 2,5 triệu lượt khách, tăng hơn 24,9%; trong đó, khách du lịch quốc tế đạt gần 803.000 lượt, tăng 24,5% so với năm 2011. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng trên 4.470 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa như: Tọa đàm kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 8 với chủ đề “Di sản văn hóa với biển đảo”, khai mạc Triển lãm “Biên giới và biển đảo Việt Nam”, công bố quyết định thành lập Bảo tàng Văn hóa Huế...

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, năm 2013 được tiếp tục xác định là “Năm đô thị”. Tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến căn bản diện mạo đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phấn đấu để tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I. Đồng thời, phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, làm nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thừa Thiên Huế cũng sẽ quyết tâm dành ưu tiên 5 chương trình trọng điểm: Chương trình chỉnh trang đô thị và xây dựng nếp sống văn minh đô thị; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; Chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; Chương trình bảo vệ môi trường, phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 chủ yếu như: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trên 10%; Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP) đạt 1.760 USD; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 14.500 tỷ đồng; Thu NSNN 5.270,8 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 540 triệu USD; Doanh thu du lịch tăng 16 - 18%; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%; Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 50%; Tạo việc làm mới cho trên 16.000 người; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,11%; Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 90%…

Về văn hóa - du lịch, căn cứ vào giá trị lịch sử văn hóa và vị thế của vùng đất, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước. Và vào ngày 28/12/2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND về việc kế hoạch triển khai chương trình trọng điểm năm 2013 về phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế với 5 nhiệm vụ cụ thể sau: Công tác quy hoạch, kế hoạch; Xúc tiến quảng bá du lịch; Nâng cấp và phát triển sản phẩm du lịch và tăng cường chất lượng dịch vụ; Xây dựng và triển khai các đề án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm du lịch mang tính liên vùng liên quốc gia; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Đây chính là những chương trình trọng điểm lớn, thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế phát triển vươn lên một tầm cao mới, góp phần cho tương lai không xa của một thành phố trực thuộc Trung ương như trong Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị.

Chỉ là một bài viết nhỏ khó có thể nói hết những gì mà Thừa Thiên Huế đã làm được trong một năm đầy sự kiện vừa qua. Thừa Thiên Huế đang nỗ lực hết sức mình để đạt được những ước muốn đã kết tinh trong nhiệt huyết của bao người. Mà bây giờ thì Huế đang chạm ngõ mùa xuân. Ngày tết cổ truyền dân tộc đang đến gần với nhiều niềm vui đang lan tỏa trong mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười, mỗi phút giây gặp mặt bạn bè, người thân. Một năm mới đã lại về, lại là một năm tiếp tục với bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu quyết tâm, bao nhiêu mơ ước. Đi khắp những nẻo đường của Huế, những bản nhạc xuân đã rộn ràng đánh thức những cảm giác lâng lâng khó tả. Rồi bất chợt giật mình ngẩn người với một chiều bên sông bởi một giọng ca đâu đó lan tỏa trên sóng nước: “Tiếng nguyệt cầm lên khoan nhặt, lòng thắp sao trời. Lung linh đêm dài, sáng đường vui. Xuân lai láng, Năm tháng xuân hoài. Tình say, nhạc đời say. Hiên ngoài một cánh hoa nở cho đời. Gởi bên lòng mộng lành ngày xuân, sắc trời xanh trong... Mây vờn qua núi xuân mãi xuân tình...

A.Đ
(SH288/02-13)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng