Câu chuyện hôm nay
Nghệ nhân dân gian “uống nước lã” truyền dạy đến bao giờ?
08:19 | 08/03/2013

Dù được tôn vinh là “báu vật nhân văn sống” nhưng bà Hà Thị Cầu và nhiều nghệ nhân khác phải sống chật vật với nỗi lo "cơm áo".

Nghệ nhân dân gian “uống nước lã” truyền dạy đến bao giờ?
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ (ảnh: internet)

Làm gì để những báu vật nhân văn... sống được? Đó là một câu hỏi day dứt với rất nhiều nhà quản lý văn hóa các địa phương và những người tâm huyết với văn hóa dân tộc. Trong khi câu trả lời vẫn còn mơ hồ, xa vời, thì các nghệ nhân, những người được UNESCO suy tôn là "báu vật nhân văn sống" cứ ngày một thưa thớt dần...

Uống nước lã để…truyền dạy

Những ngày này, chúng ta được xem lại nhiều hình ảnh về nghệ nhân Hà Thị Cầu - người được mệnh danh là "nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ 20". Những khuôn hình ám ảnh người xem nhiều nhất là những cảnh cụ Cầu hát Xẩm dưới gốc cây gạo nơi góc chợ nơi quê của cụ, là hình ảnh một cụ bà mặt đầy những nếp nhăn sâu của thời gian, vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa tay đàn, miệng hát.

Cả đời cụ Cầu đã vịn vào những câu hát Xẩm mà nuôi chồng, con và những câu hát ấy đã là bạn tâm giao với cụ, chia sẻ những cay đắng, vui buồn một kiếp nhân sinh đến những phút giây cuối cùng của cuộc đời.

Tiếng là nghệ nhân dân gian, được trao giải thưởng Đào Tấn, bằng khen treo đầy vách, nhưng bà vẫn rất nghèo, vẫn phải đi hát, lấy tiền sinh nhai. Giọng hát của cụ Cầu là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những thăng trầm, loạn lạc của thời cuộc, xuyên qua những bất hạnh và nghèo đói của cuộc đời. Liệu rằng nếu cụ không phải "kiếm cơm" bằng tiếng hát, thì giọng hát của cụ có chất chứa vô vàn những thăng trầm, uẩn khúc, ám ảnh, day dứt tâm can con người đến như thế không?

Các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh, nhưng các nghệ nhân - người nắm giữ các bí quyết, nét độc đáo của các di sản vẫn còn phải lo gánh nặng "cơm áo". Việc cống hiến, truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ vì thế còn nhiều cái "khó". "Lắm lúc chúng tôi cũng buồn lắm. Nhà nước cứ bảo khẩn cấp rồi cái nọ cái kia nhưng mà khẩn cấp mà cứ vin vào cái ngọn như thế, còn chúng tôi có đả động gì đến đâu. Lấy gì mà ăn, ăn bám vào con, bây giờ cứ đi dạy không trông nom cửa nhà được cho các con, uống nước lã mà dạy sao?"- Tâm sự của nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ (Hà Nội).

Còn nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi (giáo phường ca trù Thái Hà, Hà Nội) thì ngậm ngùi: "UNESCO công nhận các di sản, nhưng mà các nghệ nhân được cái gì? Đáng lẽ nên vinh danh các nghệ nhân để người phấn khởi. Tôi đã ngoài 80 tuổi sắp chết rồi có cần gì đâu, chỉ nghĩ mong làm sao dạy cho con cháu?". Nghe tâm sự của hai nghệ nhân ca trù nổi tiếng không thể không cảm thấy chua xót (!)

Thời gian không đợi

Còn nhớ, trong kỳ Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2012, danh sách phong tặng nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian chỉ có 11 người. Trong số 9 nghệ nhân cao tuổi được tôn vinh, chỉ còn 5 người đủ sức…đi nhận bằng.

Trong mấy kỳ Liên hoan hát Then, đàn Tính, ngó trước, ngó sau vẫn chỉ điểm có một số tên tuổi như: nghệ nhân Hà Thuấn ở Tuyên Quang, Hoàng Thím ở Điện Biên, Nông Thị Sấm ở Lạng Sơn... Mừng vì thấy các nghệ nhân vẫn còn khỏe để có thể đi dự liên hoan được, mừng thấy các nghệ nhân vẫn tràn đầy nhiệt huyết "ăn cơm nhà" mà lặn lội đến các vùng sâu, vùng xa truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Gần 80 tuổi, nghệ nhân Hoàng Thím (ở Điện Biên) vẫn miệt mài nghiên cứu, sáng tác, chế tác nhạc cụ đàn tính. Ông vẫn lặn lội xuống tận các bản xa cách thành phố hàng chục cây số để dạy miễn phí cho thế hệ trẻ. "Bản ở rất xa, đi đi về về khổ lắm, nhưng không thể bỏ. Mình là người già đã phong tặng nghệ nhân thì phải cố gắng truyền lại cho các cháu".

Còn nghệ nhân Hà Thuấn (Tuyên Quang) - người được phong tặng nghệ nhân dân gian từ năm 2008 thì bảo tiếng là được phong tặng nghệ nhân nhưng chế độ chẳng có gì. Không có tiền vẫn phải làm vì lớp trẻ ở vùng sâu, vùng xa ham học lắm. Nghe câu chuyện của các nghệ nhân thì mừng đấy mà lại lo ngay đấy, bởi một nỗi niềm: nhỡ đâu liên hoan lần tới thiếu vắng một nghệ nhân nào đó?

 

 

Nghệ nhân Hà Thuấn ở Tuyên Quang (ảnh: Mai Hồng)


Hay như với nghệ nhân Sầm Văn Dừn được bà con trong thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang yêu mến gọi là "Bảo tàng sống của người Cao Lan". Để gìn giữ và truyền lại những cái hay, cái đẹp của làn điệu Sình ca, ông đã lặn lội đi sưu tầm lại những cuốn sách cổ ghi chép những bài hát, bài khấn cổ xưa, một số quyển đã có từ hơn 500 năm trước.  Hiện nay, trong nhà ông còn lưu giữ 200 đầu sách về văn hóa dân tộc Cao Lan.

Gia đình nghệ nhân Sầm Văn Dừn hiện đang giữ một chiếc trống cổ bằng sành của dân tộc Cao Lan cùng hơn 100 vật phẩm truyền đời khác. Những việc làm đó đều được ông làm với tất cả tình yêu thiết tha với văn hóa dân tộc, với quê hương. Điều ông mong mỏi là giá như được tạo điều kiện thuận lợi hơn, cấp thêm một ít kinh phí, thì công việc sưu tầm, gìn giữ di sản văn hóa của người Cao Lan chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Ở Tây Nguyên không có lớp dạy làm nhà rông, chỉnh chiêng... Những kiến thức quí giá ấy được truyền lại từ đời này sang đời khác nhờ các già làng và nghệ nhân cao tuổi. Chính những cánh chim giữa đại ngàn ấy đã thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trong thời hiện đại. Nhưng giờ đây, ngày càng vắng bóng những người như nghệ nhân Jram (ở làng Ôr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) còn biết kể Hơ-moon và biết cách dựng nhà rông; hay như nghệ nhân Rơ Chăm Uêk ở làng Mơ-rông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, nghệ nhân Nay Phai (còn gọi là Ama San) ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa biết chỉnh chiêng...

Ai cũng biết nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền nhiều tri thức văn hóa quí giá. Nhưng thời gian không đợi. "Chuối chín cây, gió lay rơi rụng". Với nỗ lực của Hội Văn nghệ dân gian, thì những nghệ nhân - “báu vật nhân văn sống” dù được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, nhưng lại không có nguồn kinh phí để nuôi dưỡng, chăm sóc và trả thù lao để họ trao truyền di sản cho thế hệ tiếp nối. Trong khi phần lớn nghệ nhân đều tuổi cao, sức yếu và sống trong cảnh khó khăn.

Đầu năm 2011, Bộ VHTT&DL có văn bản đề xuất ban hành thông tư về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Cùng với một quy chế riêng để xét hồ sơ phong tặng, Bộ cũng đưa ra dự thảo về chế độ cho nghệ nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chính sách đãi ngộ với nghệ nhân vẫn nằm trên giấy. Chờ cho đến khi thông tư được ban hành, có lẽ nhiều nghệ nhân không còn sống nữa. Khi ấy, mọi chế độ đãi ngộ với những “báu vật nhân văn sống” liệu còn có ích gì?.

Theo VOV online
Các bài mới
Các bài đã đăng