Theo Bộ Công thương, ngoài hàng loạt các dự án mới bị đề nghị loại bỏ, đến nay vẫn có 340 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào vận hành hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng.
Ở Việt Nam các nguồn thủy điện lớn nhất nói chung đã được khai thác và hiện nay người ta đang chuyển hướng khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ ( công suất dưới 30 MW).
Tuy nhiên sau những vụ vỡ đập vừa qua, các thủy điện vừa và nhỏ đang trở thành tâm điểm của dư luận với hàng loạt câu hỏi đặt ra về chất lượng công trình, năng lực chủ đầu tư, năng lực quản lý và giám sát của cơ quan chức năng.
Các chuyên gia cho rằng, với những thủy điện vừa và nhỏ, hệ số an toàn đưa vào thiết kế là nhỏ, có nghĩa về bản chất, thiết kế thủy điện vừa và nhỏ kém an toàn so với thủy điện lớn.
Mặt khác, những thủy điện này hầu hết do tư nhân đầu tư, không có kinh nghiệm làm thủy điện nên chủ đầu tư chỉ thuê một số chuyên gia, mua máy móc thiết bị tiết kiệm nhất. Thậm chí, để có giá rẻ, không ít nhà đầu tư ăn bớt quy trình khảo sát, giảm thí nghiệm hiện trường, bớt xén các chỉ tiêu thí nghiệm nhằm giảm chi phí thiết kế.
Chính vì thế, chất lượng công trình kém, khoảng 10 - 20 năm sau, nhiều thủy điện vừa và nhỏ có nguy cơ gây ra những rủi ro lớn.
Trong khi đó công tác quản lý đang bị buông lỏng khiến người dân không thể yên tâm. Theo nhiều chuyên gia, UBND các tỉnh đã quá dễ dàng trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa chú ý nhiều đến các yếu tố về xã hội, môi trường, năng lực và kinh nghiệm của các nhà đầu tư... Bên cạnh đó, do thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý...đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư làm sai trái.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Kon Tum mới đây, đa số các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã không thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, hạng mục của các dự án như: Xây dựng khu tái định canh, định cư, đường dây tải điện, đường giao thông, mỏ đất đá phục vụ thi công.
Hoặc trong vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 vừa qua, khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, trực tiếp là Sở Công thương Gia Lai đã không nắm bắt được các yếu tố kỹ thuật về đảm bảo an toàn đập. Thậm chí, Sở Công thương cũng như Sở Xây dựng đều không phát hiện việc chủ đầu tư thay đổi thiết kế nhằm giảm chi phí đầu tư.
Với cấp quốc gia thì đến nay quy chuẩn quốc gia về thủy điện hiện vẫn chưa được hoàn thiện, cùng với đó là rất nhiều lỗ hổng trong quản lý lĩnh vực này.
Chẳng hạn khoản 1, điều 4 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Chính phủ ban hành có ghi: Dự án sử dụng vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư thì phải được giám sát, đánh giá đầu tư. Đối với dự án sử dụng vốn khác, việc giám sát, đánh giá đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định.
Như đã nói, hầu hết các dự án thủy điện vừa và nhỏ hiện do tư nhân làm chủ đầu tư, với công trình của tư nhân thì cơ quan quản lý của Nhà nước không được tham gia giám sát mà chỉ quản lý về mặt quy hoạch, khi xảy ra sự cố thì mọi chuyện đã muộn.
Cụ thể, khi thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) vỡ, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện chất lượng công trình quá kém.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khi nói về vấn đề này đã cho rằng, năng lực quy hoạch và quản lý phát triển thủy điện của cấp tỉnh còn rất yếu. Việc đảm nhiệm hoạt động quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, cấp phép và quản lý xây dựng, vận hành, bồi thường, tái định cư, trồng rừng thay thế còn nhiều bất cập, thậm chí có việc xem nhẹ quản lý và cấp phép dễ dàng. Do đó, việc giao thẩm quyền cho tỉnh là một vấn đề cần được xem xét.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp quy, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện, yêu cầu đảm bảo có quy trình tích nước, xả lũ an toàn, xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố...
Bên cạnh đó, phải có chương trình kiểm tra và đánh giá sớm, toàn diện và chính xác nhất về mức độ an toàn của các công trình này. Các đánh giá cần xác định mức độ tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật và quy trình quy phạm trong cả quá trình từ khâu quy hoạch, thiết kế đến thi công, quy trình vận hành và thực tế vận hành các công trình thủy điện.
Theo Trần Thủy( Vietnamnet)