Câu chuyện hôm nay
Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề: Đừng để chỉ là tiềm năng
14:53 | 04/10/2013

Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.

Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề: Đừng để chỉ là tiềm năng
Du khách xem trình diễn nghề gốm ở Phước Tích

Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình. Những làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Đó cũng là một cách giới thiệu sinh động về đất, nước và con người của mỗi vùng, miền, địa phương. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai.

Ở Việt Nam, làng nghề truyền thống chứa đựng tiềm năng dồi dào của loại hình du lịch chuyên khảo hấp dẫn. Ngành du lịch và các địa phương đang nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng đầu tư khôi phục, bảo tồn, phát triển các vùng làng nghề, xây dựng tuyến du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm nhằm thu hút du khách, qua đó vừa giới thiệu bức tranh muôn vẻ của làng quê đất nước, vừa đẩy mạnh hoạt động kinh tế thông qua "xuất khẩu tại chỗ" các mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều chuyện cần bàn. Và sản phẩm du lịch làng nghề vẫn chưa tự mình làm nên thương hiệu.

Làng nghề bao giờ cũng rất thu hút du khách

Thực trạng buồn

Những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam cũng được chú trọng, phát triển nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi làng nghề. Trên thực tế, du lịch làng nghề Việt Nam đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp.

Việt Nam có khoảng 3.000 làng nghề; trong đó có 400 làng nghề truyền thống gồm 53 nhóm nghề làm ra khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Tiềm năng là vậy nhưng khách đến làng nghề vẫn rất ít dù đã có khá nhiều chương trình tuor giới thiệu. Ở nhiều địa phương, mặc dù đã có chủ trương từ cấp quản lý gắn làng nghề với phát triển du lịch các làng nghề cũng đã có định hướng phát triển du lịch, thậm chí có tên trong sản phẩm tuor của các hãng lữ hành, song vẫn chưa có biến chuyển tích cực.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, tại các làng nghề này chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan nghèo nàn. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch chiếm ít nhất 25% thu nhập của làng. Bên cạnh đó, một số làng nghề hướng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông và môi trường còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, một thực trạng cũng cần được đánh giá đến đó là các làng nghề ở nước ta, nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng hàng nghìn “mỏ tài nguyên du lịch” ấy không cho ra nổi một sản phẩm đồ lưu niệm đặc trưng của du lịch Việt Nam. Các làng nghề ở Hà Nội như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động… có thể nói đã “ăn nên làm ra” nhờ xuất khẩu các đồ mỹ nghệ, nhưng việc “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch lại không được lưu tâm tới. Đối với việc phát triển du lịch làng nghề thì đây thực sự là một thiếu sót lớn, bởi các làng nghề quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn. Đó là chưa kể đến việc các sản phẩm còn quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.

Song tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Một điều dễ dàng nhận thấy rằng tiềm năng phát triển du lịch làng nghề là rất lớn, nhưng thế mạnh này lâu nay vẫn chưa được khai thác tốt vì nhiều lý do. Thực tiễn cũng cho thấy, với nhiều làng nghề, nhiều người thợ thủ công, những biện pháp, giải pháp mà cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương nêu ra là rất nhiều, có điều, để triển khai thực hiện, áp dụng vào thực tế thì họ lại không biết bắt đầu từ đâu.

Theo ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, mặc dù phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn còn ít kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống, văn hóa cư dân bản địa và xóa đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn. Điểm chung của các làng nghề là thường nằm ở trung tâm hoặc gần đô thị lớn, trục giao thông đường bộ, đường sông, do đó rất thuận tiện cho việc xây dựng tuyến du lịch làng nghề. Tuy nhiên, những làng nghề đã thu hút nhiều du khách chỉ mang tính tự phát. Nguyên nhân chính là các ban, ngành liên quan thiếu sự phối hợp cần thiết trong xây dựng, quy hoạch du lịch làng nghề.

Dù các đơn vị chức năng đã nhìn ra thực trạng này, nhưng cho đến nay, qua nhiều năm, việc phát triển du lịch làng nghề vẫn rất “manh mún” và gần như dậm chân tại chỗ. Rất nhiều làng nghề truyền thống có những sản phẩm độc đáo nhưng chưa khai thác được, thậm chí có nơi còn không có bóng dáng khách du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các ngành có liên quan như ngành Công thương, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải phối hợp chặt chẽ nhằm phát triển tốt hơn. Để đạt được mục tiêu như vậy thì còn rất nhiều việc phải làm.

Hướng đi nào cho du lịch làng nghề

Rõ ràng, tiềm năng phát triển du lịch làng nghề rất lớn. Nhiều địa phương cũng nhận thấy lợi ích khi phát triển làng nghề kết hợp du lịch, nhưng việc khai thác hiện nay quá hạn chế. Các địa phương vẫn loay hoay tìm cách phát triển du lịch làng nghề, dân làng nghề làm du lịch theo kiểu tự phát, còn khách du lịch vẫn tự tìm đến làng nghề là chính chứ ít đi theo tour. Vậy, đâu là hướng đi đúng cho phát triển du lịch làng nghề?

Lâu nay các cuộc hội thảo bàn về phát triển du lịch làng nghề vẫn chỉ thuần túy dựa vào đánh giá chủ quan của các cơ quan nhà nước hay giới nghiên cứu chuyên môn. Điều này, đôi khi đánh mất đi sự chính xác khách quan từ thực tiễn. Lẽ ra, các cơ quan chức năng cần tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách nước ngoài đối với hoạt động du lịch của các làng nghề. Việc này cần được khảo sát tỉ mỉ chứ không phải chỉ là vài ba nội dung chung chung, từ đó, chúng ta mới biết nhu cầu thật sự và những lời phiền trách của du khách là gì!

Cùng với đó một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến với các làng nghề đó là vấn đề môi trường. Bài toán đặt ra trong công tác quản lý làng nghề đã từ lâu nhưng chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Vấn đề môi trường làng nghề hiện nay đặt ra vấn đề là phải hoạch định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là từ chính quyền cơ sở. Phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn nhiều. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của những người làm du lịch, làng nghề muốn gắn với du lịch để phát triển phải có sự bắt tay của các doanh nghiệp. Các làng nghề phải có đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm và đưa khách đến. Hiện nay, xu hướng du lịch sáng tạo đang hấp dẫn, bởi thế, khách đến làng nghề không chỉ để ngắm nhìn, mua sản phẩm mà muốn được tham gia, học kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm. Điều quan trọng, các làng nghề phải giữ được nghệ nhân, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm các sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề. Trong làng phải có người am hiểu nghề, rành phong tục và văn hóa làng để giới thiệu đến du khách. Hơn nữa, trong việc phát triển gắn với du lịch, các làng nghề nên có hai khu vực, một khu trưng bày sản xuất các mặt hàng, một khu showroom để khách trải nghiệm kỹ thuật nghề, xem các nghệ nhân trình diễn.

Ngoài ra cũng cần có sự liên kết giữa các làng nghề, phải có sự kết nối sâu rộng giữa các làng nghề để khai thác triệt để những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Đây còn là phương thức nhân lên sức mạnh thương hiệu, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển làng nghề trong hội nhập. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ theo hai hướng: Hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho các du khách.

Đặc biệt, cần chú trọng quảng bá du lịch làng nghề. Đây là khâu quan trọng, quyết định để hình ảnh làng nghề đến được với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan các Làng nghề truyền thống Việt Nam. Tour du lịch làng nghề là dịp được khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức phường, hội riêng của các làng nghề truyền thống trên khắp miền đất nước.

Xin được mượn lời của GS Hoàng Chương để khép lại bài viết này: Làng nghề là làng văn hóa, bao giờ giá trị nhân văn và thẩm mỹ cũng đi đầu. Làng nghề muốn tồn tại, phát triển thì phải nâng tầm văn hóa và thẩm mỹ nghệ thuật. Làng nghề cũng phải phát triển theo lịch sử phát triển của đất nước và con người, còn nếu dậm chân tại chỗ thì… khó lòng tồn tại.

Theo Thiên Long

Các bài mới
Các bài đã đăng