Dồn dập các tin báo vỡ đập, xả lũ khẩn cấp khiến phố phường, làng mạc chìm sâu dưới biển nước đục ngầu, dân chúng phải bỏ của chạy lấy người hoặc mất mạng trong dòng xoáy. Công luận đặt câu hỏi: Vì sao hồ đập thủy lợi, thủy điện được xây dựng vì lợi ích cộng đồng, lại trở nên nguy hiểm đến như vậy?
Liên tục trong nhiều thập kỷ, cả nước rầm rộ phong trào vận động toàn dân khai hoang, đào hồ đắp đập làm thủy lợi, mở rộng cánh đồng, đẩy mạnh sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng lương thực tăng vùn vụt không những đẩy lùi được nạn đói sau chiến tranh, mà còn đưa Việt Nam vào top những quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản.
Nước tràn đập dọa vỡ hồ chứa. |
Tuy nhiên, mặt trái của phong trào ấy, là sức ép về trách nhiệm bảo đảm an toàn hồ đập ngày càng đè nặng ngân sách. Dự kiến lạc quan ban đầu về việc tự dùng nguồn thu thủy lợi phí để nuôi dưỡng hồ đập đã bất thành. Thực tế khoản thủy lợi phí ít ỏi thu được nhiều nơi chỉ đủ trả phụ cấp cho đội ngũ thu phí và vận hành hồ đập, không bù đắp nổi phần bảo dưỡng duy tu, thiết chế quản lý với đầy rẫy bất cập nên số hồ đập sứt sẹo, già cỗi ngày càng lớn.
Ở các tỉnh miền núi, đa số hồ đập được xây dựng trên cao nên đều có thể trở thành “bom nước” khi bị kích nổ bằng thiên tai mưa bão. Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung hiện có 153 hồ chứa nước xuống cấp nghiêm trọng, trong đó 53 hồ “báo động đỏ”, nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Vùng miền nào cũng khẩn thiết đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí sửa chữa hồ đập, đưa vấn đề vào chương trình mục tiêu quốc gia hoặc vay vốn ODA rót về.
Riêng một tỉnh cao nguyên như Đắk Lắk đã có tới 539 hồ chứa với tổng dung tích trữ nước 1,7 tỷ m3, trong đó 15 hồ thủy điện, 524 hồ thủy lợi. Đặc điểm địa hình dạng bậc thang, trên mỗi nguồn suối, dòng sông đều có nhiều hồ chứa.
Chỉ cần sự cố xảy ra trên một hồ thượng nguồn là có thể xảy ra cả chuỗi sự cố dây chuyền với các hồ bên dưới. Đập thủy điện thường được bảo vệ chặt chẽ bằng nguồn tiền bán điện, chứ đập thủy lợi muôn thuở phải ca bài xin-cho vì không tự nuôi nổi!
Thiếu ngàn tỷ, mất vạn tỷ!
Bom nước nhấn chìm làng mạc. |
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ lũ lụt do các bom nước hồ đập gây ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Nhưng thực tế, thì số bom nước tiếp tục dọa vỡ còn cao hơn rất nhiều lần.
Tình trạng chung của nhiều hồ đập thủy lợi tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên hiện nay là rò rỉ nước qua thân đập, cửa xả nước bị rỉ sét, lòng hồ bồi lắng, tràn xả lũ xói lở, bể tiêu năng và cống lấy nước bị lún .v…v… Điều đáng báo động là rất nhiều hồ đập bị tỉnh khoán trắng cho huyện xã quản lý bằng lực lượng không có chuyên môn nghiệp vụ. Tới khi xảy ra sự cố mới đổ lỗi cho nhau thì hậu quả đã vô cùng khốc hại.
Sự cố xả lũ khẩn cấp làm ngập lụt, vỡ cầu trôi cống ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk mới đây vào sáng 17/9/2013, có liên quan tới vụ lũ quét cuốn trôi cả 8 mạng người dưới hạ nguồn cách đó gần 60km ở xã Cư Kbang huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào trưa cùng ngày, đã buộc nhà chức trách phải bừng tỉnh.
Hồ thủy lợi Ea Đrăng dung tích thiết kế 1,2 triệu m3 nằm trên đầu nguồn thị trấn hơn 2 vạn dân cùng các huyện xã khác dưới hạ lưu, từ lâu đã giao cho 2 anh bảo vệ không hiểu gì về các nguyên tắc thủy lợi trông coi.
Hậu quả là khi nước lũ đổ về quá cao, tràn qua đỉnh đập đất, lượng nước chứa trong hồ trên tới cỡ 3 triệu m3 thì quan chức địa phương mới biết. Lệnh xả khẩn cấp ban ra, nguồn điện bị cắt từ lâu không đấu lại được khiến hàng chục người phải dùng sức quay tời suốt 3 tiếng để nâng dần hai cửa van cung xả lũ, cứu nguy cơ vỡ đập.
Kết cục là hàng loạt nhà cửa, hoa màu, cầu cống, nhân mạng bị cuốn trôi. Họp rút kinh nghiệm, quá nhiều lỗ hổng trong cung cách quản lý được lãnh đạo các cấp rút ra, nhưng những tổn thất về người và của không gì bù đắp được.
Trong Hội nghị an toàn hồ chứa do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì mới đây, nghe địa phương nào cũng kêu ca về kinh phí duy tu bảo dưỡng, Bộ Tài chính khẳng định hoàn cảnh kinh tế hiện nay chỉ có thể “liệu cơm gắp mắm”, nên sẽ đề xuất Thủ tướng cho ứng trước 525 tỷ đồng của năm 2014 để hỗ trợ các tỉnh nghèo sửa chữa những công trình cấp bách. Con số quá nhỏ so với nhu cầu vẫn không xua nổi hoài nghi: Liệu hơn nửa nghìn tỷ ấy có khỏi bị xà xẻo thất thoát, để được sử dụng đúng mục đích gỡ ngòi bom nước hay không ?!
Nhiều hồ đập nguy cơ nứt vỡ - Nghệ An có 625 hồ chứa tổng dung tích hơn 387 triệu m3 nước, đa số qua sử dụng trên dưới 40 năm. Hiện có tới 500/625 đập và thành hồ sạt lở, thấm, nứt, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào trong mùa mưa. Để sửa chữa, cần hàng nghìn tỷ nhưng ngân sách mỗi năm chỉ cấp được 7-8 tỷ. Ngày 11/9/2013 đập Tây Nguyên bị vỡ gây thiệt hại lớn ở huyện Quỳnh Lưu . - Hà Tĩnh có 345 hồ chứa lớn nhỏ, 57 đập dâng với tổng dung tích trên 785,6 triệu m³ nước. Trong số đó, 100 hồ chứa và đập nhỏ đã xuống cấp, đặc biệt 17 hồ đập lớn như Đá Bạc, Khe Cò, Khe Xanh, Bộc Nguyên, Hượng Tuy, Đập Tràng, Đập Bến, Khe De, Vực Rồng... đã báo động đỏ . - Quảng Bình và Quảng Trị có 277 hồ thủy lợi phần lớn hư hỏng, xuống cấp. Trong đó có những đại công trình thủy nông xây dựng từ thế kỷ trước như hồ Thạch Hãn, Rào Quán, La Ngà... giờ thân đập đang dần rỗng, nứt vì mối đùn, sạt mái . - Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích gần 500 triệu m³. 56/73 hồ đập do huyện và xã quản lý, không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành thủy lợi nên việc quan trắc, đo đạc mực nước, lưu trữ tài liệu, hồ sơ quản lý hồ gần như bỏ trắng. - Thừa Thiên - Huê có hồ chứa nước Phú Bài 2 dung tích hơn 6 triệu m³ được xây dựng cách đây hơn 30 năm, hiện phần thân đập có hàng chục điểm bị rò rỉ, dấu hiệu dẫn đến nguy cơ nứt vỡ khiến người dân dưới hạ du lo sợ đêm ngày. Nguồn: Báo cáo từ Chi Cục thủy lợi các địa phương
|
Riêng một tỉnh cao nguyên như Đắk Lắk đã có tới 539 hồ chứa với tổng dung tích trữ nước 1,7 tỷ m3, trong đó 15 hồ thủy điện, 524 hồ thủy lợi. Đặc điểm địa hình dạng bậc thang, trên mỗi nguồn suối, dòng sông đều có nhiều hồ chứa. Chỉ cần sự cố xảy ra trên một hồ thượng nguồn là có thể xảy ra cả chuỗi sự cố dây chuyền với các hồ bên dưới. Đập thủy điện thường được bảo vệ chặt chẽ bằng nguồn tiền bán điện, chứ đập thủy lợi muôn thuở phải ca bài xin-cho vì không tự nuôi nổi !
|
Theo Hoàng Thiên Nga - TPO