Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị phát động học tập, noi theo tấm gương cao quý và mẫu mực vị Đại tướng anh minh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tất cả những kiến nghị này, theo ông Kim là xuất phát từ tâm nguyện của nhân dân.
- Phóng viên: Hẳn ông cũng như hàng triệu người dân Việt Nam vẫn đang giữ những cảm xúc lắng đọng về lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
>> Ông VŨ TRỌNG KIM: Tôi cũng như bạn, nhận tin Đại tướng mất thì rất bàng hoàng. Dẫu biết Đại tướng đã vào viện từ năm 2009, tuổi cũng đã cao nên ngày Đại tướng về với Bác Hồ cũng phải đến. Thế nhưng Đại tướng ra đi vẫn để lại khoảng trống lớn trong tất cả chúng ta, để rồi từ đó, mọi câu chuyện ở bất cứ đâu cũng đều xoay quanh Đại tướng với tất cả sự kính thương, quý mến. Chúng ta đều nhớ, ngay khi Đại tướng từ trần, mọi người đều mong Trung ương quyết định quốc tang để nhân dân cả nước được có cơ hội tưởng nhớ Đại tướng, ghi khắc mãi mãi thời khắc lịch sử đó. Và thực tế với hàng triệu người viếng Đại tướng tại tư gia, tại nhà tang lễ quốc gia, các điểm viếng ở Quảng Bình, TPHCM... là hoàn toàn tự nguyện với tất cả trái tim của người dân, một sự ngưỡng mộ chân thành. Người dân từ cụ già đến cháu nhỏ đều hiểu về Đại tướng rất nhiều, không chỉ là qua sách báo mà là sự truyền tụng từ lâu.
Tôi nhớ ngay khi chiến trường miền Nam ác liệt nhất, chúng tôi tham gia du kích, rồi thanh niên xung phong, đi kháng chiến..., hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tất cả mọi người rất đặc biệt.
Chúng tôi nhìn vào vị Tổng tư lệnh và thấy được chiến thắng, nên dù gian nan nhưng lúc đó chúng tôi vẫn tin vào chiến thắng. Hình ảnh của các bà, các mẹ, các chị gom từng nắm gạo để nuôi quân trong kháng chiến thực ra là rất gần với hình ảnh những người dân tự nguyện đóng góp hỗ trợ cho nhân dân đồng bào miền Trung bị bão số 10 vừa qua. Rồi khi Đại tướng ra đi, thì chính người dân lại ủng hộ cho dòng người đang xếp hàng cả ngày qua từng tấm bánh, chai nước... như là một sự tiếp sức để đồng bào đến được với Đại tướng. Dòng người đến với Đại tướng như là vô tận. Đồng bào khắp nơi trên cả nước, ở nước ngoài đã đến bên nhau để cùng tưởng nhớ Đại tướng. Đây là dịp chúng ta thấy rõ nhất biểu hiện đầy đủ nhất của tinh thần đoàn kết dân tộc, yêu nước, của ý chí bảo vệ độc lập tự do. Vì nói tới Đại tướng là nói đến cuộc chiến giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh hàng triệu người dân ngồi bên nhau để nhớ về Đại tướng khiến tôi nghĩ đến hình ảnh người dân sát cánh bên nhau. Có thể hiện nay, nhất là trong tình hình còn nhiều khó khăn, đây đó còn nhiều trăn trở, nhiều người thế này thế khác... khiến nhân dân không hài lòng. Nhưng vượt lên trên tất cả, người dân đã nắm tay nhau để cùng ngưỡng mộ biểu tượng chiến thắng của dân tộc, thì đó chính là cái phúc lành mà Đại tướng đã để lại cho chúng ta. Nhân dân ngưỡng mộ Đại tướng chính là ngưỡng mộ dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất.
- Trước sự ra đi của Đại tướng, một sự mất mát lớn lao của cả dân tộc Việt Nam, MTTQVN có phát động một chương trình hành động nào không, thưa ông?
Mất mát thì không thể gọi là cơ hội, nhưng trong mất mát có thể nói lên sự quật khởi, vì đó là lúc biểu thị, bộc lộ được lòng dân nhiều nhất. Đó chính là lý do mà MTTQ đề nghị Đảng, Nhà nước, Mặt trận phát động học tập, noi theo tấm gương cao quý và mẫu mực vị Đại tướng anh minh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bất cứ ai cũng có thể học tập được Đại tướng ở những phẩm chất đáng quý. Và quan trọng hơn, qua phong trào sẽ hun đúc lên, làm dày hơn nữa sức mạnh của nhân dân, khi nhân dân hấp thụ được những phẩm chất tiêu biểu của người lãnh đạo, mà Đại tướng là người tiêu biểu. Với thế trận lòng dân tin tưởng vào tượng đài Đại tướng, cùng đoàn kết lại thì chúng ta sẽ đi xa hơn trong cuộc “trường chinh” xây dựng đất nước.
- Phải chăng tang lễ của Đại tướng cũng là một dịp để nhiều cán bộ lãnh đạo, nhất là những người thuộc “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa” nhìn vào đó mà điều chỉnh hành vi của mình, rằng phải sống vì dân thì mới được dân thương?
Đúng thế, tôi cho đây là một dịp để nhiều người nhìn lại mình, tự thức tỉnh bản thân và điều chỉnh mình. Nhưng tôi cũng muốn nói đến một khía cạnh khác. Cuộc đời ai cũng có sai lầm, vấp ngã. Nhiều người sau vấp ngã đã biết nhìn lại và hối hận. Đó là một thực tế. Cho nên những gì gọi là tha hóa, mất mát thì cần tạo cho họ cơ hội để vượt qua chính mình. Vì tương tác xã hội là rất quan trọng, một môi trường xã hội tốt thì những con người đó sẽ được níu kéo và đi lên. Không có cái gì gọi là mất mát hoàn toàn khi vẫn có thể cứu vãn. Truyền thống dân tộc ta là nhân văn, vị tha. Vì thế có thể áp dụng nhuần nhuyễn giữa những nguyên tắc và quy luật cuộc đời để thức tỉnh những người có sai lầm. Nhiều người sau khi bừng tỉnh đã vượt qua chính mình, lại trở nên là người mạnh mẽ nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có cách ứng xử của một nhà văn hóa. Tôi đã được nghe kể về câu chuyện có một tướng cấp dưới phải thi hành kỷ luật, lên báo cáo, Đại tướng nói: kỷ luật phải thi hành nhưng cũng phải làm rõ vấn đề cho rõ đầu đuôi. Và Đại tướng nói: “Việc kỷ luật cũng chỉ là nhắc nhở, còn chính người phạm luật mà sửa được thì sau này là người giỏi nhất”.
- Lâu nay khi nói về giới trẻ chúng ta thường có một nỗi lo lắng là các em bây giờ mải mê với những giá trị thực dụng của cuộc sống hiện đại mà thiếu đi ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống, lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, thông qua việc có hàng vạn, hàng vạn bạn trẻ đã xếp hàng cả ngày lẫn đêm để đến viếng, khóc thương Đại tướng thì nhiều người lại tin tưởng hơn vào họ. Ông có nhận xét gì?
Chúng ta - những người đi trước cần luôn luôn giữ vững lòng tin vào thế hệ trẻ, giao cho họ những trọng trách, họ sẽ tự khẳng định mình, góp sức và sự nghiệp chung. Bởi thế hệ trẻ không bao giờ mất đi ý thức cội nguồn và sự bứt phá, sáng tạo của họ chính là thứ để họ đóng góp cho cuộc sống hôm nay. Ý thức cội nguồn sẽ giúp thế hệ trẻ giữ được sức mạnh của mình để đi tới tương lai. Chúng ta đừng bao giờ thiếu niềm tin vào giới trẻ. Có thể chỗ này chỗ kia có những việc này việc khác, nhưng chắc chắn giới trẻ không bao giờ đánh mất ý thức cội nguồn của mình. Vì thế, hãy giữ vững niềm tin rằng lớp trẻ sẽ làm tốt nhiệm vụ tiếp nối truyền thống cha ông. Chỉ khi được tin tưởng một cách đầy đủ thì họ sẽ có đủ xung lực để bứt phá lên. Còn nếu chúng ta thiếu niềm tin thì tinh thần của lớp trẻ sẽ không được như mong muốn.
- Xin cảm ơn ông!
Theo LÂM NGUYÊN ( SGGP)