Tại Đà Nẵng, được sự uỷ quyền của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Công nghệ Thông tin vừa tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý chất lượng sản phẩm văn hóa qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”.
Tham dự Hội thảo có trên 150 đại biểu đại diện các Cục, Vụ, Viện, các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL, các Trung tâm chiếu phim, các hãng phim nhà nước và tư nhân, Phòng Quản lý Xuất phập khẩu trực thuộc Bộ VHTTDL và đại diện Tổng cục Đo lường Chất lượng, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Đông đảo các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ đã tới dự Hội nghị - Hội thảo, đại diện các Sở VHTTDL, UBND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 theo qui định gồm: ấn phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật tại lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm và kiểm tra nhập khẩu phim.
Đánh gíá sự ảnh hưởng của chất lượng sản phẩm văn hóa trong đời sống tinh thần hiện nay.
Hội thảo cũng nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong việc đánh giá và xác định tầm quan trọng của việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá thuộc lĩnh vực văn hóa.
18 bản tham luận công phu đã được gửi về Ban tổ chức và được trình bày tại Hội thảo. Các tham luận đã đề cập tới những nội dung căn cốt về tầm quan trọng thiết yếu của văn hóa, về chất lượng các sản phẩm văn hóa thuộc đủ mọi loại hình văn hoá- văn học- nghệ thuật gồm: sách- âm nhạc- hội họa điêu khắc- sân khấu- điện ảnh… Những ý kiến tại Hội thảo không chỉ trên phương diện lý luận mà còn nêu nhiều liên hệ, dẫn chứng rất đang diễn ra trong lĩnh vực đời sống văn hoá- nghệ thuật hiện nay của nước ta giữa bối cảnh mở cửa, hội nhập toàn cầu và cơ chế thị trường. Đặc biệt những suy nghĩ sâu sắc về chất lượng sản phẩm văn hóa và chất lượng các hoạt động văn hóa, quy chuẩn văn hóa phẩm Việt Nam trong thế giới hiện đại, trong cơn bão thông tin toàn cầu cũng cũng đã được trình bày tại Hội nghị - Hội thảo.
Nhà LLPB Ngô Thảo- nguyên Phó tổng thư ký Hội Sân khấu Việt Nam cho rằng, trong xã hội hiện đại, người làm tiêu chuẩn và quy chuẩn cho văn hóa không thể yên tâm với những văn bản đã ban ra mà còn phải cập nhật những phát triển nhanh chóng của cơ sở vật chất của từng loại hình văn hóa nghệ thuật. Ngay một ngành rất cổ điển như xuất bản sách văn học nghệ thuật (Lĩnh vực này có một bộ phận do Bộ Thông tin- Truyền thông quản lý) cũng có rất nhiều vấn đề từ chất liệu giấy, mực, máy in, kỹ thuật in các loại sách trên các chất liệu khác nhau, đến sách điện tử, rồi vấn đề bản quyền trên mạng…Từ thực tiễn hoạt động của Văn hóa và VHNT hiện nay, đòi hỏi những người làm tiêu chuẩn- quy chuẩn của Nhà nước cho các vật chất được sử dụng trong lĩnh vực phải hết sức sâu sát tình hình cụ thể và linh hoạt trong các công thức ngôn từ để tạo điều kiện cho VHNT nước nhà phát triển tươi tốt.
“Điều chắc chắn phải có là mỗi thời kỳ phát triển, xã hội nói chung và văn hóa cũng cần có những tiêu chí xã hội rõ ràng, minh bạch để người dân cũng như người làm nghề biết để an tâm trong cuộc sống, trong tìm tòi, sáng tạo và thưởng thức. Trên thực tế người ta không thể đòi cái mà điều kiện cũng như quy chuẩn xã hội không cho phép. Nhưng như đã nói, đời sống văn hóa trong xã hội đương đại với nhiều biến động mới và đang diễn biến liên tục, đòi hỏi các cơ quan quản lý có một cách nghĩ khác, cái nhìn khác về cái gọi là tiêu chuẩn, quy chuẩn trong văn hóa và hoạt động văn hóa.
Trong xã hội hiện đại, khi mở cửa, hòa nhập với cộng đồng quốc tế, gìn giữ các bản sắc dân tộc, nhưng cũng không thể kỳ thị, tự cô lập, theo những tiêu chí quá riêng biệt…Muốn thế giới tôn trọng bản sắc văn hóa của mình khi giới thiệu ra với quốc tế, thì cũng không thể tùy tiện nhân danh tiêu chuẩn, quy chuẩn của mình mà cắt xén, sửa đổi nguyên tác của người ta.
Đặc điểm của sáng tạo trong văn hóa cũng như VHNT là mặc dù không xa rời truyền thống, nhưng một tác phẩm mới bao giờ cũng là một cái gì đó không thể đo bằng những thước đo đã có. Cả về hình thức, vóc dáng, chất liệu, quy mô, loại hình,.. Và đó chính là bài toán, là lời thách đố thường trực của bản chất sự sáng tạo đặt ra cho những người, những cơ quan quản lý khi định vị các tiêu chuẩn-quy chuẩn cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa”- Nhà LLPB Ngô Thảo khẳng định.
Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Thời mở cửa, hội nhập toàn cầu cùng với cơ chế thị trường đã đụng chạm tới mọi quan niệm về sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa. Và như thế, ở một góc độ nào đấy, thời toàn cầu hóa là thời mà nhiều thứ thuộc lĩnh vực văn hóa (sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa) được đưa ra thị trường và đều có nguy cơ trở thành hàng hóa và nó vượt qua mọi biên giới. Cùng một lúc nhân loại có thể cùng xúc động hay phẫn nộ về một thông tin, một hình ảnh được phóng ra trên xa lộ thông tin phẳng, không biên giới của hành tinh này. Không còn là luồng gió mới nữa, mà giờ đây đã là những cơn bão thông tin toàn cầu. Những biến loạn trong đời sống chính trị - xã hội do tác động của các phương tiện truyền thông mới, không còn là cảnh báo xa vời, mà đã là những sự thực nhãn tiền”.
Lấy ví dụ về những mặt trái mà thông tin đem lại như vụ Lê Văn Luyện, kẻ giết hại dã man cả nhà chủ tiệm vàng Ngọc Bích - Bắc Giang vậy mà có thời điểm hình ảnh Luyện tràn lan trên không ít báo mạng, trên nhiều trang web như những đám mây đen tích điện trên bầu trời thông tin. Luyện được một bộ phận giới trẻ xem như "người hùng", làm thơ, viết nhạc ca ngợi tạo ra sự phản cảm ghê gớm... Lê Tuấn Anh, kẻ đã hiếp dâm, giết chết và vứt xác em Nguyễn Thị Bích Ngọc, đang là học sinh THPT, quê ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa xuống sông đã "hồn nhiên" trả lời các điều tra viên: "Cháu là họ hàng với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm một điều gì đấy giống anh ấy". Lê Tuấn Anh ở mãi tận vùng đất xa xôi (Thanh Hóa) cũng biết rõ "sát thủ máu lạnh" Lê Văn Luyện ở tận Bắc Giang. Thời Internet vươn tới ngõ xóm, bờ tre. Thông tin, hình ảnh vụ án tải về làm rúng động làng quê...
Bởi vậy, theo nhà báo Trần Mai Hạnh, trong cơn bão toàn cầu về thông tin, để nâng cao chất lượng thông tin, ba yếu tố minh bạch - kịp thời - trách nhiệm mới là những thành tố quan trọng cấu thành nhịp thở yên bình cho xã hội.
Các diễn giả giành nhiều tâm sức cho Hội thảo.
Gửi tham luận đến hội thảo, GS Đình Quang- nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng: “Hiện nay sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của ta cũng lại đang thiên về các loại hình văn hóa đại chúng, các cuộc thi ca nhạc và múa nhảy khác nhau, các cuộc thi sắc đẹp liên tục diễn ra …lấn lướt các loại hình văn hóa nghệ thuật chính thống, bác học khác. Những chuyện “rối ren” trong đời sống văn hóa nghệ thuật cũng thường xảy ra trong giới văn hóa đại chúng này. Đó là một hiện tượng phiến diện cần chú ý nếu muốn nhân dân ta đạt được một trình độ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật thực sự”.
Để đạt được trình độ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, theo GS Đình Quang, nhất thiết phải có sự giáo dục, tu dưỡng nhất định. “Phải bắt đầu có sự bồi dưỡng tự nhiên từ lời ru của mẹ, câu chuyện cổ tích của bà và chương trình giáo dục thường thức văn hóa nghệ thuật của nhà trường nhưng yêu cầu này trong hệ thống giáo dục và truyền thông của ta còn khá mỏng manh. Người mù họa điếc nhạc, lười đọc…ở ta hiện nay không ít, so với các nước phát triển là một điểm yếu khá rõ”- GS Đình Quang nhận định.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề cập đến những vấn đề về định hướng xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam về lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thư viện, lĩnh vực điện ảnh, lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh; vấn đề bản quyền đối với các sáng tạo VHNT và sản phẩm văn hoá, vấn đề dấu ấn văn hoá, tiêu chuẩn, định chuẩn văn hóa trong các sản phẩm lưu niệm phục vụ cho du lịch, kinh tế cùng những vấn đề về quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu văn hóa và kiểm tra nhập khẩu phim…Họa sỹ Lê Thiết Cương đã chia sẻ về sự thiếu mỹ thuật trong các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Họa sỹ chia sẻ, vừa qua, anh có dịp đi khảo sát hầu hết các làng nghề thủ công ở khu vực Hà Nội, một điều đáng tiếc là các sản phẩm lưu niệm đều rất xấu. Trong khi đó, ở ngay Bờ Hồ, hàng lưu niệm nào thành công thì đều có sự quản lý của người nước ngoài. Họ sử dụng chất liệu của ta, tay nghề của ta cộng với thiết kế mỹ thuật của họ nên có những tác phẩm lưu niệm đẹp. Còn các hàng lưu niệm của ta thì không bán được cho du khách vì sự cẩu thả trong sáng tạo. Lấy ví dụ trên cộng với việc nhiều triển lãm mỹ thuật với các tác phẩm chưa đủ tầm làm ảnh hưởng tới thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, theo họa sỹ Lê Thiết Cương, nhất thiết phải có sự chặt chẽ hơn trong kiểm duyệt cấp phép triển lãm. Theo đó, tranh xấu thì không được cấp phép triển lãm- Họa sỹ Lê Thiết Cương bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm này, đạo diễn Hữu Mười (Hãng phim truyện Việt Nam) cũng cho rằng, những tác phẩm điện ảnh kém chất lượng, hài nhảm, “thảm họa” đang hạ thấp thị hiếu thưởng thức của người dân. Đạo diễn Hữu Mười cũng cho rằng, không chỉ nên cấm những tác phẩm điện ảnh có tính bạo lực, mà phải xem xét những phim “thảm họa” trong danh mục cấm.
Ông Mai Linh- Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc, Trưởng BTC hội thảo nhận định: “Không ai đo văn hóa bằng các kích cỡ tỉ lệ quy chuẩn lạnh lùng. Nên khi làm Hội thảo này, chúng tôi trăn trở câu hỏi, lấy gì để đo văn hóa? Nhưng nhất thiết vẫn phải có quy chuẩn để nhận dạng sản phẩm văn hóa. Trong một ngày bàn luận sôi nổi, hội thảo đã động chạm đến tất cả các lĩnh vực mà ngành văn hóa quản lý (trừ di sản). Văn hóa là cái gương chiếu hậu, điều khiển một chiếc xe mà không có gương chiếu hậu thì không biết rẽ trái, rẽ phải sẽ ra sao! Chúng tôi sẽ nghiên cứu dựa trên những kiến thức, những đóng góp tại hội thảo để xây dựng một quy chuẩn nhận diện văn hóa sao cho các nhà quản lý quy chuẩn chịu được và các nhà văn hóa thấy phù hợp”.
|
||||||
Theo Tổ quốc
|