Câu chuyện hôm nay
Tôn sư nhưng phải trọng đạo
10:27 | 18/11/2013

Một mùa tri ân, tôn vinh nghề dạy học nữa lại về, cả xã hội đang hướng đến những người “chèo đò” trên dòng sông tri thức bằng những suy nghĩ, bằng cả việc làm theo cách nghĩ.

Tôn sư nhưng phải trọng đạo
Đạo thầy trò từ xưa đã là một thứ đạo theo đúng cách: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Trọng thị và thiêng liêng, chỉ sau đạo hiếu.
 
Sự trọng thị nghề dạy học theo thời gian ngày một phát triển, vậy nên ở nhiều nơi, với nhiều người đã có sự thay đổi trong ứng xử, khiến không còn trọn vẹn ý nghĩa của đạo học. Trình tự lễ nghi, cách thức thể hiện cũng phôi pha đi rất nhiều.
 
Quan niệm nho giáo phong kiến trước kia khiến người thầy luôn có một vị trí đặc biệt, và giữa thầy và trò luôn giữ một khoảng cách nhất định, không thể vượt qua. Đó là sự hạn chế ít nhiều, nhưng nó cho thấy một trật tự, tôn ty. Thời buổi dân chủ, cơ chế thị trường len lỏi vào học đường, nhiều khi lại trở nên quá chớn, khoảng cách, đạo lý thầy trò đôi lúc trở nên rất mong manh, dễ đổ vỡ.
 
Trước đây mỗi năm chỉ có một dịp để trò bầy tỏ sự hiếu kính với thầy, đó là ngày tết. Còn bây giờ thì sự hiếu kính có thể diễn ra bất cứ lúc nào nếu thấy cần, và nhiều người cũng không còn quá cầu kỳ, chú trọng trong phần quà sao cho văn hóa, ý nghĩa nữa. Nó được cụ thể hóa bằng đồng tiền, sức nặng của vật chất. Và cũng chính bởi đồng tiền thay cho tình cảm, khiến tình cảm trở nên dễ bị điều chỉnh.
 
Nhiều phụ huynh đã lấy đồng tiền để con cái mình thể hiện sự tôn sư vào những dịp lễ, tết, cả trong những lần nộp tiền học thêm tại nhà, thậm chí là xin thêm điểm. Và chính bởi vậy đã làm mất đi sự trọng thị, trang nghiêm của môi trường giáo dục, khiến học trò nhìn về người thầy của mình bằng con mắt cũng khác. Từ đó chúng thường ỷ vào phương tiện là đồng tiền mà bỏ bê học tập. Nguy hại hơn còn tiêm nhiễm vào đầu con trẻ một thói xấu về sự bán - mua từ khi chúng còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần hình thành nên thói quen chạy chọt, lụy cầu bằng “cửa sau” trong tư duy của chúng.
 
Xã hội ngày càng chứng kiến nhiều vụ việc bạo lực, thiếu văn hóa trong ứng xử giữa thầy và trò, trong đó có một nguyên nhân từ việc đồng tiền đặt không đúng chỗ, sử dụng chưa đúng cách.
 
Trong suy nghĩ của không ít phụ huynh, rằng để con cái được quan tâm, bên cạnh tình cảm cũng cần phải có chất xúc tác vật chất. Điều đó chỉ phù hợp với những nhà giáo thực dụng, xuống cấp về giáo đức.
 
Trong môi trường giáo dục vẫn có nhiều nhà giáo liêm chính, ngày ngày cần mẫn “chèo đò” trên dòng sông tri thức đưa lớp lớp học trò sang sông, lấy sự đỗ đạt của học trò làm niềm vui. Còn có những giáo viên đã rời bục giảng vẫn đem kiến thức, kinh nghiệm của mình góp sức cho đời mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.
 
Vậy nên chúng ta không nên đánh đồng, tráo đổi từ hiện tượng thành bản chất. Càng không nên tôn sư theo cách nghĩ thực dụng: Muốn con hay chữ thì dầy phong bao... mà làm hỏng đi đạo học, tổn thương đến nghề cao quý nhất trong những nghề.
 
Chỉ còn vài ngày nữa là 20/11 cả nước hướng về nhà giáo, cần làm điều gì đó trọng thị và văn hóa, tránh việc tôn sư nhưng không trọn đạo.
 
Theo Võ Mạc Phù

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng