Mặc dù được “mệnh danh” là vùng đất có nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống lâu đời nhưng thiết chế văn hóa của Thừa Thiên- Huế đang còn nhiều bất cập. Nhiều địa điểm biểu diễn nghệ thuật chưa xứng tầm với các sự kiện quốc gia, quốc tế; hệ thống nhà văn hóa (NVH) ở các cấp được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Xây từ năm 1960 và đến nay… vẫn thế
Nằm ngay tại trung tâm TP Huếlà hai địa chỉ biểu diễn nghệ thuật: Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (TTVHTT) và Trung tâm Văn hóa TP Huế(TTVH) nhung cả hai lại đang xuống cấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều chương trình nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế.
TTVHTT tỉnh được xây dựng từ những năm 1970 theo dạng là trung tâm văn hóa đa chức năng, vừa biểu diễn nghệ thuật vừa hội nghị. Thế nên, hệ thống lọc âm của trung tâm này chưa đạt chuẩn. Năm 2011, đây là nơi được chọn làm địa điểm biểu diễn của đợt lưu diễn Chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt.
Thế nhưng, với chất lượng cách âm của tòa nhà không đạt chuẩn này đã khiến người xem không khỏi thất vọng; đó là chưa nói diện tích sân khấu chưa đủ chỗ để cả dàn nhạc thính phòng biểu diễn. Không chỉ vấn đề thiết kếvà xây dựng, TTVHTT tỉnh hiện cũng “đa chức năng” với không gian dành cho các lớp học về thể dục nhịp điệu, thể hình…
Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên- Huếcho rằng hệ thống lọc âm của tòa nhà không tốt, âm thanh bị dội nên TTVHTT tỉnh chỉ thích hợp với các cuộc mít-tinh, hội nghị; chứ không thể là nơi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Cũng là địa điểm chuyên biểu diễn nghệ thuật, nhưng TTVH TP Huế(hay còn gọi là Rạp Trần Hưng Đạo) trông nhếch nhác và xuống cấp, hư hỏng. Đơn vị quản lý đã nhiều lần chống thấm dột, mối mọt nhưng tình trạng vẫn không cải thiện đáng kể. Khu hoạt động ngoài trời chưa được đầu tư xây dựng, các phòng hoạt động chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu, sân khấu biểu diễn, phòng khán giả không đạt chuẩn…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc TTVH TP Huếgiãi bày: “Từ lúc xây dựng (năm 1960-PV) đến nay, thực trạng cơ sở vật chất của trung tâm vẫn chưa thay đổi nhiều. Những năm vừa qua, UBND TP Huếcũng đã quan tâm và đầu tư kinh phí sửa chữa nhưng do ngân sách ít ỏi nên việc tu sửa cũng chỉ mang tính chắp vá”.
Năm 2012, Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc đã diễn ra tại đây và không ít người đã rất buồn cho một địa điểm biểu diễn của một thành phố văn hóa. Sân khấu nhỏ, cũ kỹ và tuềnh toàng đối lập với một Liên hoan lớn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, đơn vị tên tuổi nổi tiếng của cả nước. Sân khấu biểu diễn thiếu cánh gà nên người xem vẫn nhìn thấy những cảnh lộn xộn ở hai bên sân khấu.
NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huếcho rằng, cả TTVHTT tỉnh và TTVH TP Huếđều chưa đáp ứng được các yêu cầu về sân khấu biểu diễn. “Là địa điểm biểu diễn nghệ thuật hiện đại thì phải có ròng rọc để treo cảnh; nhưng các trung tâm của Huếkhông có hệ thống ròng rọc mà phải dùng phương pháp thủ công là đưa tre vào làm giàn giáo để treo cảnh. Đó là chưa nói đến vấn đề nội thất, khu vực hóa trang, giải lao, vệ sinh… rất nhếch nhác”, NSND Nguyễn Ngọc Bình nhận xét.
Phòng vệ sinh nằm cạnh đường vào khán đài của TTVH TP.Huế hôi hám và nhếch nhác
Hệ thống NVH ở cơ sở xuống cấp
Trên địa bàn tỉnh hiện có 782 NVH; tuy nhiên hệ thống TTVH, NVH đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến chức năng và chất lượng hoạt động. Nhiều thiết chếvăn hóa từ tỉnh đến cơ sở đã được xây dựng mới nhưng trên thực tếkhông phát huy hiệu quả hoặc không được sử dụng đúng mục đích.
Nhiều NVH cấp huyện như huyện Phú Lộc, Nam Đông, TP Huế… đều được xây dựng từ khá lâu và đang xuống cấp nghiêm trọng từ sân khấu biểu diễn cho đến phòng làm việc. Riêng TTVH TP Huếchỉ đủ diện tích xây dựng hội trường, không có quỹ đất để xây dựng các công trình đi kèm. Tại nhiều NVH cấp huyện, hệ thống thiết bị kỹ thuật hỗ trợ công tác chuyên môn còn thiếu, không đồng bộ; đặc biệt là âm thanh, ánh sáng. Do đó, chỉ đáp ứng được các cuộc hội nghị, hội họp chứ không thể phục vụ cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Với hệ thống NVH cấp xã và thôn, hầu hết được tận dụng từ các công trình cũ; số lượng xây dựng mới rất ít, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Theo Sở VHTTDL Thừa Thiên- Huế, có đến 70% NVH ở làng, thôn, bản, tổ dân phố không có các thiết bị bên trong mà chỉ là ngôi nhà với một số thiết bị đơn giản, như: quạt máy, bàn, ghế, có nơi còn không có bàn ghế.
Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị chuyên dùng đã quá lỗi thời, lại thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động và hiệu quả phục vụ của hệ thống TTVH, NVH. Một thực tếnữa là đội ngũ cán bộ làm việc tại các NVH được đào tạo các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật chiếm tỷ lệ khá thấp, khoảng 30% nên hiệu quả công tác hoạt động của các NVH chưa cao.
Đứng trước thực trạng này, ông Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng VHTT huyện miền núi A Lưới cho rằng, cần chú trọng đến việc quy hoạch diện tích đất sử dụng cho NVH, Nhà sinh hoạt cộng đồng đáp ứng đủ yêu cầu của một không gian sinh hoạt văn hóa. Hằng năm, cấp nguồn kinh phí đầu tư, sửa chữa nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cần thiết cho các NVH, nhà sinh hoạt cộng đồng hoạt động. Đồng thời, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao sao cho các hoạt động phải gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân địa phương để thu hút người dân tham gia.
Tại kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế vào tháng 4.2013 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua 6 Nghị quyết quan trọng. Trong đó sẽ tập trung đầu tư 2.167 tỉ đồng để xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh (từ 2013-2030). Hy vọng rằng, với sự quan tâm của tỉnh Thừa Thiên- Huế, hệ thống thiết chếvăn hóa ở địa phương này sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo Văn hóa Online