5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, hơn 120.000 lính Trung Quốc tràn vào Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến nhà cầm quyền Bắc Kinh huy động tới hơn 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc ta.
Trong ngày đầu tiên, tổng cộng quân Trung Quốc tấn công trên 26 điểm. Một dải biên cương từ Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái... mịt mù khói súng. Trận chiến tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) bắt đầu ngay từ ngày 17-2-1979 vô cùng ác liệt. Đội quân đến từ bên kia biên giới bao gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng dưới sự chi viện của 6 trung đoàn pháo binh.
Nhưng, đạo quân xâm lược đã gặp sự giáng trả quyết liệt của bộ đội địa phương, dân quân du kích và cả những người dân bình thường nhất- nhưng họ mang trong tim mình tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc.
Thời gian trôi qua đã 35 năm, hôm nay nhìn lại, chúng ta vẫn vô cùng biết ơn những chiến sĩ, dân quân du kích địa phương, những người dân bình thường nhất đã xả thân cho Tổ quốc, gìn giữ từng thước đất cha ông để lại.
Cuộc chiến tranh chính nghĩa biên giới phía Bắc năm 1979 một lần nữa cho thấy sức mạnh vô cùng to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam, khi mà giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, còn cái lai quần cũng đánh; một cậu bé lên 3 cũng vụt lớn lên thành dũng sĩ với sức mạnh thánh thần: nhổ cả bụi tre làm vũ khí diệt thù.
Trong cuộc chiến đó, không ai quên được sự dã man của đội quân đến từ bên kia biên giới. Mìn, bộc phá được đặt tại các cột điện, đánh sập cầu, đánh sập cả trường học, bệnh viện. Không biết bao nhiêu người dân lành vô tội bỗng chốc bị sát hại. Cảnh những người già, trẻ thơ buộc phải dời bỏ ngôi nhà, dời bỏ làng xóm quê hương để tản cư rút về phía sau trong suốt những ngày chiến trận để tránh sự sát hại không sao có thể quên được. Không chỉ dùng mìn, bộc phá, sự tàn bạo còn đến từ những chiếc rìu, những con dao quắm. Nhưng, sự tàn bạo ấy không khuất phục được những con người bền lòng vì nước. Hầu như tất cả thanh niên vùng biên giới phía bắc lúc bấy giờ, cả nam và nữ đều ở lại chiến trường. Họ vụt trở thành những người chiến sĩ qủa cảm. Họ bước vào cuộc chiến với tất cả sự hiến dâng cho đất nước không một chút so đo tính toán. Khi đất nước đã gọi tên mình thì không ai có thể đứng ngoài cuộc. Từng hốc đá, từng bụi cây, từng dòng suối vùng biên giới cũng biến thành trận địa chặn bước tiến của quân thù.
Hôm nay, trở lại cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), người ta vẫn thấy ở nơi này một cây gạo mà thân mình chi chít vết thương do đạn pháo Trung Quốc. Cây gạo là một chứng cứ không thể chối cãi về sự phi nhân của cuộc chiến do Trung Quốc gây ra đối với Việt Nam 35 năm trước. Cây gạo thương tích ấy như một biểu tượng về sự bất khuất của người dân Việt Nam trong cuộc chiến cam go để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hôm nay, trở lại Lạng Sơn, thành phố vùng biên ải đã phát triển mạnh nhưng vẫn còn đó dấu tích của cuộc chiến, dấu tích của bom đạn. Những vườn hồi, những vườn thảo quả tươi tốt hôm nay trước đây 35 năm không còn một cây nào lành lặn. Người dân Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn... không quên những ngày gian khổ cận kề cái chết, nhưng họ đã vượt lên đau thương, vượt lên mọi khó khăn để xây dựng lại quê hương mình. Cả một dải biên cương khói lửa bị tàn phá ngày ấy nay đã trở lại xanh tươi. Những con dân nước Việt sống tại biên giới chính là phên dậu của Tổ quốc. Họ đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của mình trong thời chiến cũng như thời bình. Họ chính là những người anh hùng vô danh đã góp phần mình vào sự bình yên, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Nhớ về cuộc chiến cách đây 35 năm, chúng ta tự hào về nghệ thuật quân sự của Việt Nam- tự hào về đội quân bách chiến bách thắng của dân tộc. Chúng ta càng tự hào hơn về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, những con người hiền lành yêu chuộng hòa bình, nhưng khi Tổ quốc lâm nguy đã không tiếc cuộc sống của mình làm lá chắn giữ gìn đất nước. Thế trận toàn dân cũng chính là điều làm nên sức mạnh vô địch của đất nước Việt Nam. Khi giặc đến, mọi người Việt Nam bất luận trẻ già, là nam hay nữ, không phân biệt tôn giáo, dân tộc- đều cùng mang chung một tên gọi: NGƯỜI VIỆT NAM. Tổ quốc mãi mãi biết ơn họ, những người giữ nước không để lại tên tuổi. Tên tuổi của họ không có trên những tấm bằng khen; trên ngực họ không lấp lánh huy chương nhưng họ đã làm nên Đất nước.
Một lần nữa xin được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với những người dân lành chốn biên cương trong cuộc chiến tranh giữ nước năm 1979: khi mà bộ đội chủ lực của ta chưa dồn lực cho biên giới phía Bắc thì chính họ đã trở thành những lá chắn sống bảo vệ Đất nước Việt Nam thương yêu!
Theo daidoanket.vn