Hạnh phúc là điều ai cũng hướng tới, tìm kiếm, mỏi mong có được. Và, hạnh phúc, đối với mỗi người hoàn toàn không giống nhau, cách gọi tên hạnh phúc khác nhau do hoàn cảnh sống sai biệt và do cách nhìn về cuộc sống không như nhau.
Có người có cơm no, áo lành là hạnh phúc vô bờ, người khác là phải cơm ngon, mặc đẹp thì mới được gọi là hạnh phúc.
Có người sống là hạnh phúc, người khác chết có khi hạnh phúc hơn, dẫu làm người ai cũng mong được sống, sợ sự chết.
Có người nghĩ rằng giàu có mình sẽ hạnh phúc, nhưng khi giàu có thì bất hạnh lại dồn dập, vì cái giàu ấy khiến anh em mất hòa khí, con cái sống buông lơi, vợ chồng không còn cảm thông nhau được nữa.
Có người cho rằng được yêu một người vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang là điều may mắn, nhưng không ngờ chính vì sự xinh đẹp, giỏi giang ấy đã khiến cho bản thân... lép vế, trở thành người bị vợ đì, coi thường, không còn thấy hạnh phúc...
Từ tháng 6-2012, Liên Hiệp Quốc lấy ngày 20-3 làm ngày Quốc tế hạnh phúc. Năm 2014, lần đầu tiên ngày Quốc tế hạnh phúc được tổ chức ở Việt Nam với chủ đề "Yêu thương & chia sẻ". |
Người xưa nói, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Đôi khi ta nhìn thực thể mà mình chưa có, tự nghĩ nếu có rồi chắc sẽ hạnh phúc lắm đây. Nhưng, nghe người có rồi giãi bày mới thấy họ bất hạnh hơn mình. Oái ăm của cuộc sống là như thế, có cái người này muốn lại được sắp cho người kia và ngược lại, khiến hai người nhìn nhau, thèm thuồng điều người kia đang có.
Chính vì thế mà có câu: cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.
Và, chính vì thế mà có ông vua vì nghiệp đế vương của mình phải gánh gồng mà thầm ao ước: "Giá trẫm được một ngày làm người nông dân tự tại, đi làm về, mệt nghỉ, đói ăn thì hạnh phúc biết mấy...". Nhưng, chắc cả khối người chân lấm tay bùn ngoài thành xa xôi kia cũng đang ước mình được làm vua thiên hạ, dẫu chỉ một ngày thì chết cũng mãn nguyện.
Tất nhiên, cuộc sống con người đã được sắp xếp, dắt dẫn (do nghiệp, không phải tạo hóa nào nhúng tay). Nghiệp do chính người đó tạo, theo quy luật gieo nhân gì, gặt quả nấy. Khi quả đã trổ rồi thì phải hoan hỷ, chấp nhận và luôn có ý hướng sống tốt đẹp lên, thanh lương với mình, với đời, với người thì sẽ nhẹ tênh, dù có là vua hay dân.
Khi mình đang là "vai diễn nào đó" thì hãy diễn thật tốt vai trò của mình, khi ấy mình sẽ bình yên, hạnh phúc.
Hạnh phúc không thể có khi anh cứ đứng núi này trông núi nọ. Đạo Phật gọi là không an trú. Những ước nguyện, nếu có thì cũng đừng nằm ngoài khả năng thực tế, có thể làm được thì mới nghĩ tới, hướng về, cố gắng để làm. Và quá trình làm cũng là lúc mình cảm thấy hạnh phúc, an lạc, chứ không phải cố ép xác để đạt được mục tiêu. Nếu không thì sẽ thất vọng, gọi tên thất bại rồi chán, chê chính mình, bế tắc đến mức không còn thiết sống.
Còn nếu có đạt được mà trầy vi tróc vảy, trên đường đi ê chề đau điếng thì cái ta gọi là hạnh phúc ấy thực ra là một mục tiêu xa vời đã bóp chết nhiều bình an trong ta, trong cả một quá trình chinh phục.
Chính vì thế, có vị thiền sư nhắc mình rằng, hạnh phúc là con đường, là mỗi bước chân thong dong đi tới mục tiêu (tốt đẹp phía trước) chứ không phải là chiến đấu, chạy đến nó một cách bán sống bán chết.
Có câu nói vui cho chuyện này, rằng, cố gắng nhưng đừng có cố quá thì dễ... quá cố lắm nghen. Câu ấy nếu nhìn với mắt trí tuệ của nhà Phật thì cũng không khác thiền ngữ, nhắc mình hãy biết lượng sức mình. Đừng có lấy thước đo hạnh phúc, thành công của người khác rồi làm chuẩn cho mình, trong khi ta không hề có những điều kiện như họ.
Vậy nên, hãy gọi tên hạnh phúc cho mình, bằng cách nhận diện được bản thân, hoàn cảnh. Ông bà, cha mẹ mình, thế hệ trước ước ao đất nước ngớt chiến tranh, độc lập tự do là hạnh phúc. Thời gian trôi, vấn đề áo cơm trong ngày không tiếng súng là một ước mong mang tên hạnh phúc. Khi đã tạm đủ đầy đây đó (dẫu biết dân nghèo ở đâu cũng có, ở mình còn nhiều) thì việc số đông người thừa mứa uống ăn, dư dả chất bổ cũng khiến nỗi khổ theo về, dư cân và bệnh tật...
Cứ thế, cái may của cuộc sống là khi mình được đủ đầy, nhưng đôi khi dư dả lại chính là cái hại. Thôi thì, cứ sống sao cho mình "bớt muốn và biết đủ" để không hại người, hại mình là hạnh phúc. Bớt muốn, biết đủ thì mới rộng rãi lòng mà sẻ chia, dù ở hoàn cảnh nào.
Và nhớ là mình và người có mối liên hệ mật thiết, nếu hại mình đừng chỉ nghĩ mình bị hại không mà kéo theo đó là những hệ lụy tiêu cực mà người khác phải chịu, phải giải quyết. Và, tặng cho người đừng nghĩ mình mất đi, mà là mình đang gieo nụ cười, bỏ vô ngân hàng phước đức, thấy niềm hạnh phúc được sẻ chia của họ mà hoan hỷ. Thậm chí thấy niềm hoan hỷ của người đi trao tặng mà tùy hỷ (thay vì ganh ghét) thì mình cũng thấy hạnh phúc hiện diện y chang người bỏ công sức, tiền bạc đi cho vậy đó.
Nghĩ thế để nhẹ lòng, cố gắng đừng nhìn mọi thứ thành u ám, mà dẫu mọi thứ có u ám đi chăng nữa thì cũng đừng có xem đó là điều gì đó đáng chán, hãy thắp lửa, thay vì nguyền rủa bóng đêm, trở lại quán chiếu để xin lỗi chính mình vì đã gieo nhân chi đó mới sanh vào nơi mà nhìn đâu cũng... thấy ghê, thấy gớm. Cái lý ấy là lý nhân quả, là điều tất nhiên để mà à, ừ, trở lại làm mình mới lên theo hướng tích cực, đừng vùi mình xuống sâu hơn giữa ngập ngụa buồn thương nhân thế...
Theo Lưu Đình Long - GNO