Câu chuyện hôm nay
Phát triển để bảo tồn những dấu ấn lịch sử (26/03/2014)
14:14 | 26/03/2014

39 năm trước, Chiến dịch Huế- Đà Nẵng với mốc son đáng nhớ là ngày 26-3 toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế được giải phóng hoàn toàn. 

Phát triển để bảo tồn những dấu ấn lịch sử (26/03/2014)

Đây là bước nhảy vọt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 39 năm sau kể từ mốc son ấy, thành phố Huế chiến lược năm xưa, giờ đây đang nỗ lực không ngừng để trở thành đô thị loại I,  thành phố trực thuộc trung ương.

1. Theo lịch sử 708 năm vùng đất Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế thì nơi đây đã từng là thủ phủ của xứ đàng trong, từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn, và nơi ghi dấu 143 năm của triều đại nhà Nguyễn. Một vùng đất đã là kinh đô luôn hội tụ những gì tinh hoa nhất, tinh tế nhất, tốt đẹp nhất cả về vật chất lẫn tinh thần; cả những giá trị di sản vật thể, phi vật thể. Không chỉ hội tụ mà những giá trị ấy còn lan tỏa từ cuộc sống trong cung đình ra bên ngoài xã hội. Đó cũng chính là lý do Festival Huế năm 2014 lấy chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển. Và trong đêm khai mạc Festival năm nay, chủ đề hướng tới là Cố đô- hội tụ và tỏa sáng.

Trong suốt cả chiều dài lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, Huế luôn là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng. Và trong suốt những năm chống Pháp, chống Mỹ,  Huế là một địa bàn đầu tầu luôn nêu cao tinh thần và truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của vùng đất này. Hơn thế, với những khẳng định về mối liên kết Hà Nội- Huế- Sài Gòn (từ năm 1960), thì 3 địa danh này thêm một lần nữa được coi là cây một cội là con một nhà. Điều đó đã  thể hiện sự thống nhất, sự liên kết Bắc- Trung- Nam trong cả một tiến trình lịch sử của đất nước- non sông ta liền một dải. Từ chỗ giữ một vị trí chiến lược quan trọng trong đấu tranh cách mạng thì nay trong chiến lược phát triển của quốc gia, theo tinh thần Quyết định 48 của Bộ Chính trị (năm 2009), Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương. 

2. 5 năm qua, triển khai thực hiện Kết luận 48, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực phấn đấu không ngừng với những đổi thay đáng kể về diện mạo, về kết cấu hạ tầng, về những mô hình đô thị. Đặc biệt trong đó là về mặt nội hàm của đô thị. Trong tương lai, thành phố Huế sẽ là một đô thị hạt nhân nằm trong chuỗi đô thị của miền Trung; một thành phố di sản văn hóa, có cảnh quan sinh thái thân thiện với môi trường. Huế còn là  xứ  sở của chùa chiền, một miền văn hóa tâm linh.  

Trong tiến trình khảo sát của các nhà tư vấn nước ngoài, người ta đã lấy Slogan cho du lịch Huế: "Huế - quê hương của hạnh phúc”. Vậy hạnh phúc khi đặt chân tới Huế là gì? Có lẽ đó chính là cảm giác rất thoải mái, vui sướng khi những mục đích- những yêu cầu của cuộc sống trong phát triển mà thành phố này đạt được. Còn nhớ năm 1992, khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm thành phố Huế, ông đã căn dặn  phải xây dựng Thừa Thiên - Huế thành một nơi có thiên nhiên đẹp, xã hội đẹp và con người đẹp… 

3. Để Huế trở thành một thành phố trực thuộc trung ương với qui hoạch hành chính và danh xưng xứng tầm, việc trưng cầu dân ý sẽ được thực hiện một cách công khai và dân chủ, tới tận cấp xã, phường. Cũng sẽ có ít nhất 3 hội nghị cấp tỉnh bàn về nội dung trên. Cùng với đó, việc bàn thảo để đi đến thống nhất danh xưng, cũng như qui hoạch địa giới hành chính đang trong quá trình triển khai cũng sẽ được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tất nhiên, trong quá trình phát triển ở một thành phố di sản như Huế thì giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn được  coi trọng. Nhìn rộng ra, đây cũng chính là thách thức chung với tất cả các khu di sản trên đất nước này và trên toàn cầu. 

Riêng với Huế, bảo tồn sẽ là gắn với phát triển du lịch, bảo tồn để phát triển và phát triển để tăng nhận thức, ý thức, trách nhiệm và nguồn lực cho sự bảo tồn. 

Giờ đây, điều quan tâm nhất của lãnh đạo địa phương là trong mọi nỗ lực, cố gắng để đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong quá trình gìn giữ và phát huy giá trị của di sản,  thì lợi ích của người dân luôn được đặt lên trên hết.

Riêng với Huế, bảo tồn sẽ là gắn với phát triển du lịch, bảo tồn để phát triển và phát triển để tăng nhận thức, ý thức, trách nhiệm và nguồn lực cho sự bảo tồn. 
 
Giờ đây, điều quan tâm nhất của lãnh đạo địa phương là trong mọi nỗ lực, cố gắng để đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong quá trình gìn giữ và phát huy giá trị của di sản,  thì lợi ích của người dân luôn được đặt lên trên hết.
 
Theo daidoanket.vn
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng
Thờ sự thật (05/03/2014)