Câu chuyện hôm nay
Đã thấy định hình bóng dáng thành phố tương lai
15:18 | 11/04/2014

LƯU THỦY

Thừa Thiên Huế đang tăng tốc trên tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Cuộc làm việc mới đây giữa đoàn khảo sát Trung ương với lãnh đạo tỉnh đã định hình phương án cấu trúc đô thị tương lai. Còn rất nhiều việc phải thực hiện để cuộc chuyển mình đưa Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương; nhưng có một điều phải luôn lưu ý: phải hết sức giữ gìn để phát huy các giá trị di sản, sinh thái, cảnh quan, môi trường hết sức đặc trưng của nó.

Đã thấy định hình bóng dáng thành phố tương lai

Nhng thành tu mi

Đầu năm mới 2014, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, quá trình xây dựng, phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế đến nay đã cơ bản hội tụ các điều kiện đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo quy định của Chính phủ về phân loại đô thị. Với tính chất đặc thù rất riêng, đô thị Thừa Thiên Huế sẽ hướng tới xây dựng thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.

Trong các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển đô thị vùng - quốc gia, đã khẳng định Thừa Thiên Huế và đô thị Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Yêu cầu chung là xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trở thành trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển mở rộng thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa để đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V, tỷ lệ dân cư đô thị ngày càng chiếm tỷ lệ lớn. Thị trấn Thuận An đang được ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình hạ tầng để đạt chuẩn đô thị loại IV. Các trung tâm tiểu vùng Bình Điền, Điền Lộc, Thanh Hà, An Lỗ, La Sơn, Vinh Thanh đang được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V. Công tác xây dựng và chỉnh trang thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa, thị trấn Sịa và các đô thị khác được đẩy nhanh.

Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức, việc phục dựng các lễ hội Cung đình Huế, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật mới để nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế được tiếp tục đẩy mạnh. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, phổ biến các giá trị văn hóa, lịch sử về di sản văn hóa Huế; tăng cường các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế với bạn bè quốc tế. Hệ thống di tích Cố đô Huế, di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Một số thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang. Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung, nòng cốt là Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các trung tâm y tế chuyên ngành khác cũng đang được xây dựng quy mô cao.

Về giáo dục - đào tạo, Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn ở miền Trung, một trong 14 đại học trọng điểm quốc gia, hàng năm có trên 95.000 sinh viên theo học. Đại học Huế đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2020 với mục tiêu xây dựng thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội - nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật công nghệ cao.

Khoa học - công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, công nghệ thông tin. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và 152 xã, phường, thị trấn đã kết nối mạng LAN phục vụ tốt công tác điều hành, quản lý công việc; 90% doanh nghiệp kết nối internet. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế (GISHue); hoàn thành xây dựng một số cơ sở dữ liệu chuyên để đưa vào khai thác, sử dụng trên nhiều lĩnh vực…

Định hình cu trúc đô th tương lai

Hạ tuần tháng 2/2014, đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Một trong các phương án được ưu tiên là sẽ lấy thành phố Huế hiện tại là đô thị lõi, trên cơ sở 27 phường và sáp nhập thêm phường Thủy Dương, xã Thủy Bằng, Thủy Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) và xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) để chia thành 3 quận. Đơn vị hành chính mới của thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 2 thị xã, 6 huyện với 100 xã, 44 phường và 8 thị trấn.

Các thành viên trong đoàn đã cơ bản nhất trí thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương theo phương án nói trên. Đoàn cũng đề nghị, về tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương cũng như đề án công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế là đô thị loại I và đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, cần phải lấy ý kiến của nhân dân để có sự đồng thuận và thống nhất cao. Mặt khác, trong đề án cần làm rõ xây dựng thành phố du lịch - dịch vụ thì trong tương lai hệ thống đô thị sẽ phát triển như thế nào, năng lực quản lý đô thị mới đáp ứng ra sao, cần phải bổ sung, đào tạo đội ngũ cán bộ như thế nào... Một điều nữa, Thừa Thiên Huế phải khẳng định được vị thế và sự thay đổi về chất của thành phố trong tương lai. Đơn cử như khi nói đến thành phố Hải Phòng là người ta biết đến thành phố của cảng và công nghiệp, Thừa Thiên Huế cũng phải định trước sự phát triển như thế nào của thành phố di sản và du lịch. Đề án cũng phải có báo cáo đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, về thể chế và tác động môi trường sau khi mở rộng thành phố Huế để thành lập các quận của thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là những biến đổi từ mô hình chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị trong chính quyền đô thị mới.

Tin mừng là mới đây, ngày 13/3, tại hội thảo “Về tên gọi của thành phố, các quận và phương án tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương” do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, hầu hết nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa đều chọn Huế là tên gọi chung khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả thăm dò qua mạng cũng có 88% ý kiến chọn thành phố Huế, 11% chọn thành phố Thừa Thiên Huế và 1% có ý kiến khác.

Tại hội thảo này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra phương án thành lập các quận nội thành trên cơ sở mở rộng thành phố Huế hiện nay, cùng với các thị xã và huyện ngoại thành. Có rất nhiều ý kiến góp ý về việc phân tách, sáp nhập các địa giới hành chính để thành lập các quận, đặc biệt là về tên gọi các quận sẽ thành lập... Cuối tháng 3 đề án toàn tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được trình Chính phủ sau khi xin ý kiến các bộ ngành. Tỉnh cũng sẽ trình bày đề án này với Bộ Chính trị, sau đó Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội.

Huế - đô th t nn tng di sn văn hóa

Huế từ lâu đã được xác định là đô thị di sản. Theo nhiều chuyên gia, Huế biểu trưng duy nhất của Việt Nam cho một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên. Đô thị di sản Huế hợp nhất những thành phần - di sản, đó là: kiến trúc triều Nguyễn, kiến trúc phố thị, các làng truyền thống, kiến trúc thuộc địa, cảnh quan thiên nhiên hài hòa trong suốt tiến trình đô thị hóa.

Ngoài các kiến trúc triều Nguyễn, kiến trúc phố thị (4 ô phố trong kinh thành, hình thành từ cuối thế kỷ XIX, là một ví dụ khá sớm về kiểu quy hoạch theo ô bàn cờ) lâu nay sách vở, truyền thông đề cập đến rất nhiều, phải rất lưu ý rằng các làng ven kinh thành như Kim Long, Vĩ Dạ, An Cựu, Nguyệt Biều,… là những thành phần hữu cơ của cơ thể kinh đô Huế, góp phần tạo nên tính duy nhất cho đô thị này, nơi có sự chuyển hóa tự nhiên từ kiến trúc kinh thành sang kiến trúc phố thị, sang kiến trúc các làng ven. Các làng ven tiếp biến lại chuyển hóa sang các làng xã ngoại vi. Những làng Lại Ân, Thanh Tiên, Dương Nỗ, Chiết Bi, Dưỡng Mong, Dạ Lê Chánh, Hương Cần, Ngọc Anh… đang mang trong mình một quỹ kiến trúc - văn hóa - nhân văn và cảnh quan rất quý. Hay ở làng Phước Tích, cách Huế khoảng năm chục cây số, lại tồn tại hàng chục căn nhà rường, mà kiến trúc, sự tinh tế nơi hoa văn trang trí, hoàn toàn không thua kém gì kiến trúc cung đình hoặc ở các dinh thự ở Phú Mộng, Kim Long.

Cùng với các không gian làng mạc ấy, là không gian của những lâm viên phía Tây Huế. Rõ ràng những thảm rừng xanh tạo nên cảnh quan lâm viên đã không chỉ dừng lại ở những rặng núi Thiên An, Thiên Thai, Chầm… mà hiện nay đã vươn xa hơn ở các cánh rừng trồng phía Tây Hương Trà, Tây Phú Lộc…

Huế, vùng đất tựa lưng vào núi, đứng bên sông mặt hướng ra biển. Và những khoảng đệm là rừng núi cao, rừng đồi, rừng lâm viên, những cánh đồng sâu chuỗi các lũy tre và vườn tược, đầm phá với cụm rừng nước mặn…; tất cả tạo nên một sự uyển chuyển mềm mại đến lạ lùng trong bức tranh phong thủy. Chính xác như ai đó nói: sự hài hòa đã lên ngôi ở nơi này.

Tất cả đó là nền tảng cho việc phát triển đô thị Thừa Thiên Huế từ gốc rễ văn hóa di sản - cảnh quan sinh thái.

Vì thế khi quy hoạch phát triển thành phố Huế tương lai, không thể không tính đến những không gian văn hóa ấy, bên cạnh quỹ kiến trúc di sản cung đình.

Một vốn liếng di sản quan trọng khác góp phần để Huế là đô thị - di sản - sinh thái, đó là văn hóa phi vật thể, văn hóa thị dân (hơi hướng quý tộc xưa). Một tài nguyên không thuần chỉ thuộc về quá khứ, mà đang là một thực thể sống động, đang tồn tại trong cộng đồng và trong lòng đô thị có không gian tương ứng. Văn hóa Huế chính thống đang tiếp tục dòng chảy tự nhiên, chi phối mọi lĩnh vực, từ lời ăn tiếng nói dạ thưa đến cách ứng xử từ tốn, từ quan hệ gia đình dòng tộc đến tín ngưỡng tôn giáo, từ thi ca đến âm nhạc, từ chiếc nón bài thơ và tà áo dài đến cách bài trí các món ăn tinh tế Huế… Không một xứ sở nào ở Việt Nam mà bản sắc văn hóa lại còn bảo lưu khá đầy đủ như ở Huế.

Với di sản ắp đầy những cái riêng như thế, con đường để Huế trở nên hiện đại mà không đánh mất mình, chỉ có thể là phát triển trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa đó.

Đô th tương lai: di sn, văn hóa, sinh thái, cnh quan và thân thin vi môi trường

Ở Huế, chúng ta đang bảo tồn di sản kiến trúc cung đình một cách bài bản khoa học, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể bằng những festival sân khấu hóa. Và chúng ta cũng đang chăm lo phát triển, hiện đại hóa đô thị và quỹ kiến trúc đô thị.

Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đã bộc lộ những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Một số kiến trúc cũ quý hiếm đã biến mất, một số công trình được xây dựng không hợp lý về kiến trúc, sự phát triển đã manh nha phá vỡ cơ thể đô thị là nỗi lo cần thiết. Nguy cơ chuyển từ đô thị - di sản sang đô thị có những di sản sẽ là hiện thực nếu chúng ta không có những giải pháp bây giờ.

Nhiều chuyên gia kiến trúc đã đề xuất giải pháp: phát triển trong sự tiếp nối. Theo đó, sự tiếp nối chính là nhịp cầu giữa bảo tồn và phát triển. Chẳng hạn ý kiến của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: Tiếp nối chính là sự đảm bảo dòng lịch sử phát triển đô thị chảy tự nhiên. Thời đại ta có thể phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, để lại nhiều dấu ấn hơn, song thời ta tuyệt nhiên không có quyền phủ định cái đi trước, nhất là khi nó lại là khối giá trị vật chất - tinh thần to lớn. Hơn nữa, phải hiểu rằng chúng ta cũng chỉ là một khâu trong cái chuỗi những kiếp người. Di sản chúng ta để lại cho hậu thế chính là những khả năng duy trì sự tiếp nối. Ông đề xuất định hướng phát triển mở rộng cho Huế tương lai theo 2 hướng:

- Quy hoạch xây dựng những khu đô thị mới, những khu công nghiệp hoặc dịch vụ mới, tập trung và thật sự hiện đại, đúng với trình độ của thế kỷ XXI. Song nên lưu ý thiết lập những vùng đệm, dải đệm chuyển tiếp giữa Huế cũ và Huế mới.

- Mạnh dạn hơn nữa là ý tưởng tạo lập một hệ, một chùm đô thị vệ tinh bao quanh Huế. Trong tương lai xa, hệ đô thị này sẽ có khả năng trở thành mô hình một vùng đô thị, có chung một nền tảng, - đó là vùng văn hóa xứ Huế. Điều quan trọng là nên nói “KHÔNG” với xu hướng xây dựng xen cấy, tăng mật độ và phá vỡ không gian cảnh quan, điều đang xảy ra trên bờ Nam sông Hương.

Vì vậy rất cần có quy chế riêng cho vùng lõi của đô thị di sản Huế, trong bối cảnh phát triển đô thị Huế diện rộng.

*

Huế sẽ trở thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường - đó là một hướng phát triển tối ưu mà không phải thành phố nào cũng may mắn được thiên nhiên và tiền nhân tạo dựng cho như vậy.

L.T
(SDB12/03-14)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thờ sự thật (05/03/2014)