Câu chuyện hôm nay
Họ mần quá bậy, dân dốt mất thôi
09:10 | 17/04/2014

TÂM VĂN

Năm 1980 xã tôi trống dong cờ mở, mổ bò ăn mừng xã được công nhận xóa nạn mù chữ, phổ cập bổ túc văn hóa lớp năm; nhân dịp về quê, được UBND xã mời dự, tôi xắm rắm đi, ông nội tôi nói: “Họ mần quá bậy, dân dốt mất thôi”.

Họ mần quá bậy, dân dốt mất thôi
Minh họa: Nhím

Tôi hỏi, ông nói: Mấy năm ni, phong trào vận động học hành là có, xã cũng tích cực vận động người dân trong độ tuổi đi học ban đêm, nhưng chưa đủ độ chín, rứa mà họ bày đặt ra chuyện kiểm tra trình độ, buộc người học phải cậy người thi thế, cho đạt yêu cầu, cốt để báo cáo thành tích với trên, được công nhận phổ cập rồi thì tất nhiên là thôi dạy học, không phải dân dốt vẫn cứ lại hoàn dốt đó sao? Về vui với xã mà cứ băn khoăn. Chuyện đã hơn 30 năm, ông tôi đã qua đời trong năm đó mà lời ông nói tôi luôn giấu kín trong lòng.

Được nghe Nghị quyết, đọc báo, nghe đài, biết rồi đây các trường sẽ được quyền tự chủ tuyển sinh, tôi thật sự đâm lo nhiều hơn mừng cho nền giáo dục nước nhà. Mừng vì các trường đã có tên tuổi sẽ tuyển được học sinh giỏi cho mình. Riêng các trường tư thục cũng như công lập ở các tỉnh mới được thành lập trong các năm gần đây, thực lòng tôi vô cùng ái ngại. Theo đài báo thì vừa qua có trường bất chấp quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ tuyển cho đủ sinh viên, tổng điểm các môn thi đại học chỉ 02 điểm cũng tuyển, cứ đào tạo theo kiểu “CHÀY CỐI” này thì mầm họa quốc gia luôn còn treo lơ lửng.

Tôi cứ hình dung, người có chức quyền, giàu có thì mong cho con có mảnh bằng đại học dù là hư danh, rồi tìm cách đút lót, hối lộ để được vào làm việc ở các cơ quan công quyền, và tất yếu là hậu quả xấu khôn lường cho nền hành chính nhà nước. Người nghèo khổ thì cũng vì hư danh mà có người biến mại gia sản cho con mình có mảnh bằng đại học cho bằng chị bằng em, nhưng không dễ gì kiếm được việc làm, tương lai mờ mịt, như vậy là đã cùng cực mãi đeo cùng cực, cũng góp phần bần cùng hóa xã hội chúng ta.

Nói tới cái sự học chữ ai qua rồi mới biết, không có nghề chi khổ bằng. Những người học giỏi thì thích học, nghỉ một ngày, mất một giờ học là luôn nuối tiếc; người học không được thì coi sự học vất vả khôn cùng, lại rất ngại đến trường bởi thường bị chúng bạn xem thường, lại sợ bị thầy cô lục vấn. Cái mục đích cuối cùng của học chữ cũng chỉ nhằm để kiếm cơm, còn học nghề ai bảo không nuôi được miệng?

Ông cha ta có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”; thiết nghĩ, các bậc phụ huynh nên định hướng cho con em mình, liệu sức mà làm, “liệu cơm gắp mắm”. Nếu không đủ điều kiện cho con em học chữ hoặc giả con em mình học không được chữ nữa thì nên tôn trọng sự lựa chọn của bản thân nó, quyết cho đi học nghề, học giỏi nghề thì chắc chắn cũng có cuộc sống ấm no, gia đình vinh hiển.

Tôi đồng tình cao với hướng đào tạo phổ thông bắt buộc đến ngang lớp 9, sau đó phải chuyển hướng nghề nghiệp, phải sắp xếp lại các trường đại học, cương quyết loại bỏ các trường đại học không đủ điều kiện, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có trường đại học.

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời không có nghĩa là chỉ một con đường học lên đại học. Tôi nghĩ sinh viên đại học phải là những học sinh ưu tú, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho một quốc gia, khi ra trường họ phải thực sự là bậc thầy của nhiều tốp thợ, như vậy họ phải là lớp người được tinh chọn cho đội ngũ làm thầy, mà thầy thường phải ít hơn thợ.

Hiện nay, chúng ta thấy tình trạng chung là khi kết thúc trung học phổ thông, tất cả đều khăn gói lên đường để dự thi và mong muốn được học ở một trường đại học, cao đẳng. Tùy theo năng lực, học sinh khá giỏi thì được học ở các trường danh tiếng, không được nguyện vọng một thì nguyện vọng hai, nguyện vọng ba. Số còn lại cũng nhận được giấy báo chào mời của rất nhiều trường ít danh tiếng và hầu như đa số đều được học ở bậc đại học, cao đẳng, cũng có nghĩa họ được đứng vào hàng ngũ làm thầy trong tương lai. Nhưng khổ nỗi, rất nhiều người trong số họ cũng ý thức được rằng, họ không xứng đáng được làm thầy, vì quá trình học họ không được tiếp cận những kiến thức tiên tiến, lại thiếu cơ sở thực hành, xa rời thực tế, không đáp ứng được nhu cầu cơ chế kinh tế - xã hội đang vận hành.

Xã hội rất cần những người thầy, nhưng cần có nhiều hơn những người thợ. Ai xây nhà cho ta ở, làm ghế bàn, may quần áo, các vật dụng… cho ta dùng. Ai cày sâu cuốc bẩm, lặn lội thân cò cho ta có rau, gạo, thịt, cá hàng ngày… Đều là những người thợ đó chứ. Đội ngũ những người thợ cũng đáng được tôn vinh, được xã hội trân trọng. Đừng nên ảo tưởng rằng, nhất thiết phải tìm cách đào tạo họ làm thầy, trong lúc họ có năng lực làm thợ hơn; Hãy để cho họ tự lựa chọn, hướng cho họ phát huy sở trường mới thực sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nhiều trường đại học thiếu điều kiện, nhưng lại tuyển sinh và khuyến khích thế hệ học sinh ngồi nhầm chỗ là có lỗi với xã hội, lại có lỗi với sinh viên. Nếu cứ duy trì tình trạng này thì lời than của ông tôi mà tôi trích dẫn ở trên vẫn đang còn đúng.

Huế, tháng giêng, năm 2014
T.V
(SDB12/03-14)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thờ sự thật (05/03/2014)