Câu chuyện hôm nay
Vì sao Bộ trưởng Y tế phải từ chức?
08:38 | 23/04/2014

Ở thời điểm này, có thể rất nhiều người đang muốn hỏi một câu: Bộ trưởng Y tế của các quốc gia trên thế giới thường từ chức vì lý do như thế nào?

Văn hóa từ chức vốn phổ biến ở nhiều nước. Không cứ phải là những quốc gia phát triển mới có những Bộ trưởng từ bỏ cương vị của mình. Lý do để từ chức, cũng muôn hình vạn trạng. Đôi khi người ta từ chức để phản đối người lãnh đạo; đôi khi vì đã ở trong thế chắc chắn sẽ bị cách chức; đôi khi vì sức khỏe; nhưng tất nhiên, một trong những lý do để từ chức, là nhận trách nhiệm.

Điểm lại những trường hợp từ đầu thế kỷ 21 đến nay, lý do từ chức của các Bộ trưởng Y tế trên khắp thế giới cũng có rất nhiều. Có người đã dính vào vụ án tham nhũng không thể cứu vãn; có người dính bê bối tình dục; có người muốn theo đuổi sự nghiệp chuyên môn (giảng dạy, điều trị); có người chịu sức ép vì thất bại trong những kế hoạch vĩ mô, như Bộ trưởng Y tế Mỹ mới đây. 
 


Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Kathleen Sebelius - Người mới từ chức đầu tháng 4/2014

Nhưng tất nhiên, một Bộ trưởng Y tế hoàn toàn có thể từ chức sau khi có nhiều bệnh nhân qua đời. Trong quan niệm của họ, đó là trách nhiệm trực tiếp của mình.

Năm 2001, Bộ trưởng Y tế Croatia, Ivica Racan từ chức vì 23 bệnh nhân chết sau khi được lọc máu tại một bệnh viện của nước này.


Bộ trưởng Y tế Croatia, Ivica Racan

Tháng 5/2003, Bộ trưởng Y tế Đài Loan, ông Đồ Tỉnh Triết, từ chức vì không ngăn được dịch SARS bùng nổ ở hòn đảo này. Tổng số bệnh nhân SARS của Đài Loan ở thời điểm đó là 308, và số ca tử vong là 35. Để so sánh thì cùng thời điểm, ở Hong Kong có tới 1.706 ca nhiễm bệnh và 238 người qua đời vì SARS.

Tháng 7/2009, Graciela Ocana, bộ trưởng Y tế Argentina, từ chức khi dịch cúm gia cầm bùng nổ. Ở thời điểm bà từ chức, đã có 26 người tử vong trong 1.587 ca mắc bệnh.

Tháng 9/2013, Bộ trưởng Y tế Puerto Rico, Francisco Joglar từ chức sau khi có 10 bệnh nhân chết vì bệnh viêm phổi do khuẩn Acinetobacter tại một bệnh viện công.


Bộ trưởng Y tế Puerto Rico, Francisco Joglar

Tháng 11/2013, Bộ trưởng Y tế bang Punjab, Ấn Độ, ông Khalil Tahir Sindhu từ chức sau khi có 10 bệnh nhân qua đời vì bệnh sốt xuất huyết Dengue. Để tưởng tượng rõ hơn về mức độ của dịch sốt xuất huyết tại Punjab, cần lưu ý là bang này có hơn 24 triệu dân, tương đương với một quốc gia nằm trong top 50 về đông dân thế giới.
 

Có một điều thú vị trong trường hợp của ông Bộ trưởng này: ngay sau khi từ chức, ông Khalil Tahir Sindhu nhắc lại cho dư luận nhớ rằng đã có 362 bệnh nhân chết vì virus Dengue ở Punjab vào năm 2011, nhưng thời đó không có bộ trưởng nào từ chức cả.


Bộ trưởng Y tế bang Punjab, Ấn Độ - ông Khalil Tahir Sindhu

Lời nhắc nhở của ông Tahir Sundhu rất có ý nghĩa: nó nói rằng vấn đề không nằm ở con số ít hay nhiều. Không có quốc gia nào có quy định rõ ràng rằng khi một dịch bệnh bùng nổ, bao nhiêu bệnh nhân tử vong thì Bộ trưởng Y tế phải từ chức. Vấn đề nằm ở lương tâm và khả năng chịu trách nhiệm của từng người lãnh đạo.
 

Những con số khiến Bộ trưởng Y tế các quốc gia phải từ chức xem ra khá khiêm tốn: 23, 35, 26, 10. Riêng trường hợp của ông Đồ Tỉnh Triết thì vấn đề ông đứng ra nhận trách nhiệm không phải là số người chết vì dịch, mà là để xảy ra nhiều ca nhiễm mới trong một tháng trước đó.

Đó chỉ là những người đã từ chức. Còn kêu gọi từ chức thì rất nhiều. Đôi khi, như ở Bahrain năm ngoái, chính các thượng nghị sỹ, tức là các đại biểu quốc hội của nước này đứng lên kêu gọi Bộ trưởng Y tế từ chức chỉ sau khi một em bé gái 12 tuổi chết vì sai sót trong quá trình điều trị.

23, 35, 26, 10 và 1. Những con số có hai chữ số nghe thật bình dị. Nhưng mạng người nào cũng là mạng người. 1 thật ra cũng giống như 108, nếu người ta nhận thức được trách nhiệm thuộc về ai.

Vấn đề luôn là sự tự nhận thức về trách nhiệm. Có thể trách nhiệm thật ra không thuộc về ai cả, thì cũng không cần thiết phải từ chức.

Theo Hoàng Anh (Depplus.vn)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng