Lò gốm cổ Hưng Lợi - được Bộ VH-TT xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia năm 1998 - nay chỉ còn là bãi rác.
Công nhận di tích rồi bỏ phế
Theo cuốn Hành trình di sản văn hóa TP.HCM, dấu tích của xóm lò gốm Sài Gòn xưa nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi nằm ven kênh Ruột Ngựa thuộc P.16, Q.8, TP.HCM. Cuộc khai quật năm 1997 - 1998 tại đây đã tìm thấy phế tích 3 lò gốm kiểu lò ống, vách lò được xây bằng gạch lớn chảy men dày cùng nhiều đồ vật sành sứ khác. Lò gốm Hưng Lợi sản xuất lu đựng nước có niên đại sớm nhất khoảng nửa sau thế kỷ 18. Sau đó lò còn cho ra các sản phẩm hũ, khạp, nồi, hộp, siêu, chậu phủ men xanh lam hay đồng, chén, tô, đĩa, ly... gắn liền với sự hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hơn 300 năm qua.
Những sản phẩm xưa được các nhà khảo cổ, nghiên cứu, sưu tập lưu giữ cho thấy kỹ thuật tạo tác của nghệ nhân lúc bấy giờ rất cao và tinh xảo. Trả lời báo giới, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu nhận định: “Giá trị lớn nhất của lò gốm Hưng Lợi là chúng ta đã tìm thấy tương đối nguyên vẹn về một làng nghề rất nổi tiếng của Sài Gòn trước đây”. Nhân dịp TP.HCM chuẩn bị kỷ niệm 300 năm tuổi, chính quyền thành phố đã cho khai quật di tích lò gốm cổ này bắt đầu từ tháng 4.1997, do Bảo tàng lịch sử VN - TP.HCM thực hiện. Tháng 4.1998, bảo tàng tiếp tục cuộc khai quật lò gốm Hưng Lợi đợt 2, xuất lộ toàn bộ hệ thống lò ở khu vực này, đến tháng 6.1998 thì kết thúc.
Tìm đến lò gốm Hưng Lợi những ngày tháng 5.2014, di tích này đã trở thành một phế tích. Thật khó hình dung đây là nơi được công nhận di tích khảo cổ cấp quốc gia khi mà phía sau bức tường rào và cánh cổng chỉ còn lại 2 cột trụ, bãi đất hoang hiện ra với vô số rác, ống tiêm chích ma túy vứt lăn lóc, cỏ cây mọc um tùm và là nơi phơi quần áo của cư dân quanh vùng. Không hề có biển báo công nhận khu vực này là di tích khảo cổ quốc gia.
|
Người dân sống quanh khu di tích cho biết sau khi khai quật xong năm 1998, chính quyền thành phố cho làm mái che tạm bợ bằng tôn, xây tường rào bao bọc. Nhưng do không ai giám sát, trông coi, bảo vệ nên di tích theo thời gian đã bị thiên nhiên và con người xâm hại.
Quá tiếc cho một di sản của cha ông
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Kiệt, Chi hội Di sản văn hóa gốm Nam bộ, đưa ý kiến: “Hiện trạng di tích như thế thì quá uổng vì thành phố đã xác lập được một di chỉ so với các tỉnh Đông Nam bộ không nơi nào có. Có thể nói cả VN chỉ còn di chỉ khảo cổ lò gốm của vùng Sài Gòn này. Đã phát hiện, khai quật được di tích nhưng quan trọng hơn là làm sao bảo tồn, phát huy từ đó gắn chặt với du lịch. Nếu không làm tốt, chúng ta phải chịu trách nhiệm với con cháu sau này”.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương - chủ khu đất lò gốm Hưng Lợi cho biết: “Gia đình tôi mua mảnh đất này từ trước năm 1940. Cho đến ngày chính quyền tìm đến đề nghị cho khai quật, chúng tôi đã chấp nhận thi hành. Tuy nhiên UBND Q.8 chỉ đền bù cho gia đình tôi 5 triệu đồng, số tiền quá ít, chúng tôi không đồng ý nên đã gửi đơn khắp nơi từ trung ương đến địa phương đề nghị phần đất nào công nhận của gia đình và công khai rõ ràng quy hoạch. Còn nếu không thuộc diện quy hoạch hay thu hồi thì cũng báo để chúng tôi sinh hoạt trên mảnh đất ấy”.
Là một trong những người có công phát hiện, khai quật di tích lò gốm Hưng Lợi, TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ: “Tôi rất xót xa với di tích. Khi khai quật người dân quá nhiệt tình giúp đỡ, họ giúp phát hiện và cung cấp thông tin về lò gốm, thậm chí làm nhân công khai quật luôn. Công nhận di tích theo luật Di sản - Văn hóa là đụng chạm đến quyền lợi đất đai của người dân. Điều cần làm hiện nay là bảo tồn di tích như thế nào và làm sao người dân không thiệt thòi quyền lợi. Lãnh đạo thành phố cũng tích cực giải quyết nhưng vẫn chưa tìm được lối ra. Mặt khác, kinh phí dành cho việc bảo tồn di tích không có nên nói thật khi đưa những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến đây chúng tôi rất ngại ngần, không thể lý giải với họ vì sao một di tích quý giá mà lại để xuống cấp, tan hoang đến thế”.
Bà Lê Tú Cẩm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, hiện là Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM, nói: “Nếu bỏ phế lò gốm Hưng Lợi chúng ta sẽ mang tội với tiền nhân. Tôi ray rứt lắm. Làm sao phục hồi lại di chỉ khảo cổ này càng sớm càng tốt vì thật sự đó là cái nôi của gốm Sài Gòn - Gia Định nói riêng và Nam bộ nói chung. Tôi sẽ đặt vấn đề với Sở VH-TT-DL TP.HCM vì sao bao nhiêu năm nay để nơi này thành phế tích. Dường như nhà nước ưu tiên đầu tư sản xuất, thương mại, dịch vụ hơn mà ít xem trọng việc gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa, di sản cha ông để lại. Tôi sẽ đặt vấn đề này với Sở VH-TT-DL về việc xã hội hóa bảo tồn các di sản văn hóa. Bảo tồn phải gắn chặt với phát huy, gắn chặt với phát triển kinh tế, du lịch”.
Theo Đỗ Tuấn - TN