Liệu với 2 mức đầu tư cho con người như đề án, đến năm 2030, chúng ta có đội ngũ sáng tác, sản xuất mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á?
Cũng lý tưởng như việc xây 51 nhà hát, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đặt mục tiêu đến năm 2020, nền nghệ thuật nước nhà sẽ có những nghệ sĩ tiêu biểu, có nhiều tác phẩm đỉnh cao; từng bước phấn đấu xây dựng nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trở thành nền nghệ thuật biểu diễn mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á; đến năm 2030 có đội ngũ sáng tác, sản xuất mạnh trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, trong đó có những tài năng được quốc tế công nhận…
Mục tiêu lớn lao, đầu tư hạn chế
Tuy nhiên, ngược hẳn với kinh phí dành cho xây dựng cơ sở vật chất lên tới gần 7.000 tỉ đồng, ngân sách đặt hàng sáng tác (50 tác phẩm) và dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn chất lượng cao (25 tác phẩm) từ nay đến năm 2020 chỉ 31,1 tỉ đồng. Đầu tư cho con người cũng rất hạn chế với dự kiến mỗi năm đào tạo 15-20 đạo diễn, 10-15 nhà sản xuất, 10-15 biên kịch, 10 lý luận - phê bình, 150-170 diễn viên… tại các trường đào tạo chính quy về nghệ thuật của Việt Nam, đồng thời lập dự án hằng năm cử sinh viên đi đào tạo tại nước ngoài các ngành nghề chủ yếu như sân khấu, ca múa nhạc, tạp kỹ với số lượng từ 3-5 đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, kỹ thuật - công nghệ. Không có dòng nào nói về cơ chế đào tạo nguồn nhân lực, nguồn kinh phí đào tạo cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích văn nghệ sĩ hoạt động sáng tạo, nhất là với nghệ sĩ biểu diễn các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Khi nói về kinh phí đào tạo, Bộ VH-TT-DL chỉ nêu chung “ngân sách nhà nước chiếm 50%, phần còn lại huy động từ các nguồn khác”.
Một NSND nhận xét Bộ VH-TT-DL đưa ra những mục tiêu quá cao trên nền móng quá yếu, lại không có đầu tư thích đáng về nhân lực mà chỉ chăm chăm vào xây dựng cơ bản, dường như những người xây dựng quy hoạch nghệ thuật biểu diễn lại không làm trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Rõ ràng, với đội ngũ nghệ sĩ và với cơ chế như hiện nay, nghệ thuật biểu diễn không thụt lùi với chính mình là may, nói gì đến tầm khu vực hay thế giới.
Tụt hậu so với thế giới vài chục năm
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, thẳng thắn nhận xét sân khấu Việt Nam đã từng có một thế hệ nghệ sĩ vàng được đào tạo tại Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức… như NSND Đình Quang, NSND Phạm Thị Thành, sau này là NSND Lê Hùng… Thế nhưng, chỉ đến đó là dừng. Nhiều năm qua, vì không có kinh phí cho nghệ sĩ đi học ở nước ngoài nên việc phát triển nghệ thuật ở mức độ cao bị ngắt quãng. “Các đạo diễn được đào tạo trong nước không tiếp cận được với sân khấu thế giới, thậm chí là sự sáng tạo của họ lạc hậu với thế giới vài chục năm. Đến giờ vẫn chỉ tả thực, mô phỏng chứ không có gì mới, thua kém hẳn so với điện ảnh” - ông Nhuận thất vọng. Chuyên gia này khẳng định với những gì đang có hiện nay, tạo được tác phẩm có sức hấp dẫn trong nước đã là quá khó, đừng nói đến ra nước ngoài.
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho biết hội này có khoảng 2.000 hội viên, trong đó tác giả khoảng 200 người, số lượng đạo diễn cũng tương tự nhưng tài năng nghệ thuật thật sự là của hiếm. “Đội ngũ nghệ sĩ đã báo động cấp ba, cấp bốn” - ông Thọ nói. Nghệ sĩ này cũng thừa nhận những khó khăn về tài chính, đặc biệt là việc đầu tư cho văn hóa, chưa được quan tâm đúng mức nên chưa có đạo diễn sân khấu nào được cử đi học nước ngoài. Không tiếp cận được với nền sân khấu tiên tiến, cũng không có kinh phí cho việc giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài để tiếp thu tinh hoa thế giới, mục tiêu nghệ thuật biểu diễn Việt Nam từng bước vươn ra tầm khu vực thực sự là một thách thức.
Con người phải được đặt lên đầu
“Chúng ta cứ yêu cầu nghệ sĩ nâng cao chất lượng nghệ thuật nhưng lại không sửa đổi chế độ đãi ngộ thì làm sao đủ sức giữ chân họ với nghệ thuật. Bộ VH-TT-DL không quan tâm đến người diễn thì xây chỗ diễn để làm gì?” - ông Trương Nhuận đặt vấn đề.
NSND Lê Tiến Thọ cho rằng để có sự phát triển đồng bộ, chúng ta phải quan tâm đến cả 3 vấn đề: đội ngũ, cơ chế chính sách và cơ sở vật chất. “Đội ngũ nghệ sĩ phải được đặt lên đầu bởi chúng ta phải biết rõ đến năm 2020-2030, đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sẽ thế nào, trình độ ra sao thì mới có thể xác định được hướng đầu tư thích hợp. Muốn có đội ngũ, không chỉ trong vòng 5-10 năm là có được mà phải “nuôi” họ lâu hơn thế. Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn phải đưa ra tính khả thi chứ không thể duy ý chí. Phải chinh phục xã hội bằng một đề án khoa học” - ông Thọ nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-6
Lương như thế, làm sao có tài năng? Ông Lê Tiến Thọ nói thêm rằng phải đầu tư chiều sâu mới thu hút được nhân tài nhưng chế độ chính sách hiện nay không đủ giúp các nghệ sĩ sống bằng nghề. Tác phẩm ra đời chưa ráo mực, tiền đã hết! Dưới góc độ giám đốc một nhà hát, ông Trương Nhuận cho rằng đời sống các nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật nhà nước quá khó khăn, không đủ động lực giúp họ sáng tạo nghệ thuật. “Chế độ lương của các nghệ sĩ là một bất cập lớn. NSND vẫn chỉ được hưởng mức lương “hạng 3”, không có chế độ chuyển ngạch, nâng ngạch cho diễn viên. NSND Lê Khanh, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương cống hiến cả đời cho nghệ thuật giờ vẫn nhận lương 5 triệu đồng/tháng, chúng tôi kêu 10 năm nay mà bất hợp lý này không được giải quyết. Đồng lương như thế làm sao có được tài năng?” - ông Trương Nhuận bức xúc. NSND Lê Tiến Thọ nói thêm những nghệ sĩ cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật đều là tự phát chứ không phải nhờ một chiến lược đầu tư của nhà nước. |