Trò chuyện về các xu hướng của ngành xuất bản Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT AlphaBooks, cho rằng cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước và cả xã hội để thúc đẩy sự phát triển của tri thức, như vốn ODA hay các nguồn đầu tư khác cần được dành cho ngành xuất bản.
Với tư cách là một người làm lâu năm trong ngành xuất bản, ông có thể cho biết những thay đổi rõ rệt trong ngành này thời gian vừa qua?
Gần 15 năm kể từ khi viết sách và 10 năm điều hành một đơn vị xuất bản, tôi nhận thấy đang có những thay đổi diễn ra rõ rệt trong ngành xuất bản của Việt Nam. Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều công ty sách, xuất hiện nhiều thương hiệu mới, tên tuổi mới. Số lượng đầu sách mới hàng năm, bao gồm cả sách dịch và sách do tác giả trong nước viết đều tăng lên đáng kể, phong phú về mặt thể loại, chủ đề và hình thức.
Thị trường về bản quyền cũng đang trở nên cạnh tranh hơn, chi phí bỏ ra mua bản quyền từ nước ngoài ngày càng nhiều và càng đắt.
Nếu như những năm trước đây, thị trường bản quyền sách nước ngoài chỉ là cuộc chơi của một vài đơn vị như Alpha Books, NXB Trẻ, Firstnews, Nhã Nam… thì hiện nay đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhằm chọn được những cuốn sách hay nhất trong thời gian sớm nhất. Sự cạnh tranh cũng khiến các công ty phải liên tục tìm cách nâng cao chất lượng in ấn, trình bày, thiết kế bìa cùng với nhiều chương trình marketing đa dạng nhắm đến các độ tuổi và đối tượng khác nhau. Đây là một tin đáng mừng cho thị trường sách Việt Nam.
Dĩ nhiên, cũng bởi vậy mà độc giả sẽ khó khăn hơn trong việc lựa chọn được những đầu sách thực sự hay và bổ ích. Độc giả đang rất cần những kênh thông tin, đánh giá hữu ích, chính xác để giúp cho việc định hướng. Đây cũng là trách nhiệm của chính các công ty sách, để không chỉ lựa chọn những đầu sách giải trí, mang tính thị trường, dễ đọc dễ quên mà còn là những tác phẩm có giá trị, những cuốn sách kinh điển đã được độc giả thế giới công nhận.
Doanh thu chủ yếu của công ty ông đến từ dòng sách nào và điều đó có phản ánh gì xu hướng đọc của người Việt hiện nay?
Chúng tôi chủ yếu xuất bản sách quản trị kinh doanh và sách kỹ năng tư duy cho các bạn trẻ. Chúng tôi cũng mở rộng ra thêm các mảng khác như văn học và thiếu nhi nhưng hiện tại, mảng lớn nhất của chúng tôi vẫn là kinh tế và quản trị kinh doanh. Điều đó cho thấy, các bạn trẻ hiện nay không chỉ quan tâm đến những dòng sách văn học, ngôn tình... như chúng ta vẫn tưởng. Giới trẻ quan tâm nhiều hơn trước đây đến những cuốn sách dạy kỹ năng, làm giàu và học hỏi từ đó để phát triển nghề nghiệp và sự nghiệp của mình.
Cách đây mấy năm, nghiên cứu thị trường của Nielsen Online cho thấy người Việt Nam mua sách trực tuyến nhiều thứ tư trên thế giới sau Hàn Quốc, Ấn Độ và Áo. Vậy qua thực tế kinh doanh của công ty mình, ông nhận thấy điều đó có đúng không? Tốc độ phát triển và tiềm năng của kinh doanh sách trực tuyến liệu có chiếm ưu thế hơn hẳn so với các hình thức kinh doanh khác không?
Tôi nghĩ kết quả này là có cơ sở. Những trang mua sách trực tuyến ngày càng lớn mạnh như tiki, vinabook... đã và đang khẳng định vai trò của loại hình dịch vụ này. Việc mua sách trực tuyến giúp các bạn trẻ tiết kiệm tối đa thời gian, công sức đi lại, thậm chí cả chi phí. Alpha Books hiện cũng đã đẩy mạnh kênh phát hành online là http://bizspace.vn. Cách mua sách online dần trở thành xu hướng tất yếu của toàn cầu và tất yếu ở Việt Nam
Tuy nhiên, với những người yêu sách, việc có thể đến các khu phố sách như Đinh Lễ, Nguyễn Xí, tự chọn những cuốn sách mình yêu thích trong những ngày rảnh rỗi cũng được coi là một thú vui, là một thói quen.
Theo ông, liệu kinh doanh sách có thể là con đường làm giàu cho người Việt trẻ không?
Thu nhập của ngành sách không cao như những ngành nghề kinh tế, dịch vụ khác. Tiềm năng và dung lượng thị trường sách hiện nay ở Việt Nam khá nhỏ bé khi so với các quốc gia trong khu vực hay với các ngành khác.
Tuy nhiên, giá trị mà những cuốn sách mang lại lại lớn lao hơn rất nhiều. Những cuốn sách bổ ích sẽ đồng hành, dẫn dắt và tạo nên những thế hệ độc giả thông minh, chủ động, biết đi con đường riêng, biết cách làm giàu.
Theo tôi, bất cứ con đường nào cũng có thể giúp người Việt trẻ làm giàu, dù là kinh doanh sách hay nấu ăn, làm thuê hay làm chủ, làm công sở hay tự tìm con đường riêng cho mình. Điều cốt lõi là các bạn trẻ phải không ngừng trau dồi những kỹ năng, luôn giữ tinh thần cầu thị và học hỏi, dám thử thách bản thân, dấn thân và trải nghiệm đủ đầy - kể cả việc thất bại. Đối với ngành xuất bản, các bạn trẻ có thể làm giàu, có thể tạo lập sự nghiệp cho mình nếu tìm một cách đi mới, và đặc biệt là bước chân vào lĩnh vực sản xuất nội dung số, không chỉ cho Việt Nam mà có thể nghĩ việc sản xuất và gia công cho thế giới. Có lẽ đó là cơ hội lớn nhất cho các bạn.
Hiện nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh vẫn kêu ca giá sách đắt so với thu nhập của họ, cá nhân ông nghĩ như thế nào với luồng ý kiến này?
Phần nào tôi đồng ý với ý kiến đó. Quả thực sách của chúng ta nếu tính theo thu nhập là có cao hơn đôi chút. Nếu như ở các nước tiên tiến, mỗi tháng một người có thể mua một trăm đô la Mỹ cho sách vở (khoảng 3-5 cuốn), tức là chỉ chiếm chừng 2% thu nhập hàng tháng. Còn ở Việt Nam, để mua 3-5 cuốn như vậy, các bạn trẻ phải chi khoảng 200.000 đồng, tức là có thể chiếm tới 4-5% thu nhập của sinh viên mới ra trường (giả sử khoảng 4-5 triệu/tháng).
Tôi cho rằng, để có thể sở hữu tri thức, các bậc phụ huynh và các bạn trẻ nên đầu tư vào tương lai. Hơn nữa, giá thành một cuốn sách hiện nay đâu hề đắt. Chỉ từ 30-50 nghìn đồng cho các dòng sách kỹ năng và dưới 100 nghìn đồng cho những cuốn sách kinh tế, chính trị, văn học... Thực tế, so với nhiều mặt hàng khác chúng ta đang phải trả đúng giá của thế giới (thiết bị điện thoại, máy tính, máy ảnh, ô tô…) thì giá sách thực sự không quá cao như mọi người nghĩ.
Theo ông, xu hướng kinh doanh sách sắp tới ở Việt Nam sẽ phát triển như thế nào?
Chúng ta không thể phát triển một nền kinh tế tri thức nếu không có một xã hội học tập và không thể thiếu vai trò của ngành xuất bản. Những hoạt động như Ngày Sách Việt Nam mới đây có tác dụng khuyến khích người Việt Nam đọc sách nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước và cả xã hội để thúc đẩy sự phát triển của tri thức, như vốn ODA hay các nguồn đầu tư khác cần được dành cho ngành xuất bản, hoặc phát triển loại hình thư viện và thư viện số ở các địa phương, quận, huyện...
Về xu hướng, tôi nghĩ có thể có vài xu hướng lớn: (1) Xu hướng người Việt Nam viết sách cho người Việt Nam. Chúng ta cần những cuốn sách do chúng ta viết về chính xã hội, đất nước chúng ta; (2) Xuất bản nội dung số; (3) Có thể có những công ty, NXB lớn của thế giới vào Việt Nam kinh doanh.
Theo Đặng Thị Minh Hằng - Tiasang