Câu chuyện hôm nay
Làm thế nào để có nhiều tác phẩm văn học có chất lượng về TP Hồ Chí Minh?
08:17 | 21/07/2014

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 1975; đặc biệt là sau tiến trình đổi mới đất nước năm 1986, văn học TPHCM có những bước phát triển rất ngoạn mục.

Làm thế nào để có nhiều tác phẩm văn học có chất lượng về TP Hồ Chí Minh?
Các bạn trẻ tham gia Hội sách tại TPHCM

Với lực lượng hùng hậu các nhà văn từ nhiều nguồn, văn học thành phố có vụ gặt đầu thực sự bội thu. Xuất hiện hàng loạt tác phẩm văn học có giá trị cả về đề tài chiến tranh và đặc biệt là đề tài xây dựng cuộc sống kinh tế xã hội, trong đó có đề tài đổi mới. Có thể coi đây là giai đoạn sung mãn nhất của văn học nghệ thuật Sài Gòn - TPHCM.

Nhưng tình hình kéo dài không lâu. Cùng với xu thế phát triển kinh tế theo hướng thị trường, đáng tiếc, văn học TPHCM ngày càng xa rời những vấn đề kinh tế xã hội của thành phố, thoát ly khỏi đời sống của đông đảo nhân dân. Không có những tác phẩm văn học tầm cỡ phản ánh những bước đi lên của thành phố đã đành, văn học còn thiếu những tác phẩm phản ánh những bước tìm tòi, tháo gỡ khó khăn, những trăn trở để tìm ra những mô hình phát triển của một thành phố nhạy bén, năng động vốn là đầu tàu trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Văn học vắng bóng hình ảnh con người Bến Nghé - Đồng Nai của thời đại ngày nay. Văn học cũng thiếu hẳn những tác phẩm phân tích, lý giải, dự báo con đường phát triển của thành phố và đất nước; những tác phẩm phê phán tiêu cực, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng… với tinh thần nồng nhiệt công dân của những giai đoạn trước đó.

Vậy, đâu là nguyên nhân của tình hình trên?

Cùng với đường lối đổi mới chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, phải thừa nhận rằng diện mạo văn học cũng có bước chuyển đổi rõ rệt. Sáng tác văn học nở rộ với nhiều màu sắc phong phú, nhưng cùng với chuyển động mạnh từ cái ta của văn học thời bao cấp sang cái tôi của cá nhân, các nhà văn lại vô tình lãng quên những vấn đề đời sống xã hội chung của thành phố, của đất nước. Trong bước đầu chuyển đổi của tâm thế sáng tác, khó tránh khỏi những tâm lý cực đoan, nhất là các cây bút trẻ. Đây đó xuất hiện ý thức coi nhẹ vai trò xã hội của văn học. Chức năng giải trí được đề cao quá mức. Thậm chí, cực đoan hơn, có người còn phủ nhận chức năng phản ánh thực tiễn của văn học. Tác phẩm viết ra, vì vậy, xa lạ với các vấn đề xã hội, với trách nhiệm công dân. Lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số ít lúng túng vì sự biến động quá mau lẹ của xã hội, vì sự thay đổi các chuẩn mực thẩm mỹ; một số khác tuổi cao, không theo kịp sự phát triển của thực tiễn đời sống, có người viết cầm chừng về kỷ niệm, về chiến tranh, có người không đủ sức đã buông bút. Văn học xa rời cuộc sống là vì thế.

Kinh tế thị trường cùng với sự tuyệt đối hóa quy luật giá trị cũng tuyệt đối hóa ý nghĩa hàng hóa của văn học nghệ thuật. Sự chối bỏ chức năng nhận thức, chức năng giáo dục đã khiến văn học nghệ thuật chỉ cam tâm là một thứ hàng hóa đơn thuần. Văn hóa tiêu dùng lên ngôi. Thị trường văn hóa coi trọng những sản phẩm văn học nghệ thuật có thể đáp ứng tức thời nhu cầu tiêu thụ của công chúng và xem nhẹ những sản phẩm không cho lợi nhuận cao. Sản phẩm văn hóa có tính giải trí, vì vậy đã áp đảo trên thị trường văn hóa nghệ thuật. Các cơ quan văn hóa nghệ thuật, trong cơn bĩ cực đã biến mình thành các cơ sở dịch vụ cung ứng hàng hóa theo thị hiếu của người đọc. Đó là lý do các nhà xuất bản chuyên về văn học nghệ thuật vang bóng một thời bị đẩy lùi. Sự thả nổi hoạt động văn hóa cho thị trường cộng với sự yếu kém của các nhà quản lý xuất bản nhà nước, sự lạc hậu trong tư duy xuất bản, không theo kịp đà phát triển xã hội đã khiến hoạt động xuất bản văn học rơi vào cửa tử vì không cạnh tranh nổi với các hoạt động văn hóa tiêu dùng. Đó là lý do một số nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ lựa chọn cách viết dễ dàng nhất, đỡ tốn thời gian nhất, và đương nhiên không dại gì lựa chọn đề tài kinh tế - xã hội vừa tốn công sức, vừa gai góc và kém hiệu quả kinh tế.

Quá say sưa với những thành tựu về kinh tế, có vẻ như chúng ta đã quên đi vai trò động lực của văn hóa trong sự phát triển xã hội. Đầu tư cho văn học nghệ thuật của thành phố, tuy vào loại cao nhất nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị vốn là trung tâm kinh tế và văn hóa của cả nước. Phương thức đầu tư cũng rơi vào tình trạng chung: đầu tư dàn trải kiểu trợ cấp xã hội, thiếu hẳn những chiến lược, căn cơ, những đột phá có trọng điểm. Không tập hợp được lực lượng sáng tác cả nước tập trung ở thành phố vì chưa có những chính sách thích hợp theo kiểu trải thảm đỏ để thu hút tài năng, thúc đẩy sáng tạo. Đó là chưa kể chúng ta thiếu quan tâm tìm hiểu, chọn lọc, kế thừa các bài học kinh nghiệm của các nước xung quanh trong việc trong việc phát triển song hành văn hóa cùng kinh tế.

Kinh tế khó khăn những năm gần đây cũng làm suy giảm nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng. Sự phát triển ồ ạt của các phương tiện nghe nhìn với các chương trình giải trí hấp dẫn cả trong và ngoài nước tràn ngập trên các kênh truyền hình phổ cập rộng rãi, gần như đã tước mất của công chúng khả năng tìm đến các phương tiện văn hóa nghệ thuật khác. Không quá đáng khi nói rằng văn hóa màn ảnh nhỏ đã đè bẹp các sân khấu nghệ thuật, các rạp chiếu phim. Sách văn học cũng chung số phận đó. Những tác phẩm văn học, được in ra với số lượng ít ỏi rơi vào khoảng không im lặng, không tiếng vang vì quá ít người đọc và vì cả sự thờ ơ của các phương tiện thông tin đại chúng, đã làm nản lòng những người sáng tác. Văn học không thể nuôi sống người viết, đã đành. Văn học cũng gần như thiếu sự cổ vũ tinh thần của công chúng, bầu dưỡng khí thiết yếu để nuôi sống cảm hứng sáng tạo. Sự sai lầm của nền giáo dục trong tổ chức chương trình và giảng dạy các môn khoa học xã hội đặc biệt là văn và sử cũng tiếp thêm cú đấm mạnh mẽ vào văn hóa đọc.

Tác phẩm nghệ thuật tốt bao giờ cũng vậy, đòi hỏi ngoài tài năng nghệ sĩ phải có một không khí xã hội thuận lợi cộng với đầu tư vật chất hợp lý. Văn học viết về đề tài thành phố cũng vậy. Trước mắt, theo chúng tôi, cần thiết phải có các điều kiện sau đây:

1. Tạo một không khí dân chủ mới ở TPHCM trong mối quan hệ giữa lãnh đạo thành phố và văn nghệ sĩ để huy động lực lượng đông đảo văn nghệ sĩ cả nước ở thành phố tham gia vào các mặt hoạt động xã hội tại TPHCM. Tổ chức gặp mặt thường xuyên giữa lãnh đạo thành phố và văn nghệ sĩ để trao đổi về các vấn đề của đất nước. Tổ chức các tọa đàm, đối thoại với giới trí thức về các vấn đề nóng về hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong tương lai. Thường xuyên tham vấn, lắng nghe ý kiến phản biện của trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt coi trọng giải pháp đề xuất về các vấn đề phát triển văn hóa nghệ thuật thành phố.

2. Mở cuộc vận động sáng tạo lớn về đề tài thành phố cả lịch sử và đương đại. Biến cuộc vận động thành phong trào sáng tạo sâu rộng trong nhân dân để khơi dậy sức mạnh tinh thần của thành phố. Nội dung sáng tạo hướng vào việc phản ánh gương mặt văn hóa của con người TPHCM. Những đột phá năng động, nhạy bén trong tiến trình tìm tòi đổi mới, mở ra con đường đi lên cho đất nước. Những kinh nghiệm quý trong công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển. Tinh thần đi trước và về đích trước, cùng cả nước, vì cả nước của những người con Bến Nghé - Đồng Nai. Phân tích, lý giải dự báo hướng đi, con đường phát triển của thành phố. Những bài học nhân ái, những lý tưởng đạo đức nhân sinh… Đầu tư vật chất thích đáng cho cuộc vận động bằng nguồn vốn xã hội hóa để tạo ra những tác phẩm có giá trị.

3. Thành lập một quỹ đầu tư văn học nghệ thuật TPHCM. Đây là một quỹ đầu tư cho văn học nghệ thuật hoặc trực thuộc nhà nước hoặc hoạt động bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp được huy động. Quỹ đầu tư văn hóa nghệ thuật sẽ đầu tư phù hợp cho các tác phẩm đăng ký theo kiểu các dự án được phê duyệt, hoặc mua bản quyền các tác phẩm tốt viết về TPHCM. Cũng có thể hình thành một ngân hàng xã hội phát triển nghệ thuật TPHCM kiểu như ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư lâu dài cho hoạt động này.

4. Thành lập trung tâm quảng bá hình ảnh TPHCM. Đây sẽ là một trung tâm giới thiệu hình ảnh Sài Gòn - TPHCM ra cả nước và thế giới. Trung tâm sẽ là nơi đặt hàng các sản phẩm về TPHCM từ lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Một trong những hoạt động quan trọng của trung tâm này là đặt hàng xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây là trung tâm nhất thiết phải có sự đầu tư của nhà nước. Đầu tư chứ không phải bao cấp, vì vậy thay vì phân phối theo kiểu dàn đều, kiểu trợ cấp cho nhà văn, trung tâm sẽ tập trung cho những tác giả có uy tín có năng lực thực hiện để cho ra đời những tác phẩm đúng yêu cầu. Củng cố đầu ra cho các tác phẩm bằng hệ thống thư viện, hệ thống đọc sách của các tổ chức xã hội, các trường đại học và trung học. Làm tốt điều này, chắc chắn sẽ tăng lượng sách phát hành, khiến các nhà văn sẽ có động lực sáng tạo hơn.

5. Giao nhiệm vụ cho các phương tiện thông tin đại chúng thành phố trong việc tổ chức quảng bá, giới thiệu đánh giá tác động xã hội các sáng tác mới xuất bản, những tác phẩm có giá trị về đời sống kinh tế xã hội thành phố. Những tờ báo này có nhiệm vụ vừa là nơi bảo trợ cho sáng tác của các tác giả trẻ vừa có nhiệm vụ tôn vinh những tác giả có đóng góp nhằm cổ vũ tinh thần sáng tạo của các nhà văn. Trở thành trung tâm giao lưu, gặp gỡ trao đổi về các vấn đề kinh tế - xã hội thành phố và sáng tạo văn học nghệ thuật. Đi kèm với việc huy động sức mạnh tổng hợp của các phương tiện thông tin đại chúng, thành phố nên cho ra đời một ấn phẩm chuyên đề có thể lấy tên “Tác phẩm và dư luận”. Ấn phẩm này vừa tăng thêm đầu ra cho các sản phẩm văn học; giới thiệu những sáng tác mới của các nhà văn đồng thời là diễn đàn để bàn bạc, phản hồi, phản ánh dư luận bạn đọc và xã hội đối với những tác phẩm có giá trị, những tác phẩm thể nghiệm đổi mới, tạo không khí cho hoạt động sáng tạo.

Nguồn: Dương Trọng Dật - SGGP

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng