Dân tộc và Văn hóa dân tộc Việt Nam có trước rất xa ngày lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhà nước này đã được dựng nên, tồn tại và phát triển trên nền tảng văn hóa Dân tộc. Nhà nước này, như một lẽ tất yếu, có trách nhiệm bảo vệ, phát triển nền văn hóa dân tộc.
Bảo vệ văn hóa dân tộc là bảo vệ các giá trị, truyền thống, bản sắc của nền văn hóa dân tộc trước mọi sự xâm lăng, tàn phá từ bên ngoài vào và từ chính sự thoái hoá của nền văn hóa và chủ nhân của nó.
Phát triển văn hóa dân tộc là làm phong phú hơn diện mạo, cấu trúc nền văn hóa, nâng cao tầm hệ giá trị truyền thống, kiến tạo những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển của văn hóa nhân loại.
Văn hóa có quy luật tồn tại và phát triển riêng, có tính độc lập tương đổi với so với kinh tế - chính trị. Thay thế một nhà nước, thay đổi một cơ chế quản lý kinh tế - xã hội có thể thông qua một cuộc cách mạng với thời gian có thể tính bằng tháng, bằng năm. Để thay đổi diện mạo, kiến tạo một hệ giá trị mới phải có ít nhất hàng chục, hàng trăm năm, thậm chí nhiều trăm năm. Sự sụp đổ của một nhà nước, thậm chí một nền kinh tế có thể cứu vãn bằng tiền, bằng các học - lý thuyết khác nhau, của bất cứ ai, nhưng sự sụp đổ của một nền văn hóa, một hệ giá trị chỉ có thể cứu vãn bằng chính trầm tích văn hóa của dân tộc đó, bằng chính sự sáng tạo của chủ nhân của nền văn hóa đó. Trong một tuần, một tháng, một năm, một vài năm có thể cứu vãn sự sụp đổ của một nhà nước, một nền kinh tế nhưng vài chục năm, một trăm năm chưa chắc đã cứu vãn, khôi phục được một hệ giá trị của một nền văn hóa và khả năng sáng tạo của một cộng đồng dân tộc.
Sáu mươi chín năm đã qua là thời gian nền văn hóa dân tộc Việt Nam liên tục phải vận động với nhiều khúc quanh biến động về quan niệm giá trị bởi nhiều sự tác động của chính trị - kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều yếu tố từ bên ngoài lãnh thổ mang vào.
Hiện nay, đường lối xây dựng nền văn hóa dân tộc theo định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với xu thế vận động của thời đại, của nhân loại. Thế nhưng, trong thực tiễn, đời sống văn hóa của đất nước đang có những biểu hiện rất đáng lo ngại trên tất cả các lĩnh vực từ văn học đến nghệ thuật, đạo đức đến lối sống, phong tục – tập quán đến tín ngưỡng – tôn giáo… Quan niệm về giá trị của cộng đồng, mà đi đầu là ‘một bộ phận không nhỏ” cán bộ của Đảng và Nhà nước, đã thay đổi đến mức thoái hóa, biến thái, đi ngược lại truyền thống dân tộc. Đồng tiền lên ngôi thay cho nhân phẩm và năng lực sáng tạo. Trong thực tiễn hoạt động văn hóa thì chuộng phô diễn hình thức hơn đáp ứng nhu cầu văn hóa, đề cao thành tích ảo hơn giá trị đích thực, trọng dự án xây dựng hơn tác phẩm văn học nghệ thuật, ưa giả dối hơn sự chân thành…
Tất cả những quan niệm và lối hành xử đó đã nhấn nhìm khát vọng và năng lực sáng tạo của các chủ thế văn hóa đích thực, làm cho nền văn hóa dân tộc chưa thể vượt thoát được những trở ngại để bảo vệ những giá trị truyền thống của dân tộc, chủ động, tự tin hòa nhập với thế giới, với thời đại, để xác lập những giá trị mới phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Nếu không khắc phục được tình trạng này, sự đỗ vỡ về văn hóa của dân tộc Việt Nam là điều có thể xảy ra trong tương lai không xa.
Lỗi đó thuộc về nhiều người. Trong đó trách nhiệm của ngành văn hóa, của mỗi người đứng trong hàng ngũ ngành văn hóa, trước hết là các nhà lãnh đạo.
Phải làm gì, làm như thế nào?
Câu hỏi đó đang dành cho chúng ta, và, cũng trước hết, là các nhà lãnh đạo.
Nguồn: Vĩnh Khánh - VHNA