Câu chuyện hôm nay
Giải trí lấn át, nghệ thuật hàn lâm thui chột
14:15 | 23/09/2014

Họa sĩ Trần Lương vừa trở thành một trong hai nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa nhận được Giải thưởng Lớn giải Hoàng tử Claus 2014 (cùng Abel Rodriguez từ Colombia). “Giải thưởng cho tôi thấy rõ là mình đang làm những công việc bình thường của một công dân bình thường có trách nhiệm” - nghệ sĩ chia sẻ.

Giải trí lấn át, nghệ thuật hàn lâm thui chột
Nghệ sĩ Trần Lương: cùng tác phẩm chính là tác phẩm “Con Rồng Tân Thời” triển lãm tại Nhà Sàn Studio năm 1998, ngày khai mạc cũng là ngày khai sinh Nhà Sàn Studio. “Con Rồng Tân Thời” là tác phẩm sắp đặt đa phương tiện.

* Giải thưởng kèm theo nhận xét: “Trần Lương chính là nhân vật chìa khóa cho sự đi lên của phê bình nghệ thuật đương đại ở miền Bắc Việt Nam. Ông sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật truyền thống có tính cách tân, có bề dày kinh nghiệm với một thế hệ họa sĩ mới...”. Còn anh, điều gì đã khiến anh không dừng lại ở vị trí một họa sĩ bên giá vẽ?

- Cụ thể là tôi rời bỏ vai trò duy nhất là họa sĩ, mà thực hành đan xen như một người hoạt động phát triển cộng đồng, nhà tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ. Nghe có vẻ ôm đồm nhưng cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Vào khoảng năm 1995, sau một thời gian có cơ hội tự học hỏi về mối liên quan và cấu trúc giữa văn hóa nghệ thuật với xã hội, chính trị và công nghệ, tôi nhận thấy văn hóa nghệ thuật có tác động tương hỗ và quan trọng trong nhận thức tổng quan của mọi tầng lớp, đặc biệt là những người có ảnh hưởng đến vận mệnh xã hội. Vì thế, tôi cảm thấy hoạt động đơn thuần là một nghệ sĩ của mình đã trở nên yếm thế và lạc hậu, bản thân mình không tiếp cận được nhịp phát triển, nhưng lại có phần ích kỷ, hay nói cách khác là thiếu trách nhiệm.

Ở một góc độ hẹp hơn, ngay cả hoạt động nghệ thuật đơn thuần thì ở Việt Nam cũng không có đủ điều kiện cần chứ chưa nói đến đủ, để một người nghệ sĩ có thể phát triển tài năng, hay một người trẻ tuổi trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đó là các lỗ hổng như: giáo dục, tài trợ, hành lang pháp lý, phê bình lý luận và nghiên cứu, cơ chế quản lý và nguồn con người.

Trong mối liên quan giữa văn hóa nghệ thuật với xã hội, tôi tự hỏi làm sao để nghệ thuật thoát khỏi vai trò minh họa, vai trò công cụ thuần túy, làm sao vai trò của nghệ sĩ được liên thông với xã hội cả tư tưởng lẫn thực hành. Làm sao để phát triển cân bằng trong hiện trạng nghệ thuật giải trí lấn át còn nghệ thuật hàn lâm thì ngày càng thui chột.

Ở một góc độ khác, làm sao để hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ có chất lượng, khi cái gọi là cộng đồng nghệ thuật thiếu vắng vai trò quan trọng của hầu hết các chuyên gia như phê bình lý luận, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, người xin tài trợ; nhà tổ chức, điều hành, giám đốc nghệ thuật, kỹ sư âm thanh ánh sáng, luật sư bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ, nhà môi giới nghệ thuật, hệ thống sưu tập và bảo tàng…

* Khi đã thấy rõ những vấn đề tồn tại của nghệ thuật Việt Nam như vậy, trên thực tế ông đã làm và còn chưa làm được gì cho nghệ thuật nước nhà?

- Làm được gì ư? Nói làm được gì thì thật vô cùng, nghĩ đến việc muốn làm và thay đổi được cái gì đó lại thấy bất nhẫn. Từ rất lâu, tôi có tôn chỉ và xác định rõ ràng cho công việc của mình là hãy làm dần từng xăng-ti-mét. Tôi tin vào sự “có thể” khi bắt đầu bằng một việc nhỏ và liên tục đắp thêm từng mẩu nhỏ một. Nói thế để có niềm tin, chứ thất bại là chuyện thường, nhưng khi mất một hoặc nhiều mẩu nhỏ, chắc lại có thể ngồi dậy được…

Mặt khác tôi không đặt ra một kế hoạch duy ý chí về việc muốn làm những gì cho nghệ thuật phát triển. Mà kế hoạch và động lực của tôi dựa trên thực tế địa phương cụ thể. Nếu kể ra cái cần làm, cần thay đổi và ôm đồm thì sẽ ngất luôn: Vì đó là toàn bộ hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật, trong đó giáo dục, cơ chế quản lý và hành lang pháp lý là quan trọng nhất.

Nghệ sĩ Trần Lương

* Để thực hiện được những vấn đề như ông nói cần có thời gian dài và nỗ lực tâm sức rất lớn không chỉ cá nhân mà còn cần sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên so với trước năm 2008, bản thân ông mặc dù vẫn tham gia những hoạt động nghệ thuật cộng đồng nhưng nhìn chung các sự kiện ấy chìm vào trầm lặng. Điều này có phản ánh nghệ thuật đương đại Việt Nam từng có trong thời kỳ “ngủ đông”?

- Cá nhân hay nhà nước là quan niệm lỗi thời rồi. Các hoạt động phát triển xã hội trên thế giới hầu hết được thực hiện bởi tư nhân. Nhà nước chỉ lo về chính sách, ngân sách và tư vấn hỗ trợ. Nếu nhà nước cái gì cũng “sờ” vào, kiểm soát chi tiết thì công việc chỉ còn hình thức mà không có hiệu quả.

Sự trầm lặng của hoạt động nghệ thuật mà chị nói chỉ là hình thức. Những thực hành của tôi có thay đổi theo hướng dự án lâu dài, đa phương tiện, tương tác kết hợp với nghiên cứu. Vì thế bề ngoài thấy có vẻ bình lặng hơn, nhưng thực tế nó luôn dịch chuyển với không gian mới, người tương tác mới, ngữ cảnh mới… Cũng tương tự với các dự án phát triển cộng đồng: cũng dài hơi, có tính nghiên cứu và không quá coi trọng quảng bá hoặc trưng bày.

* Không còn nhiều hoạt động quảng bá hay triển lãm tác phẩm, không còn nhiều đất để làm nghệ thuật đương đại và thiếu hẳn sự hỗ trợ về tinh thần/vật chất từ các tổ chức, quỹ văn hóa trong và ngoài nước, nghệ sĩ trẻ từng có thời gian được ông dìu dắt đã trải qua cuộc sống cũng như hoạt động nghệ thuật thế nào?

- Đây là điều đáng buồn, một thực tế trần trụi. Có một số nghệ sĩ trong hai thế hệ sau tôi đã gần như rời bỏ nghệ thuật thực nghiệm. Cái cách bỏ thì rất khác nhau: Bỏ vì hoàn cảnh kinh tế. Bỏ vì cạn kiệt năng lượng do nền tảng đào tạo quá hạn hẹp. Bỏ vì làm một lúc hai thứ nghệ thuật, một cho thị trường và một cho sự nghiệp, cuối cùng thì thị trường bóp nghẹt hàn lâm.

Còn cái thời dùng từ “các quỹ” đã là quá khứ. Trước đã ít quỹ, giờ còn ít hơn. Tài trợ phi lợi nhuận thật sự chỉ có một quỹ còn hoạt động. Các tài trợ lẻ tẻ từ các đại sứ và trung tâm văn hóa nước ngoài rất ít và phải “có điều kiện”. Với nghệ thuật đương đại Việt Nam, đời sống của nó chưa bao giờ được thuận lợi.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

 

Giải thưởng Hoàng tử Claus được trao thường niên cho các tổ chức và cá nhân ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và vùng Caribean vì những thành tích xuất sắc của họ trong lĩnh vực văn hóa và phát triển. Các hạng mục giải thưởng bao gồm giải thưởng lớn Principal Prince Claus trị giá 100.000 euro và 10 giải Prince Claus trị giá 25.000 euro/giải.


Nguồn: Việt Quỳnh - TT&VH

 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng