Câu chuyện hôm nay
Sách giáo khoa phớt lờ tác quyền
13:58 | 01/10/2014

Biết bao tác giả có tác phẩm thơ, văn được sử dụng trong sách giáo khoa đã không được chi trả tiền tác quyền suốt hàng chục năm qua...

Sách giáo khoa phớt lờ tác quyền
Chỉ riêng năm học 2014 - 2015 đã có 97 triệu bản SGK được in và phát hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cho đến khi một phụ huynh gọi điện hỏi, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN) mới ngớ người, hóa ra ông có tác phẩm được in trong sách giáo khoa (SGK) mà không hay biết. Không một ai hỏi ý kiến ông về việc sử dụng tác phẩm và tất nhiên không một ai trả tiền tác quyền cho nhà văn.

Không chỉ Nguyễn Quang Thiều mà nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng không được xin phép, huống chi trả tiền tác quyền sử dụng tác phẩm trong SGK.

May mắn hơn có nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Bà cho biết đã từng được Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục gửi trả tiền tác quyền, nhưng chuyện đó cách đây đã hơn 10 năm. “Hồi đó ông Nguyễn Khắc Phi còn làm Tổng biên tập NXB Giáo dục, có gửi tôi tiền tác quyền 1 - 2 lần gì đó, số tiền cũng không đáng kể”, bà nói. Nhưng dù sao có còn hơn không, vì sau đó bà đã không còn nhận được thêm lần nào nữa. Nhưng nhà thơ vốn không có thói quen đi đòi. “Chỉ có một lần truyện ngắn Bà nội của tôi được giải thưởng in vào sách, khi tôi đến hỏi nhuận bút thì họ nói truyện của tôi có đăng đâu mà trả. Đến lúc đó tôi phải đưa quyển sách ra họ mới chịu”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể.


 
 

Không biết có phải do mặc định hay do cách hiểu SGK không phải là sách thông thường mà lâu nay NXB Giáo dục lẫn Bộ GD-ĐT không nghĩ đến việc xin phép tác giả sử dụng tác phẩm

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

 

 “Nhà văn, nhà thơ nhiều người rất dễ tính, chỉ cần nơi sử dụng ngỏ lời là họ dễ dàng đồng ý, không có ý thức về bản quyền. Trong khi nơi sử dụng lại cứ phớt lờ” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. “Ở VN, SGK từ tiểu học đến THPT sử dụng rất nhiều tác phẩm của nhà văn, nhà thơ. Không biết có phải do mặc định hay do cách hiểu SGK không phải là sách thông thường mà lâu nay NXB Giáo dục lẫn Bộ GD-ĐT không nghĩ đến việc xin phép tác giả sử dụng tác phẩm. Ngay như các nhà văn, nhà thơ cũng không nghĩ gì đến chuyện này từ hàng chục năm nay. Tôi nghĩ nếu nhà nước không có quy định cụ thể nào về việc SGK là loại sách đặc biệt, thì cũng phải coi như các loại sách thông thường khác. Cái này cần phải làm rõ. Nếu truy thu ra thì không biết bao nhiêu tiền” - ông Nguyên bày tỏ.

Về lý, SGK là “sản phẩm độc quyền” của NXB Giáo dục được bán có doanh thu, thì cũng phải được coi như các xuất bản phẩm khác. “Nếu như sách có ít độc giả thì có thể thông cảm được, nhưng với SGK có lượng người mua lớn như vậy thì rất khó. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến có gọi điện cho tôi nói cùng một số anh chị em nhờ đến chỗ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Trung tâm quyền tác giả văn học VN của Hội Nhà văn VN - PV)”- nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cho hay.

Tiền tác quyền có được truy thu ?

Đầu năm ngoái, Hội Nhà văn VN và Bộ GD-ĐT ký kết chương trình phối hợp Phát triển văn học trong nhà trường và Nhà trường với văn học giai đoạn văn học 2013 - 2020, trong đó có quy định “Bộ GD-ĐT chỉ đạo NXB Giáo dục VN nghiên cứu, phối hợp với Trung tâm quyền tác giả văn học VN thực thi các quy định về bản quyền trong xuất bản”. Có lẽ phải tới lúc này câu chuyện về tác quyền trong SGK mới được để ý đến. Nhà thơ Đỗ Hàn, Phó giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học cho biết, trung tâm thống kê có 590 tác giả có tác phẩm in trong SGK Tiếng Việt và Văn học, chưa tính tới sách tham khảo. “Suốt 4 tháng vừa rồi chúng tôi tập hợp ý kiến của các nhà văn, nhà thơ, hay gia đình của họ xem họ có nhận được tiền nhuận bút chưa, hay có ý kiến gì không”. Tháng 8 vừa qua, Hội Nhà văn VN và NXB Giáo dục mới đi đến thỏa thuận về việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm in trong SGK từ năm 2014 theo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong xuất bản. Việc truy thu từ năm 2013 trở về trước tính sẽ phức tạp hơn. Trong tháng 10, hai bên sẽ tiếp tục bàn về cách chi trả cho các tác giả.

“Có khi chúng tôi muốn gặp mà các anh bên NXB tránh mặt. Có lẽ họ cũng đang bối rối chưa biết xử lý việc này thế nào”, một vị trong Hội Nhà văn VN cho hay. Theo thống kê, chỉ riêng năm học 2014 - 2015 đã có 97 triệu bản SGK được in và phát hành. Chỉ cần nhẩm tính sẽ thấy số tiền tác quyền lớn đến như thế nào. Suốt một thời gian dài, NXB đã “quên” mất việc thực thi quyền tác giả, còn các nhà văn, nhà thơ thì lại vô tư và dễ dãi vì cho rằng việc có tên trong SGK là một vinh dự, nếu như mọi việc không bất ngờ được lên tiếng thì có lẽ số tiền tác quyền khổng lồ này đã bị “ỉm” đi không ai biết.

 

Nhà văn Ma Văn Kháng: Cách đây 7 - 8 năm, có vài lần tôi nhận được vài cuốn sách biếu, tiền nhuận bút tất cả khoảng độ 100.000 đồng. Còn về sau, hiếm thấy ai hỏi ý kiến tôi hay trả tiền cho tôi. Đối với riêng tôi, tôi không nghĩ nhiều lắm vì thấy tác phẩm của mình được đưa ra cho các em học sinh học là vui rồi. Nhưng thật ra đây cũng là điều thiệt thòi cho các nhà văn. Truyện của tôi đăng trong sách lớp 3, lớp 5 và lớp 12 đấy. Mở ra là thấy thôi.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN): Không chỉ cá nhân tôi mà còn những nhà văn khác cũng ở trong tình trạng không được xin phép sử dụng tác phẩm của mình cũng như không được trả tác quyền. Lâu nay, không chỉ NXB Giáo dục vi phạm tác quyền của các nhà văn mà còn nhiều đơn vị khác. Hội Nhà văn vừa có cuộc làm việc với NXB Giáo dục về việc trả tiền tác quyền cho các nhà văn. Hai bên đã đi đến kết luận là NXB Giáo dục phải thực hiện việc trả tác quyền cho các nhà văn kể từ khi luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực cho dù việc thực hiện đó có những khó khăn nhất định.

Nhưng cũng có cơ quan đưa ra những lý do này nọ để tránh việc trả tiền tác quyền của các nhà văn. Mọi lý do ngoài luật Sở hữu trí tuệ đều không được thừa nhận trừ khi các nhà văn (thông qua Trung tâm quyền tác giả văn học mà họ đã ủy quyền) chia sẻ những khó khăn với các cơ quan đó sau khi nghiên cứu kỹ các khó khăn mà họ đang phải đương đầu.

 

Sẽ phối hợp với Trung tâm Quyền tác giả văn học để giải quyết

Trả lời PV Thanh Niên, đại diện lãnh đạo NXB Giáo dục VN cho biết: Bộ SGK hiện hành được tổ chức biên soạn từ năm 2002 - 2008. Tác giả biên soạn SGK được Bộ GD-ĐT lựa chọn. Các tác giả biên soạn SGK theo chương trình do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành. Trong quá trình biên soạn, tổng chủ biên, chủ biên và các tác giả lựa chọn một số tác phẩm thơ, văn trích đưa vào SGK Tiếng Việt và SGK Ngữ văn để phục vụ cho nội dung bài học.

Các tác phẩm thơ, văn được sử dụng với vai trò là ngữ liệu để biên soạn nội dung  bài học. Việc trích sử dụng tác phẩm đưa vào SGK về nguyên tắc tác giả biên soạn SGK thỏa thuận với các tác giả có tác phẩm được trích sử dụng. Sau các vòng thẩm định, SGK được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt lưu hành trong toàn quốc. NXB Giáo dục được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức biên tập, in - phát hành, cung ứng đầy đủ SGK trong toàn quốc.

Vị lãnh đạo này thông tin: Mặc dù luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực, nhưng tại thời điểm biên soạn, NXB Giáo dục VN đã thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm được trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn. Tùy thuộc mức độ trích sử dụng, NXB trả từ 100.000  - 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích và sách biếu (mức cao nhất không vượt quá tiền nhuận bút biên soạn cho bài học đó). Ngày 14.8.2014, NXB Giáo dục VN đã làm việc với Trung tâm quyền tác giả văn học để thực hiện việc chi trả tiền sử dụng tác phẩm văn học trong SGK. Việc trả tiền, NXB sẽ phối hợp với trung tâm để giải quyết một cách hợp lý, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Tuệ Nguyễn

Theo Minh Ngọc - TN

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng