Nghệ sỹ ăn mặc phản cảm, giá trị nghệ thuật bị xem nhẹ, thiếu văn hóa trong cách ứng xử... là những hiện tượng cho thấy văn hóa Việt đang biến đổi một cách nhanh chóng.
Hàng loạt các thông tin về các sai phạm trong trùng tu kiểu phá di tích, làm mới di tích, trùng tu mà không hiểu Luật Di sản như vụ chùa Trăm gian, chùa Sổ, đình Quang Húc... xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng rồi những vụ việc sai phạm trong trùng tu di tích vẫn vô tư tiếp diễn, khiến cho dư luận bức xúc, các nhà nghiên cứu văn hóa xót xa.
Hiện tượng ca sỹ Lệ Rơi cũng như hàng loạt clip thảm họa âm nhạc xuất hiện trên mạng, nhưng lại khiến khá đông cộng đồng mạng xôn xao, không ít người ủng hộ, tung hô... đã cho thấy, thị hiếu, nhu cầu của một bộ phận khán giả đang đi xuống, hoặc muốn tìm đến cái lạ, cái mới, cho dù cái lạ, cái mới ấy không có chất lượng, thậm chí là phá nát nghệ thuật.
Mặc dù đã có quy định cấm, nhưng nhiều ca sỹ, người mẫu vẫn cố tình phớt lờ, vô tư ăn mặc hở hang thái quá khi biểu diễn, gây phản cảm trên sân khấu, bị khán giả phản đối như ca sỹ Hương Tràm, người mẫu Hà Anh. Khi bị cơ quan chức năng xử phạt thì lại tỏ ra bất mãn, không thừa nhận mình đã mắc sai phạm.
Chương trình “Nhân tố bí ẩn” phát sóng kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam, các thành viên nhóm F - Band hồn nhiên sử dụng chiếc khăn Piêu, vốn là khăn đội đầu của phụ nữ Thái, là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái để đóng... khố, khiến khán giả, đặc biệt là những đồng bào dân tộc Thái, hết sức bức xúc, tức giận...
Đó chỉ là những dẫn chứng cho thấy nhận thức về giá trị văn hóa, phông văn hóa cũng như cách ứng xử văn hóa ở Việt Nam đang bị biến đổi một cách trầm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại trong đời sống xã hội.
Một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải thốt lên rằng, lối sống của dân Việt bây giờ rất khác xưa, khác đến ngỡ ngàng. Điều đáng nói là cái khác ấy không phải vì có nhiều nét mới, vì hay và đẹp, mà chủ yếu là vì có quá nhiều cái dở, cái xấu, đặc biệt là sự tha hóa của lối sống hiện nay. Đó là lối sống cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, vị kỷ, coi tiền là trên hết; là lối sống thực dụng, hưởng lạc, buông thả, thác loạn, là lối sống vô cảm, mặc kệ đời, cơ hội, vụ lợi, tham lam... Sự tha hóa trong lối sống đã dẫn đến tình trạng bùng phát các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, lừa đảo, cưỡng bức, bạo lực gia đình... gây ra bao thảm cảnh đau lòng, từ trong các gia đình cho đến cộng đồng xã hội, gây tổn thất và nguy hại cho đất nước.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, một trong những nguyên nhân của tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống ấy chủ yếu do môi trường kinh tế, xã hội. Khi xã hội quá đề cao và quan trọng hóa sự phát triển của kinh tế, coi nhẹ những giá trị văn hóa, sẽ khó tránh khỏi sự thay đổi về hệ thống giá trị đang diễn ra ở Việt Nam.
Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng, trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình toàn cầu hóa, hội nhập nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã dẫn đến sự tha hóa trong lối sống, xói mòn những giá trị tốt đẹp, văn hóa Việt Nam đang có nguy cơ bị lệ thuộc, lấn át của các yếu tố văn hóa ngoại lai đang du nhập ào ạt, ảnh hưởng lớn trong xã hội, nhất là thanh thiếu niên... Lớp trẻ Việt Nam đang bị choáng ngợp bởi sự thay đổi hệ thống giá trị, dẫn đến những thay đổi về văn hóa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng tin rằng, một khi bình tĩnh lại, lớp trẻ Việt Nam sẽ biết cách tiếp nhận và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc.
Trước nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về sự biến đổi của văn hóa, trăn trở không biết văn hóa Việt sẽ đi về đâu, và giới trẻ cần làm gì để bảo tồn văn hóa Việt dân tộc và hiện đại... GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, Việt Nam đã đi qua ba nền văn hóa, là văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt và văn hóa Việt Nam hiện đại. Tuy nền văn hóa Việt Nam hiện đại vẫn còn ngổn ngang, đang trong quá trình “vỡ” ra để sắp xếp lại, nhưng chúng ta không nên quá bi quan hay sốt ruột về tương lai của văn hóa Việt Nam. GS Ngô Đức Thịnh khẳng định, ông không lo văn hóa Việt bị mất, bị văn hóa ngoại lai đè bẹp, ông cũng tin tưởng văn hóa Việt đang biến đổi, đang tìm con đường trở về với văn hóa cội nguồn và thế hệ trẻ sẽ là chủ nhân của nền văn hóa Việt Nam hiện đại ấy. Tuy nhiên, theo GS Ngô Đức Thịnh, để bảo vệ được nền tảng văn hóa Việt, giới trẻ cần ý thức được về văn hóa, hiểu sâu xa về văn hóa Việt, phải cống hiến và đấu tranh để bảo vệ văn hóa Việt. Một trong những việc mà các bạn trẻ cần làm là đi thăng bằng trên dây, nghĩa là giữ truyền thống nhưng không bảo thủ, vừa chủ động giao lưu hội nhập với văn hóa quốc tế, vừa kiên trì làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội cần có sự tuyên truyền mạnh mẽ chống lại các thói quen xấu đang hình thành, nhà trường và gia đình cần dạy dỗ nhiều hơn về văn hóa giao tiếp và ứng xử. Bản thân mỗi cha mẹ cần là một tấm gương sáng để con cái noi theo. Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường cần chú trọng khâu rèn luyện đạo đức, nếp sống, thói quen cho trẻ để phát triển toàn diện con người Việt Nam về cả nhân cách, trí tuệ và thể lực. Có như vậy mới góp phần đưa văn hóa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong mắt bạn bè thế giới.
Theo Phương Hà - Báo Tin Tức