Trong hội thảo do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận T.Ư và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội hôm qua (9.1), nhiều câu chuyện thời sự nóng hổi đã được chạm đến, đề cập tới các góc độ, chính sách phát triển văn hóa, phát triển con người.
Cần thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo
Chẳng hạn, Zone 9, một khu vui chơi cho giới trẻ Hà Nội, đã xuất hiện trong ít nhất 3 tham luận tại hội thảo về công nghiệp sáng tạo. Trong đó, nó không chỉ được các nhà nghiên cứu đánh giá như một dấu hiệu khởi đầu cho nền công nghiệp này tại VN, mà còn nhìn nó và các không gian sáng tạo liên quan như một đối tượng cần được pháp luật bảo hộ nhằm thúc đẩy phát triển. Điều này, hiện còn đang thiếu.
Theo Th.S Nguyễn Thị Thu Hà, chúng ta đã sớm có chính sách khuyến khích thuế cho các doanh nghiệp văn hóa, giáo dục, thể thao... Danh sách được hưởng ưu đãi thuế 10% cũng cho thấy mức độ ưu tiên của nhà nước đối với các hoạt động văn hóa truyền thống hay hoạt động nghệ thuật lâu đời. Vì thế di sản, biểu diễn dân tộc, mỹ thuật, điện ảnh… đều được hưởng ưu tiên này. Tuy nhiên, thực tế của công nghiệp sáng tạo hiện nay còn đa dạng hơn và vượt ra khỏi danh sách đó. Chính vì thế, cần bổ sung thêm một số ngành nghề văn hóa sáng tạo được ưu đãi thuế. “Chúng ta có thời trang, thiết kế, đồ họa, phần mềm công nghệ thông tin, nghệ thuật hình ảnh, quảng cáo… Sự bùng nổ của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào các lĩnh vực truyền thông mới, quảng cáo, thiết kế, phần mềm... ở các TP lớn trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cho thấy xu hướng mở rộng này”, Th.S Hà phân tích.
Khủng hoảng giá trị thẩm mỹ có thể gây tổn thương dân tộc
Bên cạnh đó, các hiện tượng nhạc rác, thần tượng sau một cú nhấp chuột cũng được nhắc tới như biểu hiện của lệch chuẩn văn hóa, khủng hoảng giá trị thẩm mỹ. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, khủng hoảng này thậm chí có thể gây tổn thương cho dân tộc. “Ngay từ đầu thế kỷ 20, nhà văn hóa Đào Duy Anh đã cảnh báo về bi kịch của sự phát triển từ góc nhìn văn hóa, khi văn hóa bị lơ là. Sự khủng hoảng thẩm mỹ hiện nay chính là biểu hiện rõ của xuống cấp giá trị đạo đức thẩm mỹ, nằm ngay trong bi kịch ấy”, bà Thái phân tích.
Nhà văn Y Phương lại đề cập đến những chính sách khuyến khích đa dạng văn hóa để thúc đẩy nghiên cứu, trao truyền văn hóa tộc người. Theo nhà văn, cần phải có những sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc, dạy học bằng ngôn ngữ dân tộc bên cạnh tiếng Kinh. Có thế mới tránh được xu hướng “Kinh hóa” xuất hiện trong tâm thế một bộ phận giới trẻ dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Tày của chính nhà văn.
GS-TS Phùng Hữu Phú lại nhắc đến những quy định, cơ chế không phù hợp cho sáng tạo, không thúc đẩy sáng tạo. “Bây giờ cứ cơ chế một mét khối xây dựng thô với một mét khối sáng tạo điêu khắc chênh nhau không đáng kể. Một cuốn sách xuất bản xong chỉ đủ tiền mua sách tặng bạn và một chầu bia thì ai viết sách và chất lượng những cuốn sách ấy thế nào”, ông nói.
Chính vì thế, ông Phú cho rằng, quan trọng nhất của thực hiện Nghị quyết phát triển con người là thay đổi những gì đã không còn phù hợp. “Cần thiết rà soát để điều chỉnh bổ sung xem hệ thống pháp luật ổn chưa. Hành lang pháp luật còn thiếu cái gì thì bổ sung. Cái gì lỗi thời rồi cần đổi mới. Cái gì mâu thuẫn cần điều chỉnh. Cần thể chế hóa để có hành lang pháp lý mà triển khai. Nghị quyết là định hướng, còn đi vào cuộc sống là phải thể chế hóa bằng pháp luật. Phải xem là cơ chế nào đang kìm hãm sức sáng tạo của văn hóa. Phải có cơ chế làm sao phát huy được tiềm năng và sức mạnh sáng tạo văn hóa, để phát huy tốt nhất giá trị sáng tạo văn hóa”, ông Phú kết luận.
Sớm đề phòng, ngăn chặn hội chứng xin lỗi
Gần đây đã xuất hiện lời xin lỗi của cá nhân và tổ chức đối với những sai trái gây hậu quả. Đó là một khởi động tốt nhưng phải sớm đề phòng, ngăn chặn “hội chứng xin lỗi” mà vẫn vắng bóng hành vi sửa lỗi. Văn hóa xin lỗi chỉ có ý nghĩa tích cực bằng thước đo sửa lỗi, đồng thời phải sớm hình thành và thực hiện văn hóa từ chức với sức đẩy của liêm sỉ, nhân phẩm, danh dự, trách nhiệm đối với người giữ chức quyền. Đó là đòi hỏi của xã hội, là ý nguyện của nhân dân.
GS-TS Hoàng Chí Bảo
Lãng phí tiền của
Các công trình nghệ thuật được sản xuất ra và rơi vào quên lãng, lãng phí tiền của của nhà nước và xã hội. Ví dụ như một số bộ phim do nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng nhưng không thể chiếu ở rạp. Điều này còn tồn tại ở rất nhiều lĩnh vực khác như âm nhạc, thủ công mỹ nghệ... Trong khi nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, những người sáng tạo không sống được bằng nghề. Thị trường nghệ thuật méo mó, không phát triển theo đúng quy luật cung cầu của nó.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn,
Phó viện trưởng Viện Văn hóa
|
Nguồn: Trinh Nguyễn- TN