Câu chuyện hôm nay
Lì xì, chuyện nhỏ mà không nhỏ
09:55 | 06/02/2015

Tưởng lì xì con trẻ là... chuyện nhỏ, nhưng thật ra có rất nhiều điều đáng bàn quanh câu chuyện lì xì đầu năm.

Lì xì, chuyện nhỏ mà không nhỏ
Không bao giờ thừa khi dạy trẻ ứng xử có văn hóa vớ i tục lì xì. Ảnh minh họa

Khi hỏi trẻ con thích gì ngày tết, phần lớn các bé đều trả lời: thích được lì xì nhất. Ngay cả các bé còn nhỏ, dù chưa ý thức chuyện tiền bạc, chưa biết xài tiền, nhưng khi được người lớn lì xì, cũng tỏ ra háo hức, muốn có phần như các anh chị mình.

Khi người lới cũng chạy theo tiền

Chị H là giáo viên một trường tiểu học ở Tân Bình than thở: tết đến biết bao nhiêu khoản phải lo, ngay cả chuyện lì xì cũng cả một vấn đề. Chị bảo “họ lì xì con mình bạc trăm, mình cũng phải lì lại bạc trăm mới xứng”. Hay “lì xì ít tiền, không chỉ tụi nhỏ chê mình ki bo, mà người lớn cũng tỏ ra xem thường”... Thế là chị cố gắng đầu tư cho khoản lì xì năm mới khá bộn so với khả năng tài chính của mình.

Không ít người cùng suy nghĩ như chị H, ai cũng tự giao “chỉ tiêu” để “thi đua” với người khác. Chính điều đó vô tình tác động vào trí óc còn non nớt của trẻ: chờ tết để “kiếm tiền”!

Trẻ con nghĩ gì nói nấy, thích điều gì thì sẵn sàng chờ đợi, và thể hiện niềm yêu thích của mình ngay lập tức. Không lạ gì khi rất nhiều bé vừa nhận được tiền lì xì đã vội vàng mở ra xem, còn bình phẩm ít/nhiều, thể hiện thái độ ngay trên nét mặt, khiến người lì xì nhiều khi “đứng hình”. Hay có bé đọc vanh vách lời chúc mừng khi vừa nhận lì xì, kiểu “cho có”, vô cảm; hoặc mở bì lấy tiền, rồi vứt phong bì ngay tại chỗ...

Lì xì luôn cần văn hóa

Một người mẹ khác chia sẻ điều thú vị về cách dạy con quanh chuyện lì xì. Chị kể: ngay khi con còn nhỏ, sáng mùng một chị lì xì cho các con sớm. Chị bỏ vào phong bì mấy đồng tiền lẻ, thật phẳng. Chị không quên chúc con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi.

Với chị, giáo dục ngay khi con còn nhỏ, để các con quen với “nếp” lì xì ít, giúp các con hiểu rằng, ngay cả ba mẹ là người thân cận nhất, lại lì xì khiêm tốn, thì đừng mong chờ những đồng tiền “lớn” từ người khác.

Mặt khác, cần dạy trẻ hiểu rằng tiền lì xì thể hiện sự quan tâm, phong tục tập quán của người Việt, nên không nhất thiết phải nhiều, và trẻ con đừng có ý định “hốt” tiền ngày tết.

Chị bảo, những đồng tiền lì xì thường là tiền phẳng, mới. Qua đó, chị muốn các con mình biết trân trọng đồng tiền, biết nâng niu, gìn giữ, chứ đừng bạ đâu “gùi” đó, như cách mà nhiều bé thường làm. Bây giờ, chị rất yên tâm khi các bé nhà mình đã tỏ ra lịch sự và biết ơn khi được nhận lì xì, biết nhận phong bì bằng hai tay, không mở phong bì trước mặt người lớn, và có những lời chúc tết đáng yêu.

Cha mẹ cần giúp con quản lý tiền lì xì

Nhiều trẻ chưa có tính cẩn thận, hiếu động, vứt phong bì lung tung, hoặc trẻ em nhỏ chưa biết giữ tiền, bố mẹ nên giữ bao lì xì hộ con. Với nhiều bé, quan niệm tiền được lì xì là sở hữu riêng, nên muốn làm gì tùy thích. Không ít phụ huynh cũng chiều theo ý con, để con thoải mái chi tiêu mà không có sự kiểm soát.

Sau tết, rất nhiều trẻ dùng tiền lì xi để chơi game, mua sắm, ăn quà, làm những việc vô bổ. Tiền lì xì nhiều hay ít, ba mẹ nên giúp con sử dụng sao cho ý nghĩa. Chẳng hạn nuôi heo đất, mua sách vở, dụng cụ học tập...

Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em rất mong đón tết để được tiền mừng tuổi, ba mẹ nên cân nhắc để bé có quyền lựa chọn, nếu đó là nhu cầu chính đáng.

 
Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng