Câu chuyện hôm nay
Phục chế, trùng tu: Bài toán văn hóa về sự cân bằng
09:33 | 11/08/2015

Không chỉ bị tàn phá bởi thời gian, nhiều công trình, di tích - nhất là các đình, chùa - còn bị biến dạng qua các công cuộc bảo tồn, trùng tu mà ở đó những người trông coi di tích và những người làm công đức tự cho mình quyền được can thiệp vào chuyên môn, còn chính quyền sở tại thì cấp phép trùng tu, tôn tạo một cách đại khái, dễ dàng, trong khi vai trò của các nghệ nhân lại chưa được coi trọng đúng mức.

Phục chế, trùng tu: Bài toán văn hóa về sự cân bằng
Ngôi chùa mới xây lênh khênh chắn ngay mặt tiền của ngôi chùa Vĩnh Khánh cũ. Ảnh: Lê Thiết Cương

Di tích - nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và lòng tham

Một điều dễ nhận thấy, các di tích văn hóa, lịch sử ở Việt Nam (đình, chùa, miếu, mạo,…) được tạo ra bởi các nguyên vật liệu chủ yếu gắn với những nghề thủ công truyền thống của nước ta như: nghề gốm, nghề mộc, nghề sơn. Điều đó có nghĩa, việc “đòi hỏi” các công trình phải trường tồn với thời gian, không bị hư hại gì là điều không thể có. Trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm đúng và cần thiết để giảm thiểu hư hại của các di tích, nhưng không phải ai cũng có nhận thức và cách làm đúng về quá trình này.

Nhiều năm trở lại đây, không ít công trình lịch sử có giá trị được trùng tu, tôn tạo đã đánh mất đi vẻ đẹp hài hòa của nó. Ở Hà Nội có thể điểm qua một số công trình như: Tu bổ, tôn tạo tổng thể đình và đền Kim Liên (khởi công tháng 10/2008, tổng đầu tư hơn 36,6 tỷ đồng); trùng tu, tôn tạo chùa Trấn Quốc (khởi công từ tháng 6/2009, kinh phí ước tính 15 tỷ đồng); trùng tu, tôn tạo đền Voi Phục (khởi công từ tháng 7/2009, kinh phí ước tính 18 tỷ đồng). Điểm chung của cả ba công trình này là đều phá đi xây lại cổng vào theo một kiểu tam quan chung (ba lối đi, trong đó cửa ở giữa thường lớn hơn hai cửa bên). Bên cạnh đổi hướng cổng cũ đình Kim Liên, người ta gần như “bê nguyên” tam quan chùa Láng – một trong 10 tam quan đẹp nhất Việt Nam - để làm cổng cho đền Voi Phục, vẻ đẹp hài hòa cũng như các chi tiết trang trí có tính biểu tượng, nghệ thuật cao ở cổng cũ cũng hoàn toàn biến mất.

Thậm chí, tháng 8/2012, khi người ta đã phá dỡ và xây mới gần như hoàn thiện nhà Tổ cổ và gác Khánh cổ của chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) - một ngôi chùa từ thời Lý được xếp hạng Di tích Quốc gia hơn 40 năm - thì những người có người có thẩm quyền mới phát hiện ra. 

Không trực tiếp phá dỡ công trình cũ, nhưng việc xây công trình mới trong một tổng thể kiến trúc cũ, phá vỡ cảnh quan chung, cũng là một cách làm sai lầm trong trùng tu, tôn tạo di tích. Ở trường hợp này có thể dẫn ra ví dụ về tháp Bình Sơn trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (Vĩnh Phúc) - một trong ba ngôi tháp đất nung (gốm không men) cổ, tiêu biểu cho lối kiến trúc thời nhà Trần, cao 13 tầng (hiện còn 11 tầng), một di tích lịch sử, nghệ thuật có giá trị cao vào loại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Tháp đã trải qua giai đoạn đại trùng tu trong thời kì đất nước có chiến tranh (từ năm 1971-1973) trước nguy cơ bị sụp đổ do nhiều trận lũ lụt trước đó. Xưởng phục chế đã được lập ra dưới sự phối hợp của nhiều tổ chức và cá nhân như Xưởng Phục chế di tích của Bộ Văn hóa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Trung ương, Hợp tác xã cao cấp gốm sành Hương Canh, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú, các kỹ thuật viên, các chuyên viên về sành - gốm, các nghệ nhân, cán bộ chụp ảnh, cán bộ đồ họa và in thạch cao, đã đảm bảo việc phục dựng tháp đúng từng chi tiết như nguyên tác.

Thế nhưng thời gian gần đây, trong sân chùa Vĩnh Khánh lại xuất hiện một ngôi chùa mới, cao tương đương ngôi nhà bốn-năm tầng, chắn trước không gian một nếp chùa Việt cũ điển hình ở đồng bằng sông Hồng với kết cấu năm gian nằm ngay sau nó. So với ngôi chùa cũ với hệ thống tượng Phật còn nguyên, rất đẹp thì ngôi chùa mới xây với vài ba pho tượng mới, sơn xanh đỏ lòe loẹt, đèn màu nhấp nháy không hề có giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật nào.

Điều này, chỉ có thể là do thiếu hiểu biết, do đạo đức văn hóa của con người đã thực sự xống cấp. Vì nếu có hiểu biết và có văn hóa thực sự, thì người trụ trì các chùa hay những người trông coi di tích nói chung không bao giờ tự cho mình quyền làm chủ đối với di tích đó; những người trong chính quyền sở tại không nghiễm nhiên cấp phép cho việc trùng tu, tôn tạo khu di tích một cách đại khái, dễ dàng. 

Song đáng nói hơn là nhận thức và văn hóa của những người làm công đức, góp tiền xây lại đình, chùa…; những người hành lễ; người tu hành. Bởi nếu người đi lễ không cho rằng đến một ngôi chùa to sẽ xin được nhiều lộc thì sẽ không nảy sinh nhu cầu xây những ngôi đình, ngôi chùa “hoành tráng”; nếu người làm công đức chỉ làm công đức đơn thuần, không cho rằng mình có quyền đưa ra ý kiến về việc xây dựng, hay chính quyền địa phương không quá ham muốn có những di tích thu hút đông khách du lịch để mở các dịch vụ thu phí đi kèm thì câu chuyện đã sang một hướng khác.

Phật dạy rằng “tham phúc cũng là tham” cho nên núp dưới chiêu bài “du lịch tâm linh”, các thành phần nói trên đã “thống nhất và cấu kết” với nhau trong một mục đích chung là “đồng tiền”, dù dưới hình thức này, hình thức khác. Một xã hội chạy theo đồng tiền là hết sức sai lầm, bởi vì không phải cái gì cũng có thể đem ra kinh doanh kiếm chác được, nhất là đối với các công trình mang giá trị văn hóa, lịch sử.

Phục chế, trùng tu: Phải học từ nghệ nhân

Đối xử với các công trình văn hóa một cách có văn hóa phải được xem là gốc trong giữ gìn, bảo tồn các khu di tích và điều đó phải được thể hiện ở ba điểm sau.

Trước hết, phải có quan niệm đúng về bảo tồn, trùng tu. Muốn vậy, chúng ta buộc phải học quan niệm về bảo tồn, trùng tu của các nước trên thế giới và áp dụng ở Việt Nam cho phù hợp. Bảo tồn, trùng tu cần đảm bảo nguyên trạng công trình đã có, hạn chế tối thiểu mức độ sai lệch so với nguyên bản.

Thứ hai, chúng ta cần mở các lớp học về phục chế có cấp học bổng và mời nghệ nhân ở các làng nghề về dạy (tập trung vào nghề mộc, nghề gốm và nghề về sơn), mỗi khóa học khoảng 50 người. Hai năm đầu học các môn đại cương về lịch sử mỹ thuật, hệ thống các di tích văn hóa-lịch sử, các kiến trúc điển hình qua các triều đại, trang trí họa tiết của các di tích trong từng thời kì… Hai năm sau đi vào chuyên ngành cụ thể, học và thực hành, nghiên cứu gỗ, gốm, gạch ngói, sơn mài, sơn quang dầu; học cách thếp lại một pho tượng hay làm câu đối chất liệu sơn mài trên gỗ; cách làm con kìm, con nghê, họa tiết tranh trên bờ nóc các công trình…

Đây là việc làm hết sức cần thiết bởi lớp nghệ nhân kỳ cựu không thể sống mãi để đợi chúng ta, nếu chúng ta không biết tận dụng họ thì khả năng những di tích lịch sử biến mất trong giai đoạn tiếp theo là điều khó tránh khỏi.

Có quan niệm phục chế đúng, có những người thợ phục chế giỏi vẫn chưa đủ, một điểm quan trọng không kém là nguồn nguyên liệu phải chuẩn. Chẳng hạn, để làm ra màu sơn đen, màu cánh gián đúng chuẩn thì vùng trồng cây sơn ở Thanh Sơn (Phú Thọ) là nơi tốt nhất để khai thác. Hoặc khi thếp vàng lên tượng Phật mà dùng vàng pha vàng Nhật, dùng quỳ không đúng kích thước thì cũng không thể nào đẹp được…

Trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích là một quá trình lâu dài cần được tiến hành một cách cẩn thận, bài bản. Làm thế nào để giá trị và vẻ đẹp của những di tích đến được với nhiều người trong khi lại hạn chế được tối đa mức độ xuống cấp các công trình luôn là một bài toán nan giải không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Phải cấp quota du lịch cho các khách du lịch đến thăm di tích như nhà văn Nguyên Ngọc từng đề xuất cấp quota khách du lịch thăm Hội An; phải có chính sách cụ thể cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn thì di tích mới có thể phát huy được hết giá trị và ý nghĩa của nó theo thời gian.

Nguồn: Lê Thiết Cương - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhà văn già (24/07/2015)