Câu chuyện hôm nay
Di sản mộc bản đang tiêu tán từng ngày…
15:31 | 14/08/2015

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt, hoàn cảnh lịch sử cùng cách bảo tồn còn hời hợt khiến những kho mộc bản quý giá một thời đang ngày càng mai một và im lìm.

Di sản mộc bản đang tiêu tán từng ngày…
Nhà nghiên cứu/họa sĩ Lê Quốc Việt đang khắc tranh lấy cảm hứng từ phương thức in mộc bản tại Bảo tàng Văn minh Châu Á tại Singapore năm 2009. Ảnh: ACM
Với giới nghiên cứu văn bản, mộc bản có vai trò rất quan trọng bởi với một tác phẩm, mộc bản là cơ sở đối chiếu, so sánh với các phiên bản được in hoặc chép tay sau này. Mộc bản cũng giống như bản gốc của một quyển sách, là tổng hòa của nhiều giá trị. Bên cạnh những giá trị nội dung về tôn giáo, triết học, lịch sử và văn học…, nó còn phản ánh cả một nền văn minh vật chất.

Có thể chia hệ thống tàng bản1 làm ba loại: tàng bản của triều đình, tàng bản của tư nhân và tàng bản của tự viện. Do tác động của lịch sử, những tàng bản của triều đình và tư nhân đã tiêu tán. Hiện nay chỉ còn tàng bản của tự viện là được bảo vệ với số lượng tương đối lớn. Xưa nay, trong giới Phật giáo, người ta coi tàng bản là pháp bảo, bên cạnh hai vật báu khác là Phật bảo và Tăng bảo. Pháp bảo – hay những lời dạy của Phật, bao gồm kinh văn, giáo lý nhà Phật - được lưu giữ thông qua sách hoặc ván in.

Tuy nhiên, do sự dịch chuyển từ việc sử dụng chữ Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ dưới tác động của chương trình Bình dân học vụ vào năm 1945, những kinh văn, giáo lí nhà Phật hiện nay đều được viết và truyền bá bằng chữ Quốc ngữ. Vô tình điều này đã tạo ra sự lãng quên, sa mạc hóa nhiều kho tác phẩm Hán Nôm vốn một thời được coi là pháp bảo. Với đa số những người xuất gia không sử dụng chữ Hán, kho mộc bản từng rất hữu ích giờ chỉ là những di cảo đã “chết”, dùng để thờ, để bầy chứ không còn được sử dụng nữa. Thậm chí, không ý thức được giá trị của các mộc bản, qua những biến động về kinh tế-xã hội, nhiều nơi đã chẻ ra làm củi hay để mối, mọt.

Ngay cả những nhà chùa biết chữ Hán, hiểu những mộc bản mình đang lưu giữ là pháp bảo cũng không thể giúp chúng “sống” lại vì họ không còn sử dụng công nghệ in cũ. Công nghệ in mới đã dẫn đến sự phá sản của tất cả những làng nghề thủ công truyền thống từ nghề làm giấy, làm mực cho đến nghề khắc in. Vì vậy, những nghệ nhân biết khắc chữ và đóng sách theo lối cổ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam cùng việc thiếu ý thức bảo quản và sử dụng, những mộc bản cũng như những quyển sách không bao giờ được giở cứ im lìm, bị phủ bụi và bị mối mọt khiến di sản này tiêu tán hằng ngày.

Trong bối cảnh đó, giới nghiên cứu lại được đào tạo theo kiểu “bút sắt”, thiếu mẫn cảm khi tiếp xúc với thư tịch cổ. Một hạn chế phổ biến của họ là tước văn bản khỏi bối cảnh của nó. Ví dụ, khi tìm hiểu một thư tịch cổ trong tay, họ chỉ xem tác phẩm này viết gì, tập trung phân tích về mặt nội dung chứ hoàn toàn bỏ qua nơi đã xuất bản ra nó. Tên nhà in được ghi trên các đầu sách không khiến họ tò mò về nhà in đó ở đâu, đã xuất bản những đầu sách nào, số lượng bao nhiêu, quy trình in ra sao. Bỏ quên bối cảnh trong tìm hiểu văn tự cũng giống như nghiên cứu một xác chết mà bỏ qua môi sinh của nó. Phương pháp nghiên cứu phiến diện hiện nay đã tạo ra những luận án, dự án hời hợt, chưa thực sự chạm vào những giá trị cốt tủy của di sản. Tôi e đó chỉ là cách làm đối phó trong việc bảo tồn hệ thống mộc bản. Chính vì vậy, các cơ quan, viện nghiên cứu mới chỉ bảo quản được về mặt vật thể bằng cách xây dựng những kho lưu trữ để hút ẩm, khô ráo chứ chưa tạo điều kiện để những di sản có thể phát huy những giá trị về mặt vật thể và phi vật thể, điển hình là những kĩ nghệ thủ công từng có mối quan hệ mật thiết với nguồn gốc của những mộc bản không hề được ghi lại hay bảo lưu và những người có nhu cầu nghiên cứu, yêu thích Hán Nôm cũng chỉ được tiếp cận những kho mộc bản trong các thư viện một cách hạn chế.


Hiện tại phải xác nhận một thực tế đó là, dẫu nỗ lực của Viện nghiên cứu Hán Nôm và các thư viện quốc gia, tỉnh và các tự viện có ý thức lưu giữ ván và sách nhưng hai cái đó không khớp nhau (tức là ván và sách đều thiếu, không thể tập hợp lại thành một bộ kinh nguyên vẹn). Người ta có thể phục hồi vật chất chứ không thể khôi phục được giọng văn, cách viết của thời xưa, nhất là khi những mộc bản đó lại là độc bản và thời điểm ra đời cách đây nhiều thế kỉ. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều khi tôi gặp tình trạng đau xót là tác phẩm chỉ còn lại mấy ván in (tương đương với vài ba trang sách). 

Bên cạnh đó, do không nắm được kĩ nghệ in truyền thống và cũng không tham vấn các chuyên gia, một số học giả đã trực tiếp góp phần hủy hoại những di sản vừa được tái khám phá. Họ dùng sơn phết lên những mộc bản để in lại nội dung những tác phẩm thay vì phết mực như lối cổ. Những ván in bị két sơn, không rửa được nên không thể in chữ được nữa. Kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) gồm hơn 3.000 ván in vừa được UNESCO ghi nhận là di sản ký ức đã bị hỏng hoàn toàn, không còn sử dụng được. Cách đây chưa lâu, bảo tàng của tỉnh Bắc Giang cũng áp dụng lối “in sơn” làm hỏng hơn 2.000 ván của chùa Bổ Đà. Ngoài hai kho mộc bản kể trên, kho ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và kho ở chùa Hoa Lâm (Khê Hồi, Thường Tín) cũng đã bị “phá hủy” với lối in không đúng cách.

Sự giàu nghèo của di sản là do thái độ của cộng đồng. Quan trọng nhất là tất cả các cá nhân, tập thể cần phối hợp với nhau, cảnh tỉnh, đánh động trước nguy cơ di sản biến mất và tái phục hồi chúng. Với những kĩ nghệ truyền thống, cần quay video, nghiên cứu và ghi chép cẩn thận để thế hệ sau này muốn tìm hiểu, nghiên cứu có thể dựa vào đó để phục hồi. Giống như ở các nước phương Tây, những kỹ nghệ truyền thống có thể mất đi nhưng không bị thất truyền vì chúng đều được ghi chép lại cẩn thận. Giới nghiên cứu hoàn toàn có thể căn cứ vào hình ảnh, phim tư liệu, diễn giải để khôi phục lại một kỹ nghệ. Hơn nữa, các nghiên cứu và tư liệu nên được công bố cho những người có nhu cầu nghiên cứu tiếp cận chứ đừng để chúng bị “biển thủ” thành tài sản của cá nhân hoặc cơ quan. Bên cạnh đó, không nên nghĩ rằng, việc gìn giữ di sản là việc của những cơ quan bảo tồn, lưu trữ, việc của ngành tôn giáo mà bất cứ ai cũng cần có thái độ và ứng xử đúng đắn với di văn của tổ tiên, dù không thể làm nó “sống lại”, cũng cần bảo quản để nó có thể phát huy được giá trị tối thiểu. 


Để in một bộ kinh gồm hàng chục đến hàng trăm quyển, ngoài quy mô của triều đình thì khó ngôi chùa nào có thể đảm trách hết được. Chính vì thế, họ thường phân công mỗi chùa khắc in từ một đến vài quyển rồi trao đổi với nhau. Quy trình công nghệ in cổ ở các tự viện bao gồm những bước sau:

Khi một tác giả hoàn thành bản thảo, nhà chùa sẽ thuê một người thợ viết chữ sao chép lại bằng một phông chữ thông dụng và dễ khắc nhất, đồng thời dàn lại dòng, trang đảm bảo số lượng chữ trên mỗi trang đều bằng nhau. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng cử ra một hội đồng kiểm duyệt gồm khoảng bốn người, là những bậc hòa thượng, đại sư đắc đạo để kiểm duyệt sao cho đúng với Kinh Phật.

Qua bước này, nhà chùa có thể tính được số lượng ván, số lượng giấy in và từ đó ước lượng số tiền cần chi. Sau đó, thợ mộc sẽ xẻ ván và ngâm trong nhiều năm để tránh mối mọt (ván thường được làm bằng gỗ thị vì loại gỗ này dẻo và mềm nên dễ khắc) và họ bào sẵn, phơi khô. Sau đó, họ dán các trang giấy lên ván gỗ (khổ ván bằng đúng khổ giấy) bào phần không có chữ đi, nhờ vậy mà chữ nổi lên. Một ván gỗ thường được khắc hai mặt, tương đương hai trang sách.

Sau khi in xong thì họ xếp trang, xén, đóng gáy, phết sơn ta vào gáy sách cho chắc, làm cậy (bìa cứng), đóng cậy và hoàn thiện một vài chi tiết gắn với quyển sách. Sau khi hoàn thiện, sách sẽ được dùng để cúng cầu siêu hoặc phát cho các sư hành trì.
Cả cuốn sách được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và tiết kiệm tận cùng: chỉ khâu sách tận dụng từ giấy xén thừa xoắn lại, bìa cũng từ giấy viết hỏng rồi phết sơn đỏ xung quanh, sơn ta cũng được khai thác từ một số loại cây.


Theo Hảo Linh - Tia Sáng

***

1 Tàng bản còn đồng nghĩa với nhà in, nhà xuất bản sử dụng lối in khắc gỗ.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhà văn già (24/07/2015)